Sau 15 năm cơ khí Việt Nam phát triển “dậm chân tại chỗ” và chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp, công nghệ lạc hậu nhưng với ngành công nghiệp chế tạo thuộc lĩnh vực dầu khí, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể tự hào là một trong số rất ít các nước trên thế giới có thể chế tạo được các công trình, giàn khoan tự nâng hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế như Tam Đảo 05. Đây chính là nền móng cho sự lớn mạnh của ngành công nghiệp về thiết kế, chế tạo giàn khoan, đồng thời tạo bước đột phá quan trọng đối với ngành cơ khí chế tạo trong nước.
Nhảy vọt về chất lượng Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 đã hạ thủy thành công. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN |
Giàn khoan tự nâng 120 m nước - Tam Đảo 05 là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia được chế tạo tại Việt Nam do Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro làm chủ đầu tư và Công ty CP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) làm tổng thầu, có giá trị 230 triệu USD . Giàn Tam Đảo 05 được khởi công vào tháng 12/2013 theo thiết kế của Friede and Goldman (Hoa Kỳ). Tổng khối lượng khi hoàn thành là 18.000 tấn; có thể hoạt động ở độ sâu hơn 120m (400ft) nước biển và có khả năng khoan tới độ sâu 9.000m (30.000ft), hoạt động an toàn trong điều kiện bão trên cấp 12 với những đợt sóng cao đến 20,7m
Trước khi tiến hành chế tạo Tam Đảo 05, không nhiều người có suy nghĩ lạc quan rằng, ngành cơ khí Việt Nam có đủ khả năng và trình độ để làm một giàn khoan như vậy. Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật PV Shipyard Đào Đỗ Khiêm tâm sự: “Mặc dù trước đây chúng tôi đã từng chế tạo hơn 10 chiếc giàn khoan khai thác nhưng đến bây giờ vẫn không thể tin mình có thể làm được giàn khoan tự nâng nặng tới 18.000 tấn, với mực nước hoạt động sâu hơn 120m. Nhưng sau 32 tháng thi công, với hàng nghìn người lao động ngày đêm đã đem lại thành công viên mãn”.
Theo chân Phó Tổng giám đốc Đào Đỗ Khiêm đi thăm giàn khoan Tam Đảo 05, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự hiện đại của giàn khoan này, cũng như độ chính xác của hàng nghìn tấn hệ thống máy móc; dây cáp, thiết bị điện... Ông Khiêm cho hay, để thi công hệ thống các loại dây cáp, thiết bị này mà không bị nút xoắn, gấp khúc, yêu cầu đội ngũ cán bộ, kỹ sư phải thiết kế 3D trên các bản vẽ thiết kế chi tiết, thi công nhằm bảo đảm cho sự lắp đặt được xuyên suốt, tránh trùng lặp, xảy ra lỗi kỹ thuật. PV Shipyard đã phải thiết kế 873 bộ bản vẽ bố trí thiết bị, chạy hệ thống đường ống, phân bổ không gian...
"Chỉ một sai sót trong thiết kế chi tiết sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án, do vậy, cần phải chính xác dù là những chi tiết nhỏ nhất", ông Khiêm bày tỏ.
Tam Đảo 05 là giàn khoan có độ lớn, phức tạp. Mặc dù đã có kinh nghiệm từ quá trình đóng giàn Tam Đảo 03 là giàn khoan tự nâng di động hiện đại đạt chuẩn quốc tế, tương đương với giàn khoan do Mỹ, Singapore, Trung Quốc chế tạo nhưng khi bắt tay vào chế tạo giàn Tam Đảo 05, PV ShipYard cũng gặp không ít khó khăn, điển hình là bộ phận hộp số của hệ thống nâng hạ giàn khoan.
Theo Tổng giám đốc PV Shipyard Lê Hưng, hệ thống nâng hạ này nặng đến 100 tấn và làm bằng các loại thép có cường lực cao, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Nếu như trước đây, hệ thống này phải nhập về nguyên chiếc, thì đến nay, PV Shipyard đã có thể mua cấu kiện, vật tư rời về tự chế tạo, lắp ráp, căn chỉnh tại bãi chế tạo. Đây là bộ phận đặc biệt quan trọng của giàn tự nâng, với độ dung sai cho phép chỉ 0,053mm
Nhận định về Tam Đảo 05, đại diện chủ đầu tư giàn khoan, Tổng giám đốc Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro Từ Thành Nghĩa cho biết, việc đóng mới, đưa Tam Đảo 05 vào hoạt động giúp tăng cường năng lực và tạo thế chủ động cho Vietsovpetro trong công tác khoan thăm dò, khoan khai thác không chỉ ở các vùng nước hiện tại mà còn ở các vùng n ước sâu, độ nghiêng lớn hơn, khó hơn trong tương lai. Đây là công trình lớn nhất từ trước đến nay, công nghệ rất cao và cũng là giàn khoan có tính năng kỹ thuật vượt trội so với 4 giàn khoan tự nâng mà Vietsovpetro đang sở hữu.
“Con dấu” cho sự trưởng thành Chế tạo Giàn khoan Tam Đảo 05 là một trong những minh chứng cho thấy bước nhảy vọt về chất lượng, năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực cơ khí nói chung và cơ khí chế tạo dầu khí; minh chứng cho thấy người Việt Nam đã có thể làm được những gì khó nhất trong nghề chế tạo giàn khoan.
Giám đốc Nhà máy chế tạo giàn khoan PV Shipyard Nguyễn Văn Đức cho biết, nếu như dự án chế tạo giàn khoan Tam Đảo 03 phải thuê 13 chuyên gia nước ngoài hỗ trợ thiết kế chi tiết thì tại dự án Tam Đảo 05, PV Shipyard chỉ phải thuê 3 chuyên gia nước ngoài cho những giai đoạn thật sự cần thiết , giúp tiết kiệm được khoản chi phí lên đến hơn 10 triệu USD. Với nguồn nội lực hơn 70 kỹ sư thiết kế trẻ, PV Shipyard đảm nhận hoàn toàn các khâu thiết kế chi tiết, đầu bài mua sắm, bản vẽ chế tạo, phương án thi công và quy trình chạy thử.
Theo đánh giá của ông Đào Phan Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, thông qua Tam Đảo 05, có thể thấy năng lực và trình độ kỹ thuật về ngành công nghiệp chế tạo dầu khí của Việt Nam đã được nâng tầm. Ngoài chế tạo thành công giàn khoan Tam Đảo 03 và hạ thủy Tam Đảo 05, PV Shipyard cũng thực hiện hơn 20 dự án sửa chữa và hoán cải các giàn khoan tự nâng, khẳng định vị thế của ngành cơ khí trong nước về công tác sửa chữa với các chủ giàn Na Uy, Mỹ, Nga, Singapore, VietsovPetro… điển hình là sửa chữa giàn khoan tự nâng Murmanskaya, nối chân và sửa chữa giàn khoan Tam Đảo 2, dự án lắp chân giàn Liftboat.
Khi dự án Tam Đảo 05 về đích với tỷ lệ nội địa hóa lên hơn 46%, PV Shipyard đã một lần nữa khẳng định chủ trương đúng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp c ơ khí chế tạo giàn khoan. Đồng thời tạo sự tự chủ về công nghệ, nâng cao năng lực của ngành cơ khí Việt Nam trong việc thiết kế, chế tạo các loại thiết bị phức tạp và công nghệ cao.
Đây chính là những “con dấu” cho sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ, lao động kỹ thuật của ngành cơ khí Việt Nam nói chung và của ngành dầu khí nói riêng; đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, cán bộ thiết kế khi toàn bộ công tác thiết kế chi tiết, sửa chữa, lắp đặt được thực hiện tại chỗ.
Tuy nhiên, để ngành cơ khí chế tạo có thể phát triển bền vững, rất cần Chính phủ, các bộ, ngành ban hành kịp thời các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, bao gồm các ưu đãi về thuế, biện pháp hỗ trợ đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành; nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy cơ khí,… để các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, phát triển.