Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2

Các quan chức Chính phủ Mỹ cho biết nước này sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 từ ngày 16/3.

Chú thích ảnh
Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 vào ngày16/3. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 được thử nghiệm lâm sàng trên 45 tình nguyện viên trẻ, có sức khỏe ổn định với các liều lượng khác nhau. Thử nghiệm do Viện Y tế Quốc gia và công ty công nghệ sinh học Moderna phối hợp phát triển sẽ diễn ra tại Viện Y tế Kaiser Permanente ở Seattle, bang Washington (Mỹ). Các quan chức y tế cho biết quá trình thử nghiệm mọi vaccine tiềm năng đều phải mất từ 12 đến 18 tháng.

Trong quá trình thử nghiệm, các tình nguyện viên sẽ không phải đối mặt với rủi ro nhiễm virus SARS-CoV-2 bởi trong thành phần điều chế vaccine không chứa virus này. Mục tiêu thử nghiệm nhằm xác định xem vaccine có gây tác dụng phụ đáng lo ngại hay không, tạo cơ sở cho những thử nghiệm quy mô lớn hơn.

Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển vaccine có khả năng ngừa virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới. Họ theo đuổi nghiên cứu nhiều loại vaccine khác nhau và các loại vaccine này đều được phát triển theo công nghệ mới, không chỉ sản xuất nhanh hơn so với vaccine truyền thống mà còn có hiệu quả mạnh mẽ hơn.

Một số nhà nghiên cứu còn hướng đến phát triển vaccine tạm thời trong thời gian chờ đợi vaccine hoàn thiện. Loại vaccine này có thể giúp con người miễn dịch với virus trong khoảng 1 đến 2 tháng sau mỗi lần tiêm.

Cũng trong đợt nghiên cứu này, công ty dược phẩm Inovio sẽ bắt đầu các thử nghiệm độ an toàn với một loại vaccine vào tháng tới trên hàng chục tình nguyện viên tại trường Đại học Pennsylvania và một trung tâm thử nghiệm ở thành phố Kansas, Missouri. Sau đó, nghiên cứu tương tự sẽ được mở rộng ở Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Dù các thử nghiệm an toàn ban đầu đều diễn ra thành công, nhưng phải mất từ 1 đến 1,5 năm mới có thể đưa vaccine vào sử dụng rộng rãi”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIH), cho biết.

Chú thích ảnh
Người dân Mỹ mua sắm, tích trữ hàng hóa trong bối cảnh COVID-19 bùng phát nhanh chóng. Ảnh: AP

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi thúc đẩy thử nghiệm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng. Những ngày gần đây, công việc này đang được đẩy mạnh và ông hy vọng sẽ sớm tìm ra vaccine thích hợp để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này.

Bệnh COVID-19 hiện vẫn chưa có thuốc hay vaccine thích hợp để điều trị. Tại Trung Quốc, các nhà khoa học đã từng thử nghiệm kết hợp thuốc điều trị HIV với thuốc Remdesivie từng được điều chế khi dịch Ebola bùng phát. Tại Mỹ, Trung tâm Y tế Đại học Nebraska cũng đã thử nghiệm thuốc Remdesivir ở một số bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi họ được sơ tán khỏi một tàu du lịch ở Nhật Bản.

Đối với hầu hết bệnh nhân mắc COVID-19, virus SARS-CoV-2 chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, chẳng hạn như sốt và ho. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi và người có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, virus có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, bao gồm viêm phổi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đa số những người mắc bệnh nhẹ sẽ hồi phục trong khoảng 2 tuần, trong khi những người mắc bệnh nặng hơn có thể mất 3 đến 6 tuần để hồi phục.

Hải Vân/Báo Tin tức
Thuốc kháng virus Remdesivir làm tăng hy vọng sản xuất vaccine COVID-19
Thuốc kháng virus Remdesivir làm tăng hy vọng sản xuất vaccine COVID-19

Các nhà nghiên cứu Mỹ hy vọng rằng thuốc chống virus Remdesivir đang được thử nghiệm lâm sàng ở Trung Quốc có thể có hiệu quả ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 (nCov) do chủng mới của virus Corona gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN