Chuyến bay đã được chuẩn bị trong nhiều năm và sẽ đánh dấu nhiều kỷ lục đầu tiên: Những nhà du hành đầu tiên bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ lãnh thổ Mỹ kể từ khi NASA dừng chương trình Tàu con thoi năm 2011; sứ mạng có người lái đầu tiên của SpaceX trong lịch sử 18 năm; và lần đầu tiên kể từ năm 1981 các nhà du hành NASA được bay ra ngoài không gian trên một tàu vũ trụ thiết kế hoàn toàn mới.
Crew Dragon của SpaceX là một phương tiện khác biệt nhiều so với người tiền nhiệm Space Shuttle (Tàu vũ trụ con thoi), vốn phải dựa vào các tên lửa đẩy được gắn vào một tàu vũ trụ có cánh khổng lồ để đưa các phi hành gia đến và đi từ ISS. Trong khi đó, Crew Dragon là một khoang nhỏ hơn, gắn ngay trên mũi quả tên lửa, mang nhiều nét tương đồng với tàu Soyuz của Nga hoặc tàu Dragon mà SpaceX đã sử dụng để đưa hàng hoá lên ISS trong những năm qua.
Sứ mạng vào cuối tháng này sẽ đưa Behnken và Hurley gia nhập câu lạc bộ các phi hành gia ưu tú, những người đầu tiên đưa tàu vũ trụ mới vào cuộc thử nghiệm cuối cùng bay lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Mặc dù vậy, hai nhà du hành với kinh nghiệm hàng trăm giờ trên tàu vũ trụ, tỏ ra rất điềm đạm, khiêm nhường khi nói về chuyến bay sắp tới. "Chúng tôi tiếp nhận nhiệm vụ... giống như bất cứ điều gì khác", ông Hurley, 53 tuổi, nói với kênh CNN Business. "Chúng tôi có lẽ sẽ suy nghĩ nhiều hơn về điều đó khi quay trở lại [Trái đất]”.
Cả Behnken và Hurley đều bắt đầu sự nghiệp với tư cách là phi công thử nghiệm quân sự, đã có kinh nghiệm hàng ngàn giờ lái máy bay phản lực siêu thanh. Khi NASA tuyển chọn phi hành gia cho sứ mạng Crew Dragon vào năm 2018, họ đã vượt qua một hàng dài các phi công thử nghiệm quân sự, để được đánh giá là có năng lực phù hợp nhất cho những khoảnh khắc đột phá trong lịch sử các chuyến bay vũ trụ của con người.
Hai phi hành gia duy trì một tình bạn thân thiết cả trong và ngoài công việc. “Chỉ qua ngôn ngữ cơ thể, chúng tôi có thể đoán ý nghĩ của nhau hoặc hành động tiếp theo của người kia sẽ là gì. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau lâu đến nỗi giống như có một đôi bàn tay thứ hai”, Behnken cho biết.
Crew Dragon cũng là con tàu hoàn toàn tự chủ. Trên thực tế, một phiên bản của tàu đã hoàn thành một chuyến bay thử nghiệm không người lái tới ISS vào năm ngoái. Khả năng tự bay của nó đã khiến các phi hành gia an tâm, nhà du hành Hurley cho biết.
“Bạn giống như một chiếc monitor theo dõi toàn bộ các hệ thống, và thực ra không phải sử dụng hết sức mạnh của bộ não để điều khiển tàu. Dù vậy, tàu có chức năng điều khiển bằng tay ở một số giai đoạn, và chúng tôi chắc chắn sẽ thử nghiệm điều đó”, ông Hurley nói.
Minh hoạ sứ mạng của tàu vũ trụ Crew Dragon (Nguồn: SpaceX)
Chuyến bay gần đây nhất của Robert Behnken tới ISS vào năm 2010. Ông đến đây trên tàu con thoi Endeavour.
Tuy vậy, trong bất cứ sứ mạng vũ trụ có người lái nào, rủi ro là điều chắc chắn. Chương trình Tàu con thoi của NASA đã vận hành mà không có sự cố gây tử vong nào trong nhiều năm cho đến khi xảy ra thảm kịch với tàu Challenger vào năm 1986, và tàu Columbia năm 2003. Tàu Soyuz của Nga vẫn đang hoạt động trong suốt nửa thế kỷ qua, nhưng liên quan đến một số sự cố không gây chết người trong những năm gần đây.
Với một tàu vũ trụ hoàn toàn mới như Crew Dragon thì quá trình chuẩn bị cho sứ mạng sắp tới khác xa so với những nhiệm vụ mà Behnken và Hurley từng tham gia. Không có bất cứ giáo trình nào, vì thế các phi hành gia làm việc với NASA và SpaceX phải tự tạo ra một quy trình huấn luyện từ con số không.
“Với một chuyến bay đầu tiên như vậy chắc chắn có thể có một số rủi ro định lượng được lớn hơn”, nhà du hành Hurley nói. “Tuy nhiên, các quan chức NASA và SpaceX đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều năm qua để đảm bảo phi hành đoàn có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách an toàn. Vì vậy, những rủi ro “có lẽ không khác gì bất kỳ chuyến bay vũ trụ nào khác”, ông nhận xét. Douglas Hurley là phi công trong chuyến bay số hiệu STS-135 năm 2011, chuyến bay cuối cùng trong Chương trình Tàu con thoi của NASA.
Còn với Behnken, từng đón con trai chào đời trong chuyến bay cuối cùng vào vũ trụ cách đây một thập kỷ, việc chấp nhận rủi ro mang một ý nghĩa mới. Sau 9 năm phụ thuộc vào tàu vũ trụ Soyuz của Nga để đưa phi hành gia Mỹ tới trạm vũ trụ, Behnken cho biết ông hiểu được tầm quan trọng của sứ mạng Crew Dragon. “Con trai tôi chỉ được xem lại những hình ảnh và video về các chuyến bay trước đây của tôi… Tôi muốn nó hiểu rằng đó là một sứ mạng mà tôi dành nhiều tâm huyết. Tôi nghĩ sứ mạng đó rất quan trọng với chúng ta, với con người, cũng như người Mỹ. Tôi muốn con tôi tự hào về cha của nó”.