Sự kiện lịch sử này dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 2 tuần tại vị trí được giới khoa học hết sức quan tâm, đó là miệng núi lửa Jezero, có tên gọi là "Cratered Floor Fractured Rough".
Giám đốc khoa học của NASA Thomas Zurbuchen chia sẻ: “Ở thời điểm Neil Armstrong lấy mẫu đất đầu tiên từ một địa điểm trên Mặt trăng có tên là Sea of Tranquility (Biển yên bình) cách đây 52 năm, ông ấy đã bắt đầu tiến trình viết lại những gì nhân loại biết về Mặt Trăng. Và bây giờ, tôi cũng kỳ vọng rằng mẫu vật đầu tiên mà tàu Perseverance lấy từ miệng núi lửa Jezero cũng như những mẫu vật được lấy tiếp sau đó cũng sẽ viết ra những điều tương tự đối với sao Hỏa". Ông cho biết: "Chúng ta đang ở ngưỡng cửa một kỷ nguyên mới của khoa học và khám phá hành tinh".
Theo kế hoạch, tàu thám hiểm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ thu thập hàng chục mẫu trong suốt quá trình thực hiện sứ mệnh của mình để giúp các nhà khoa học xác định đặc điểm của miệng núi lửa Jezero, nơi một hồ nước rộng 45km từng tồn tại và biến mất, nơi tàn tích của các sinh vật cổ đại có thể được bảo tồn.
Trước đó, tàu thăm dò Perseverance đã đáp xuống Hành tinh Đỏ vào ngày 18/2, trên miệng núi lửa Jezero. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy vùng trũng này từng là một hồ nước, được tạo ra từ một con sông từ vùng đồng bằng chảy về. Do đó, nó được coi là một "ứng cử viên" sáng giá cho việc bảo tồn các vi sinh vật cổ đại - nếu chúng từng tồn tại.
Kể từ khi hạ cánh, tàu Perseverance đã di chuyển khoảng 1 km về phía Nam và chụp lại hình ảnh của bụi và gió giật trên đường đi. Hiện nó đã dừng lại ở một địa điểm được gọi là "Paver Stone" hay "Vết nứt gãy".
Các nhà khoa học cho rằng sau khi phân tích các mẫu lấy được, manh mối về thành phần hóa chất và khoáng chất của đá sẽ được tiết lộ và những manh mối này sẽ xác định được liệu chúng được hình thành từ núi lửa hay có nguồn gốc trầm tích.