Những thành tích đáng tự hào
Từ năm 2013 đến nay, nhiều sản phẩm vệ tinh “made in Việt Nam” liên tục ra đời, thêm vào đó là việc hàng loạt các công trình ứng dụng, phổ biến kiến thức khoa học vũ trụ hoàn thiện, đánh dấu bước phát triển ban đầu vững chắc của ngành khoa học vũ trụ Việt Nam.
Một sự kiện đáng chú ý đầu năm 2019 là ngày 18/1, vệ tinh MicroDragon (khối lượng 50kg, kích thước 50 x 50 x 50cm) do các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nghiên cứu, chế tạo được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Nhật Bản.
Vệ tinh MicroDragon được chế tạo với mục đích chính là đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Tuy nhiên, khi được phóng thành công, vệ tinh MicroDragon hứa hẹn nhiều ứng dụng thiết thực như: Quan sát vùng biển ven bờ để đánh giá chất lượng nước; Nghiên cứu vùng biển ven bờ phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam; Phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển…
Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon còn có thể phối hợp với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.
Trước đó vào năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg) do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nghiên cứu, chế tạo cũng được phóng, hoạt động tương đối ổn định trong khoảng 3 tháng và liên tục phát tín hiệu quảng bá với bản tin “PicoDragon VietNam” đến các trạm mặt đất trên toàn thế giới.
Chia sẻ về lộ trình phát triển công nghệ vệ tinh của Trung tâm, PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch phát triển vệ tinh từ cấp độ PicoDragon nặng 1kg (năm 2013) tới NanoDragon nặng 4-6kg (năm 2020), MicroDragon nặng 50kg (năm 2019) và sắp tới theo kế hoạch là vệ tinh ra-đa LOTUSat-1 nặng khoảng 570kg. Đây là một quá trình lâu dài, phải làm từng bước mới có thể tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh trong tương lai”.
Không chỉ đạt được những kết quả đáng tự hào về công nghệ vệ tinh, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đang tập trung xây dựng các công trình cơ sở nền tảng cho ngành khoa học vũ trụ. Nổi bật là 3 công trình đã hoàn thiện như: Đài Thiên văn Hòa Lạc (Hà Nội) hoạt động từ tháng 1/2019; Đài Thiên văn Nha Trang (Khánh Hòa) hoạt động từ tháng 9/2017, bao gồm kính thiên văn quang học đường kính 0,5 m, nhà chiếu hình vũ trụ và hệ thống phòng học, nhà trưng bày.
Đây là công cụ cung cấp hiểu biết và kiến thức về thiên văn, vũ trụ bằng các hình ảnh trực quan sinh động, giúp khơi gợi niềm đam mê khoa học, nhất là với giới trẻ. Cùng với đó, công trình Bảo tàng Vũ trụ Việt Nam cũng đang trong kế hoạch thực hiện để đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Đặc biệt, vừa qua đại diện cho Việt Nam, PGS.TS Phạm Anh Tuấn đã đón nhận luân phiên vị trí Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất 2019 – CEOS Chair 2019. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam hội nhập và nâng cao hơn nữa vị thế trong lĩnh vực khoa học vũ trụ.
Với 2 sáng kiến chính là: Quan sát các-bon (bao gồm các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát Trái đất) để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả; và Các quan sát phục vụ nông nghiệp (cụ thể là giám sát lúa), Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ và cam kết hỗ trợ từ các tổ chức thành viên CEOS trong việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh; đào tạo nguồn nhân lực; cơ hội tham gia các dự án và các đề tài tiềm năng...
Cần “bệ phóng” để tiến xa hơn
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển ngành công nghệ vũ trụ, nếu được tiếp tục chú trọng đầu tư thì việc làm chủ các công nghệ vũ trụ không phải là quá khó. Đặc biệt, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này cũng cần nguồn kinh phí không nhỏ nhưng rất cần thiết. Nhất là trong điều kiện nhân lực cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu và yếu.
"Để có đội ngũ kỹ sư chất lượng cao, Trung tâm đã cử 36 kỹ sư đi đào tạo tại Nhật Bản, vừa học thạc sĩ vừa hoàn thành sản phẩm vệ tinh MicroDragon trong vòng 4 năm. Dự kiến sắp tới, sẽ có thêm khoảng 100 lượt cán bộ sẽ tiếp tục được cử đi học tại Nhật Bản. Đây sẽ là đội ngũ chất lượng ban đầu cho việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam”, PGS.TS Phạm Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, việc phát triển công nghệ vũ trụ không thể “đi tắt đón đầu” bởi công nghệ vũ trụ là một lĩnh vực liên ngành, đặc biệt và phải có tầm nhìn xa, là chương trình dài hơi của quốc gia. Do đó cần sự đầu tư quyết liệt của Chính phủ một cách đồng bộ, liên tục và bài bản như: Đào tạo nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ v.v. chứ không thể làm từng đoạn hay chia giai đoạn ngắn. Đặc biệt phải có chính sách đặc thù để giữ được đội ngũ nhân lực trẻ, nhất là đội ngũ đã được đào tạo chuyên nghiệp để làm việc lâu dài.