Theo đó, tổng cộng 280 tài khoản Facebook, 149 trang thông tin điện tử, 43 nhóm và 121 tài khoản Instagram đã bị xóa. Các tài khoản này đều tham gia lan truyền những nội dung về các chủ đề như hoạt động của UAE tại Yemen, thỏa thuận hạt nhân Iran, chỉ trích Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Trong thời gian qua, mạng xã hội Facebook đã xóa nhiều tài khoản tương tự sau khi chịu nhiều chỉ trích vì chậm trễ trong việc phát triển những công cụ nhằm ngăn chặn các nội dung và chiến dịch tuyên truyền cực đoan. Hồi đầu năm nay, Facebook cũng đã gỡ bỏ nhiều tài khoản ở Iraq, Ukraine, Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Iran, Thái Lan, Honduras và Israel. Facebook hiện cũng đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng lạm dụng các nền tảng trực tuyến và lan truyền thông tin giả mạo, bao gồm cả trong các chiến dịch bầu cử.
Bên cạnh làn sóng chỉ trích về vấn đề quản lý thông tin đăng tải, Facebook gần đây cũng bị giới chức các quốc gia giám sát kỹ sau khi công bố kế hoạch phát hành đồng tiền số Libra. Mới đây, Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ đã yêu cầu CEO Facebook Mark Zuckerberg ra điều trần trước tháng 1/2020 về kế hoạch này.
Hồi tháng 6, sau khi Facebook công bố kế hoạch phát hành tiền số Libra vào năm 2020, các nhà lập pháp và giới chức quản lý tài chính tại nhiều quốc gia trên thế giới đã lập tức bày tỏ quan ngại về tác động tới hệ thống tài chính toàn cầu khi hơn 2 tỷ người dùng Facebook sử dụng đồng tiền này. Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ cho rằng đồng tiền số Libra gây ra các nguy cơ vi phạm quyền riêng tư, thương mại, an ninh quốc gia và chính sách tiền tệ đồng thời yêu cầu Facebook ngừng triển khai kế hoạch này cho tới khi các cơ quan quản lý và quốc hội thông qua một cơ chế pháp lý phù hợp.