Phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào những lĩnh vực thế mạnh

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang là một trong những công nghệ được quan tâm nhất, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Hiện nay, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng AI vào việc nghiên cứu - kinh doanh để tạo ra những kết quả đáng kể. Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về nguồn vốn và con người, sự đầu tư của những doanh nghiệp Việt cho thấy khát vọng phát triển AI để khẳng định chỗ đứng của Việt Nam trong bản đồ công nghệ thế giới, đồng thời, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Xây dựng lực lượng nòng cốt về AI

Chú thích ảnh
Đại biểu tìm hiểu mô hình an toàn thông tin của các doanh nghiệp tại Hội thảo: “An toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị thông minh”. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Ông Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo - VinAI Research (Công ty VinTech) cho biết: VinAI Research đang tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn Vingroup hoặc các đối tác. Các nghiên cứu tại Viện sẽ tập trung vào những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà cốt lõi là thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong các lĩnh vực xử lý và hiểu ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng...

Ông Cao Vũ Dũng, Quản lý và Kỹ sư AI, Skydisc Inc, Nhật Bản cũng chia sẻ về những thành tựu mà AI mang lại trong cuộc sống như: Nhận diện ảnh (Image Classification); Nhận diện giọng nói; Nhận diện khuôn mặt; Phát hiện ung thư; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên… Nhật Bản muốn xây một Super smart society (Xã hội đầu tiên 5.0 dẫn đầu thế giới), tuy nhiên cũng có rất nhiều thách thức đối với họ như: Thiếu lực lượng nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nhân lực trong phát triển AI… Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội đầu tiên 5.0 dẫn đầu thế giới, Nhật Bản cần 550.000 kỹ sư công nghệ thông tin vào năm 2030. Đây là cơ hội cho các công ty IT nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đang có lợi thế lớn trong cung cấp nhân lực về AI. Nhật Bản đặt mục tiêu đào tạo 250.000 chuyên gia AI/năm nhằm ứng dụng AI trong y tế, sản xuất và nền tảng di động.

Tại Việt Nam, các tập đoàn lớn như: Viettel, FPT, VNPT... hiện đang tập trung xây dựng nòng cốt về AI, đầu tư đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Kết nối vạn vật (Internet of things), Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Xe tự hành… Những nghiên cứu này là điểm then chốt để các doanh nghiệp, tập đoàn tham gia chuyển đổi số và cùng các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như: Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba… Trong đó, AI được xem là một trong những mảng công nghệ mũi nhọn trong định hướng chiến lược tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Tập trung vào lĩnh vực thế mạnh

Chú thích ảnh
Máy pha cà phê ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) được giới thiệu tại lễ khởi động Cuộc thi AIoT & Smart Cities 2019. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN

Không chỉ có các nước tập trung vào phát triển và ứng dụng AI, mà tại Việt Nam, đã có nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều chương trình nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng AI, bởi sứ mệnh cuối cùng của các nghiên cứu khoa học là phục vụ cho cuộc sống.  Đây là khẳng định của bà Trần Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tại tọa đàm “Công nghệ AI và ứng dụng AI tại Việt Nam” mới diễn ra.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Đào Thanh Bình, Nhóm hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc, Nhật Bản nhấn mạnh: AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence). Các chính phủ, công ty và học viện đã và đang quan tâm đầu tư rất nhiều cho AI với số tiền đầu tư tăng lên nhanh chóng hàng năm. Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác. Trí tuệ nhân tạo được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp. Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI. Việt Nam được đánh giá là một nước lợi thế lớn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI, vì vậy, Việt Nam cần thu hút nguồn nhân lực AI giỏi để tập trung vào phát triển những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam.

Với chủ đề "AI cho Việt Nam, một lộ trình", ông Ngô Quốc Hưng, Trưởng nhóm nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo, Công ty Ainovation cho rằng: Việt Nam có thể đào tạo về AI cho các em từ học sinh cấp 3. Hiện nay, cũng là thời điểm để Việt Nam “bắt tay” xây dựng một trung tâm AI cho Việt Nam", bởi nếu Việt Nam xây dựng được một cộng đồng “nhân tài” về AI thì chắc chắn Việt Nam sẽ thành công.

Theo ông Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng cho rằng: Trong tình hình hiện nay, Việt Nam nên tập trung phát triển AI ở những lĩnh vực thế mạnh như: nông nghiệp thông minh, y tế, giáo dục… Chỗ nào có dữ liệu thì Việt Nam đưa AI vào phát triển. Chẳng hạn, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia để đánh giá cung cầu trong nông nghiệp.

Với những mục tiêu rõ ràng về chiến lược chuyển đổi số cũng như sự cần thiết trong việc phổ cập công nghệ AI đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, ngay từ khi bắt được mạch sóng ngầm của thị trường, năm 2013, FPT đã tiến hành đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển nền tảng AI. Năm 2018, đã đánh dấu bước tiến lớn của FPT khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Nền tảng trí tuệ nhân tạo mở cho các doanh nghiệp cùng sử dụng với hai hình thức miễn phí và thu phí dựa trên nhu cầu của người dùng.

Ông Đào Thanh Bình, Nhóm hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc, Nhật Bản cho rằng: AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence)... Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác.

HL (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển thành phố thông minh
TP Hồ Chí Minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát triển thành phố thông minh

Nhằm thực hiện thành công đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025" và đề án "Xây dựng khu đô thị sáng tạo", TP Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ chế, chính sách cho phát triển nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN