Tuy nhiên, 2 trong số 3 giải Nobel mở màn mùa Nobel 2024 đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, khẳng định thời khắc của AI đã đến với ánh sáng rực rỡ.
Ngày 8/10, hai nhà khoa học Geoffrey Hinton và John Hopfield đã giành giải Nobel Vật lý nhờ vào những đóng góp tiên phong trong việc tạo dựng nền tảng của AI hiện đại. Sau đó một ngày, ba tác giả David Baker, John Jumper và Demis Hassabis đã cùng chia sẻ giải Nobel Hóa học với các công trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về cấu trúc protein thông qua AI.
Nếu như bộ ba David Baker - John Jumper - Demis Hassabis đã nằm trong danh sách những ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hóa học, thì việc hai đồng nghiệp Geoffrey Hinton và John Hopfield được trao giải Nobel Vật lý lại là một bất ngờ lớn. Bản thân ông Hinton chia sẻ rằng: "Tôi thực sự kinh ngạc. Tôi không hề nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra. Quả thực rất bất ngờ".
Ông Hinton không phải là người duy nhất ngạc nhiên về điều này. Nhiều bình luận trên các kênh truyền thông xã hội đã đặt câu hỏi tại sao một nhà khoa học máy tính lại được nhận giải thưởng Vật lý. Trong bối cảnh các ứng dụng như chatbot ChatGPT của công ty OpenAI đang thống lĩnh cuộc thảo luận văn hóa về AI, đối với nhiều người, việc một công nghệ như vậy được trao giải Nobel dường như là điều khó tin.
Tuy nhiên, đối với cộng đồng khoa học, việc giải Nobel Vật lý được trao cho một công trình thuộc lĩnh vực AI không phải là điều quá ngạc nhiên. Giáo sư Elena Simperl thuộc khoa Tin học của trường Đại học King’s College London (Anh) cho biết: "Vai trò của AI trong việc thay đổi cách chúng ta làm khoa học không thể bị đánh giá thấp. Giải Nobel này ghi nhận điều đó, đồng thời tôn vinh vai trò của các phương pháp liên ngành trong việc thúc đẩy lĩnh vực điện toán".
Trên thực tế, lĩnh vực khoa học mà ngày nay chúng ta gọi là AI đã xuất hiện từ những năm 1950 với các chatbot sơ khai, máy dịch thuật và các thuật toán đơn giản. Nhưng nhiều thí nghiệm ban đầu đã không thành công và các nhà nghiên cứu đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ, đặc biệt là trong giai đoạn ảm đạm được gọi là “mùa đông AI” vào những năm 1970 và 1990.
Trước khi làn sóng quan tâm đến AI bùng nổ vào năm 2022 với sự ra đời của ChatGPT, AI chỉ có một vài khoảnh khắc làm dậy sóng trí tưởng tượng của công chúng. Năm 2016, chương trình AlphaGo do công ty DeepMind của ông Demis Hassabis phát triển đã đánh bại siêu kỳ thủ cờ vây Hàn Quốc Lee Se Dol. Thành tựu này đến gần một thập kỷ sau khi siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại nhà vô địch cờ vua Garry Kasparov.
Trong bài phát biểu nhận giải, ông Hassabis nhấn mạnh rằng có một mối liên kết trực tiếp giữa AlphaGo và AlphaFold, chương trình giúp ông và đồng nghiệp giành giải Nobel trong việc dự đoán cấu trúc protein.
Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã sử dụng trò chơi điện tử như một môi trường thử nghiệm cho các thuật toán ban đầu của DeepMind, điều này sau đó đưa đến một số kỹ thuật chúng tôi sử dụng trong các chương trình hiện đại". Ông cũng khuyến khích trẻ em chơi các trò chơi điện tử, cho rằng đó là "một cách thú vị để hiểu sâu về cách máy tính hoạt động".
Giáo sư Elena Simperl cho rằng thay vì coi việc các nhà tiên phong AI được trao giải Nobel là điều đáng tranh cãi, chúng ta nên khuyến khích điều này. Bà cho biết: "Có lẽ đã đến lúc cần có một hạng mục giải Nobel mới để công nhận các đóng góp của AI". Giáo sư Simperl cũng nhấn mạnh rằng các lĩnh vực như kỹ thuật phần mềm và an ninh mạng cũng xứng đáng được ghi nhận vì những đóng góp to lớn cho xã hội.
Bà nêu rõ: "Trong suy nghĩ của tôi, không có vấn đề gì khi một nhà khoa học AI được công nhận trong một hạng mục giải Nobel khoa học. Đây chỉ là sự thừa nhận về cách mà khoa học hiện đại hoạt động ngày nay".