Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ đã lên kế hoạch cho dự án thiên văn mới có thể giúp họ sớm chụp được hình ảnh đầu tiên của một hố đen.
Theo trang Space, dự án đầy tham vọng có tên Event Horizon Telescope (tạm dịch là Kính thiên văn Chân trời sự kiện), sử dụng 50 kính viễn vọng vô tuyến trên khắp thế giới để phục vụ cho công cuộc nghiên cứu.
Ông Sheperd Doeleman đến từ MIT cho biết: “Về bản chất, chúng tôi đang tạo ra kính viễn vọng ảo với một tấm gương lớn như Trái Đất. Mỗi một kính viễn vọng chúng tôi sử dụng có thể được coi là một phần nhỏ của tấm gương khổng lồ. Khi đủ gương nhỏ, gương lớn sẽ tạo ra hình ảnh”.
Siêu hố đen đầu tiên mà các nhà khoa học đang nhắm đến là Sagittarius A, nằm ở trung tâm dải ngân hà. Sagittarius A cách Trái Đất 26.000 năm ánh sáng và có sức chứa 4 triệu mặt trời.
Hố đen có cấu trúc rất kỳ lạ. Trường hấp dẫn của chúng mạnh tới mức có thể nuốt chửng mọi thứ trong vũ trụ, bao gồm cả ánh sáng. Mọi hố đen đều có một điểm không trở lại. Một khi ánh sáng hay bất cứ thứ gì trong vũ trụ đi qua điểm này thì đều không thoát ra được.
Tuy nhiên, ông Doeleman giải thích rằng hố đen vẫn có thể phát sáng nhờ bụi và khí trước khi bị hút vào trong hố đen, chuyển động xoay tròn và ma sát với nhau, trở thành plasma nóng trên 1 tỷ độ C. Các nhà vật lý thiên văn hy vọng sẽ chụp được vòng tròn ánh sáng bao quanh hố đen Sagittarius A.
Dựa vào phương trình toán học đơn giản của thuyết tương đối do Einstein tạo ra, các nhà khoa học có thể tính được kích cỡ vòng tròn ánh sáng bao quanh hố đen.
Do vậy, nếu kích cỡ vòng tròn quanh hố đen Sagittarius A đo được trên thực tế và tính được dựa trên phương trình lệch nhau, các nhà khoa học có thể kết luận quan điểm của Einstein là sai hoặc chưa hoàn thiện.
Đến nay, công cuộc nghiên cứu vấn đang được các nhà khoa học đẩy nhanh thực hiện. Toàn bộ dữ liệu quan sát được từ kính viễn vọng ảo sẽ được lưu trong ổ cứng và được chuyển đến đài quan sát Haystack của MIT.