Giành lại ưu thế cung cấp dịch vụ OTT

Ông Viraj Pradhan, Giám đốc kinh doanh Tektronix Communications (nhà cung cấp tổng thể dịch vụ Viễn thông Thông minh) Khu vực Đông Nam Á cho biết, hiện nay các nhà cung cấp mạng điện thoại di động không còn khả năng phụ thuộc vào nguồn doanh thu từ tin nhắn văn bản SMS. Nguyên nhân các tỷ suất lợi nhuận đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các "ứng dụng trò chuyện trực tuyến” - Over-the-top (OTT) từ các nhà cung cấp dịch vụ trên nền mạng viễn thông như Skype, Viber và WhatsApp, Zalo.

Chỉ sau 1 năm ứng dụng Zalo đạt hơn 10 triệu người dùng


Nghiên cứu của công ty Informa cho thấy, trong năm 2012 đã có hơn 19,1 tỷ tin nhắn mỗi ngày được gửi trên toàn thế giới sử dụng các ứng dụng trò chuyện trực tuyến, so với 17,6 tỷ tin nhắn văn bản SMS. Đặc biệt, số lượng người sử dụng OTT đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2013 và dự đoán sẽ tăng đáng kể trong vài năm tới. Do đó, nhiều nhà khai thác mạng di động tại Việt Nam lo ngại rằng họ đã mất hàng trăm đến hàng ngàn tỷ (đồng Việt Nam) mỗi năm do sự gia tăng của các ứng dụng OTT và đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các chính sách quản lý nhất định đối với các nhà cung cấp OTT.

Như vậy, khi càng có nhiều người tiêu dùng có nhu cầu trò chuyện trực tuyến, họ sẽ càng có xu hướng nhắn tin thường xuyên hơn, và mong đợi sự vừa lòng về dịch vụ ngay lập tức. Các nhà cung cấp OTT có thể cung cấp một loạt các dịch vụ, tin nhắn, video và hình ảnh trực tuyến tương tự như các nhà cung cấp mạng điện thoại di động, nhưng chỉ với một phần chi phí nhỏ hơn hoặc miễn phí cho người dùng khi các kế hoạch doanh thu của họ được hỗ trợ bằng các quảng cáo trong ứng dụng. Đây là mối lo ngại của các nhà khai thác mạng toàn cầu, khi họ đã, và vẫn đang liên tục xây dựng và đầu tư vào các cơ sở hạ tầng mạng di động mà các nhà cung cấp dịch vụ OTT đang sử dụng.

Nói một cách khác, các nhà khai thác mạng di động đã và đang phải đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng mạng mà đối thủ của họ, các nhà cung cấp ứng dụng OTT sử dụng. Cuộc chiến đã bắt đầu trở nên nóng hơn bao giờ hết tại Việt Nam khi ba nhà khai thác di động lớn nhất là Viettel, Mobifone và Vinaphone thông báo rằng họ sẽ tham gia thị trường OTT vào năm 2014 bằng cách mua một nhà cung cấp OTT hoặc hợp tác với các đối tác để tạo ra hệ thống tin nhắn độc lập của riêng mình nhằm lấy lại thị trường.

Ngoài ra, nhiều nhà khai thác di động trên thế giới đã phản ứng với cuộc chiến bằng kế sách tích cực. Ví dụ, Blackberry gần đây thông báo rằng dịch vụ nhắn tin hàng đầu của hãng, Blackberry Messenger (BBM), được thiết lập để tương thích với người sử dụng điện thoại thông minh Google và Apple cho phép họ gửi tin nhắn trên các mạng riêng của họ. Hơn 10 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày, với hơn 51 triệu người dùng bỏ ra hơn 90 phút mỗi ngày trên BBM. Đây là một ví dụ về cách các nhà sản xuất có thể hợp tác với các nhà mạng để đối phó với các nhà cung cấp dịch vụ OTT. BBM từ trước đến nay vẫn được coi là một giải pháp khép kín, đã phát triển để trở thành một “hệ thống nhắn tin độc lập” với những hoạt động hưởng lợi từ công nghệ IM của hãng.

Các quan hệ hợp tác khác gần đây ở châu Á đã bắt đầu diễn ra, chẳng hạn như giữa nhà mạng Reliance của Ấn Độ và đối tác mạng xã hội Twitter. Trong một xã hội mà người tiêu dùng phải tính tới từng rupee như Ấn Độ, thì dịch vụ mạng miễn phí là một lợi ích rất lớn cho khách hàng của Reliance, đặt biệt khi dịch vụ này đi kèm với các cập nhật miễn phí từ Twitter nhằm phù hợp với xu thế thị trường hiện nay.

Ở châu Âu, nhà mạng CSP Deutsche Telecom (DTAG) của Đức đã hợp tác với Evernote để cung cấp một dịch vụ chia sẻ tập tin cao cấp trong vòng một năm cho các khách hàng của 2 ứng dụng này tại Đức. Sự hợp tác này là khởi điểm của các giao dịch hợp tác khác của DTAG tại các thị trường quốc gia khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Pháp nhằm cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng. Mặt khác, Facebook cũng đang săn tìm một vị trí trong hàng ngũ dịch vụ nhắn tin trên điện thoại, bằng cách cải tạo ứng dụng của mình để tin nhắn có thể thông báo pop-up trong bất kỳ màn hình điện thoại hay ứng dụng đang mở nào.

Trong khi các nhà cung cấp OTT thường chịu ảnh hưởng và lệ thuộc vào kết nối internet sẵn có hoặc dung lượng băng thông, các nhà mạng lại có lợi thế rất lớn về kết nối mạng nhằm cung cấp chất lượng dịch vụ đảm bảo. Ngoài ra, không giống như các nhà cung cấp OTT, các nhà mạng có sự ràng buộc về mặt hợp đồng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nhất định về chăm sóc và bảo mật khi xử lý dữ liệu của khách hàng.

Hơn thế nữa, sở hữu một lượng lớn dữ liệu người dùng bao gồm nhân khẩu học, hành vi, thiết bị và thông tin vị trí, các nhà cung cấp mạng điện thoại di động có cơ hội rất lớn cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng được cá nhân hóa nhằm gần gũi hơn với lối sống và sở thích của từng khách hàng. Chìa khóa thành công nằm ở khả năng của các nhà mạng trong việc khai thác và mở khóa các dữ liệu được quản lý một cách đơn giản và hiệu quả về chi phí, biến nó thành thông tin hành động có thể được sử dụng để cung cấp các gói dịch vụ hấp dẫn nhất và cung cấp trải nghiệm thậm chí còn thú vị hơn cho người dùng so với những gì mà các nhà cung cấp OTT có thể mang lại.

Đổi lại, các nhà mạng sẽ có thể tăng cường lợi nhuận nhờ vào chiến lược khai thác nguồn dữ liệu khổng lồ của họ, đặt lại mục tiêu mới cho việc khai thác nguồn dữ liệu hiện đang được sử dụng chỉ với mục đích theo dõi và đảm bảo hiệu suất, khai thác mục tiêu sử dụng mới như tiếp thị để tạo ra nguồn lợi nhuận mới, tăng sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu... Đây là cái mà chúng ta gọi là “khả năng sử dụng dữ liệu” và đại diện cho một cơ hội đáng kể để lấy lại vị thế trong cuộc chiến với các nhà cung cấp OTT; một phương pháp tiếp cận theo hướng dữ liệu đã trở thành một vũ khí chiến lược mới và có giá trị cao.

Tin ảnh: Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN