Curiosity đáp gần xuống miệng núi lửa Gale trên bề mặt sao Hỏa vào đầu tháng 8/2012 và đã thực hiện được hành trình leo 8 km lên núi Sharp nằm trong miệng núi lửa Gale. Nhiệm vụ chính của Curiosity là cung cấp các hình ảnh để phục vụ nghiên cứu “quá khứ” của hành tinh Đỏ. Những tư liệu Curiosity gửi về Trái Đất ghi lại các ngọn đồi và những tảng đá lô nhô trên bề mặt miệng núi lửa đã trở thành nguồn khích lệ to lớn với các nhà khoa học.
Đến nay, Curiosity đã di chuyển được tổng cộng khoảng 16 km và đào được 32 hố trên bề mặt sao Hỏa. Giám đốc dự án Curiosity Megan Richardson chia sẻ ngày Curiosity đáp xuống bề mặt sao Hỏa vẫn là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong sự nghiệp của nữ chuyên gia này.
Bức ảnh toàn cảnh mới nhất được Curiosity chụp và gửi về hồi đầu tháng 7 vừa qua bao gồm 129 hình ảnh riêng được ghép lại với nhau. Chất lượng hình ảnh rất tốt vì được chụp trong thời gian mùa Đông ở miệng núi lửa Gale, khi bầu trời quang đãng không bị bao phủ bởi các đám mây bụi. NASA cũng cung cấp các thông tin hướng dẫn để giải thích cho người xem chi tiết những điểm nhấn trong bức ảnh toàn cảnh, như những bãi cát đen và vùng mép của miệng núi lửa ở phía xa.
Bức ảnh cũng bao gồm khu vực tiếp giáp giữa một vùng đất sét và một vùng nhiễm sulfate được cho là chứa nhiều khoáng muối. NASA tin rằng các tầng lớp địa chất tại núi Sharp sẽ cung cấp nhiều hiểu biết về môi trường cổ đại bên trong miệng núi lửa Gale.
Đến nay, con người đã phóng thành công 6 robot thăm dò lên sao Hỏa, trong đó có 5 robot của NASA và 1 robot của Trung Quốc mới đáp xuống hành tinh này hồi tháng 5 vừa qua. Ngoài Curiosity, hiện NASA còn đang vận hành robot Perseverance mới đáp thành công hồi tháng 2. Với một số cải tiến so với Curiosity, Perseverance không chỉ nghiên cứu về môi trường cổ xưa trên sao Hỏa mà còn được trang bị các công cụ tiên tiến để kiểm tra và phát hiện những yếu tố có thể hỗ trợ sự sống trên hành tinh này, phân tích mẫu đất và thu thập những dữ liệu quan trọng để phục vụ cho các sứ mệnh khám phá sao Hỏa tiếp theo.