Đó là một loài tảo lục nhỏ bé sống dưới đáy biển cách đây khoảng một tỷ năm trước và là một mắt xích quan trọng trong quá trình tiến hóa sự sống trên thế giới.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution ngày 24/2, các nhà khoa học cho biết loài thực vật có tên khoa học là "Proterocladus antiquus" có kích thước chỉ bằng hạt gạo và trổ ra nhiều cành mỏng, phát triển mạnh ở vùng nước nông, trong khi gắn vào đáy biển với cấu trúc giống như rễ cây.
Tuy kích cỡ có vẻ nhỏ bé, nhưng tảo lục Proterocladus là một trong những sinh vật lớn nhất thời bấy giờ, cùng chia sẻ môi trường biển chủ yếu với các loại vi trùng và vi khuẩn. Loài tảo xanh này tham gia quá trình quang hợp, biến năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời thành năng lượng hóa học và tạo ra oxy.
Các nhà khoa học cho biết "Proterocladus antiquus là họ hàng gần với tổ tiên của tất cả các loại cây xanh còn sống hiện nay". Sinh quyển Trái Đất chủ yếu dựa vào các loài thực vật để có được thức ăn và nguồn khí oxy. Những loài thực vật trên cạn đầu tiên, được cho là hậu duệ của loài tảo lục này, xuất hiện trên Trái Đất khoảng 450 triệu năm trước.
Có một sự tiến hóa trên Trái Đất xảy ra khoảng hai tỷ năm trước, từ các tế bào giống như vi khuẩn đơn giản đến các thành viên đầu tiên của một nhóm được gọi là sinh vật có nhân thực (eukaryotes), rồi đến nấm, thực vật và động vật. Những loài thực vật đầu tiên là những sinh vật đơn bào. Sự chuyển đổi sang các loài thực vật đa bào như Proterocladus là một sự phát triển then chốt, mở đường cho sự trỗi dậy của các loài thực vật trên thế giới, từ dương xỉ đến cây cù tùng đến cây nắp ấm Venus.
Theo các nhà khoa học, tảo lục Proterocladus "già hơn" tới 200 triệu năm tuổi so với loài tảo lục lâu đời nhất từng được giới khoa học biết đến trước đây. Một trong những họ hàng thời hiện đại của loài tảo này là một loại rong biển ăn được - có tên là rau diếp biển.