Hộp sọ con người có thể tạo ra một mã xác thực mạnh hơn bất kỳ loại mật khẩu nào. |
Ngay khi con người bắt đầu quen với các công nghệ bảo mật điện thoại như vân tay hay nhận diện mống mắt, gương mặt tại các tòa nhà hoặc trên các thiết bị điện tử khác, khoa học lại chứng minh tính liên tục, không ngừng nghỉ và nhảy vọt của nó.
Những thiết bị điện tử vốn có thể nhận ra người sử dụng nhờ các đặc trưng sinh lý rất khó làm giả của con người, từ hình dạng tai đến cách bước đi, nhịp tim... thì giờ đây còn có thể lắng nghe và nhận biết âm thanh dội lại từ hộp sọ của người sử dụng.
Công nghệ của tương lai
“Mã Hộp sọ” là một hệ thống sinh trắc học cho phép các nhà khoa học mang công nghệ bảo mật đi sâu hơn vào bên trong các lớp da thịt của con người, thông qua việc sử dụng sóng phản hồi từ hộp sọ người sử dụng.
Kết hợp với Google Glass, một trong những loại kính đặc dụng đi kèm với máy tính ngày càng phát triển, nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Stuttgart, Đại học Saarland và Viện Max Planck ở Đức phát đi một đoạn âm thanh có thời lượng một giây. Mẫu âm thanh này đi xuyên qua hộp sọ của người sử dụng và tạo ra sóng phản hồi.
Âm thanh dội ngược trở lại này được ghi nhận để xác thực danh tính người đang xin quyền truy cập thiết bị. Kể từ thời điểm này, bất kể vào thời điểm nào người sử dụng muốn truy cập các thiết bị điện tử, “Mã hộp sọ” sẽ được kích hoạt và lặp lại quá trình xác minh tính hợp lệ của lệnh truy cập.
Tiếng ồn trắng (nhiễu trắng) là một dạng âm thanh được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác biệt. Như một máy điều hòa âm thanh, nhiễu trắng giúp con người thư giãn, ngăn chặn các tiếng ồn không mong muốn (cách âm giúp dễ tập trung khi học tập, làm việc, dễ thích nghi hơn khi ở môi trường lạ), giúp điều trị một số bệnh (trầm cảm, ù tai, rối loạn giấc ngủ...). |
Hiện tại, hệ thống đang sử dụng tiếng ồn trắng làm mẫu sóng âm thanh phát đi. Tuy nhiên, loại sóng âm thanh này có thể được thay thế bằng một đoạn nhạc ngắn hoặc tiếng leng keng của kim loại va đập.
Công nghệ này hiện mới chỉ được thí nghiệm trên quy mô nhỏ với 10 người tham gia nhưng đã cho những kết quả khả quan trong khả năng bảo mật thông tin, với độ chính xác nhận dạng người sử dụng lên tới 97%. Kết quả của thí nghiệm cũng chứng minh rằng đây là một giải pháp bảo mật dựa vào tính đặc trưng riêng của từng người sử dụng nhờ những khác biệt rất nhỏ trong sóng âm thanh. Đồng thời, ngay cả khi thiết bị được tắt bật nhiều lần, công nghệ “lắng nghe hộp sọ” này vẫn giữ được tính ổn định trong khả năng hoạt động.
Trước mắt, công nghệ vẫn đang trong giai đoạn thí nghiệm và các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để khắc phục một số giới hạn của công nghệ trong quá trình hoạt động. Trong tiếng ồng trong môi trường sử dụng đạt một ngưỡng nhất định để làm nhiễu sóng âm thanh, độ chính xác của “Mã Hộp sọ” có thể không được đảm bảo. Bên cạnh đó, các nhân tố như việc tăng cân của người sử dụng cũng có làm thể thay đổi sóng phản hồi từ hộp sọ, dẫn đến hệ quả không mong muốn là người sử dụng không thể truy cập chính thiết bị của mình.
Theo dự đoán của các nhà khoa học, “Mã Hộp sọ” hoàn toàn có thể trở thành công nghệ bảo mật của tương lai. Và dù có trở thành giải pháp bảo mật công nghệ chính hay không, “Mã Hộp sọ” vẫn có thể được kết hợp với các biện pháp xác thực khác để làm lớp bảo mật thứ hai, qua đó tiếp tục nâng công trình độ bảo mật thông tin lên một tầm cao mới trong công cuộc giải phóng bộ não của con người hiện đại khỏi ma trận các mật khẩu. Kết quả của cuộc nghiên cứu sẽ được đội nghiên cứu trình bày tại Hội thảo Giao tiếp Máy tính Con người ở San Jose, California (Mỹ) vào tháng 5.