Huawei bật ‘chế độ sống còn’ chạy đua trước thời hạn lệnh cấm của Mỹ

Tập đoàn công nghệ Huawei và các nhà cung cấp của hãng đang làm việc bất kể ngày đêm để đáp ứng mục tiêu vận chuyển chip thiết yếu cho nhà sản xuất điện thoại trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực.

Chú thích ảnh
Một cửa hàng của Huawei tại trung tâm thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Nhật Bản Nikkei Asian Review, Huawei đang tích cực dự trữ bộ xử lý di dộng 5G, Wifi, tần số vô tuyến và chip điều khiển màn hình cũng như các linh kiện khác từ các nhà phát triển chip như MediaTek, Realtek, Novatek, RichWave… Những linh kiện này đều là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất điện thoại di động của Huawei. 

Ngày 17/8, chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo các nhà sản xuất chip nước ngoài sẽ bị cấm sử dụng công nghệ của Mỹ để sản xuất linh kiện cho Huawei nếu như họ không có giấy phép đặc biệt. Các nguồn cung cấp vẫn được phép vận chuyển hàng đặt trong thời gian công bố lệnh cấm nhưng hoạt động này chỉ có thể diễn ra trong vòng chưa đầy 3 tuần nữa, trước khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực từ ngày 14/9.

Nếu như Huawei không tích trữ sẵn những linh kiện cần thiết trên, giới phân tích dự đoán các lô hàng điện thoại thông minh của hãng này sẽ giảm tới 75% trong năm tới.

Để chạy đua trước thời hạn lệnh cấm của Mỹ, một số nhà cung cấp chip thậm chí còn chấp nhận chuyển giao sản phẩm chưa hoàn thiện hoặc chưa qua quy trình kiểm tra, lắp ráp. 

“Thời gian gần đây, chuyện Huawei gọi điện cho các nhà cung cấp chip vào 4h sáng hay có những cuộc họp trực tuyến lúc nửa đêm là bình thường. Huawei thực sự đang trong chế độ sống còn và liên tục thay đổi kế hoạch”, một nguồn tin biết rõ vấn đề cho hay.

Chia sẻ cùng quan điểm, một nguồn tin khác trong ngành khẳng định đây là vấn đề sống còn đối với Huawei. “Chúng tôi sẽ tuân thủ quy định của Mỹ nhưng cũng đang tìm cách đáp ứng yêu cầu của khách hàng… Chúng tôi chỉ còn 3 tuần để có thể giao hàng cho Huawei mà không cần sự cho phép của Mỹ, nên chúng tôi sẽ giao một số sản phẩm hoàn thiện cũng như chưa hoàn thiện hay đóng gói để kịp thời gian”.

Các nhà cung cấp thẻ nhớ như Samsung Electronics và SK Hynix, hay công ty sản xuất ống kính máy ảnh như Largan Precision và Sunny Optical Technology đều đang tìm cách giao sản phẩm theo đơn đặt hàng từ đầu năm cho Huawei trước ngày 14/9. Họ cho biết tất cả quy trình sản xuất linh kiện của những công ty này đều sử dụng phần mềm và công nghệ Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia trong ngành, lệnh cấm mới của Mỹ là bước đi bất ngờ đối với Huawei và các nhà cung cấp khác.

“Lệnh cấm mới được mở rộng và công bố một cách đột ngột trong bối cảnh Huawei và tất cả các nhà cung cấp vẫn làm việc để giảm thiểu tác động từ các lệnh hạn chế hồi tháng 5 của Washington... Toàn bộ chuỗi cung ứng vẫn đang phải chống chọi với thiệt hại vì nhiều đơn đặt hàng dự báo sẽ giảm xuống 0 sau ngày 15/9 và không phải mọi linh kiện đều có thể bán cho bên khác", giám đốc điều hành giấu tên của một nhà cung cấp cho của Huawei chia sẻ.

Chú thích ảnh
Giám đốc điều hành bộ phận người tiêu dùng của Huawei, ông Richard Yu giới thiệu chip Kirin 990 5G tại Triển lãm Điện tử và Phát minh Quốc tế IFA ở Berlin, Đức ngày 6/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Lệnh cấm mới của Mỹ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Huawei vì tất cả công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ - từ phần mềm đến thiết bị và vật liệu - là một phần cơ bản của chuỗi cung ứng chip toàn cầu. 

“Linh kiện mà Huawei muốn đảm bảo nhất là chip xử lý di động 5G và các chip liên quan đến điện thoại thông minh cao cấp hiện nay. Nếu Mỹ không dỡ bỏ lệnh cấm, ngay cả khi tích trữ được một số lượng chip ngay bây giờ, hoạt động kinh doanh về mảng điện thoại thông minh của Huawei sẽ đối mặt với nguy cơ thất bại lớn. Rất khó để thiết kế các sản phẩm mới với hàng tồn kho”, một nguồn tin trong ngành dự đoán.

Theo Nikkei, nỗ lực tích trữ hàng của Huawei lần này chủ yếu là các sản phẩm liên quan đến chip di động cho sản xuất điện thoại thông minh. Cuối tháng 5, Huawei lần đầu xác nhận đang xây dựng kho dự trữ sau khi chi 167,4 tỷ nhân dân tệ để dự trữ chip, linh kiện và vật liệu trong năm 2019. 

Lệnh cấm mới của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei đánh dấu cột mốc quan trọng trong quý II/2020 khi lần đầu vượt qua Samsung để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 thế giới về số lượng xuất xưởng.

Jeff Pu, chuyên gia phân tích công nghệ của GF Securities, trả lời báo Nikkei: “Huawei và các nhà cung cấp chính sẽ không thể sớm dứt bỏ công nghệ của Mỹ. Huawei vẫn có thể sản xuất khoảng 195 triệu điện thoại thông minh trong năm nay nhờ vào lượng linh kiện dự trữ trước đó, nhưng số lượng điện thoại của Huawei trong năm tới sẽ giảm xuống còn khoảng 50 triệu chiếc trong trường hợp Mỹ không thay đổi hoặc nới lỏng lệnh trừng phạt”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tòa án Canada bác yêu cầu của CFO Huawei về việc tiếp cận tài liệu tình báo
Tòa án Canada bác yêu cầu của CFO Huawei về việc tiếp cận tài liệu tình báo

Tòa án liên bang Canada ngày 25/8 đã bác yêu cầu của bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc - về việc cung cấp các tài liệu liên quan vụ bắt giữ bà này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN