Thông báo được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại khả năng các thông tin giả mạo và xuyên tạc gia tăng trong thời điểm nước Mỹ chuẩn bị cho cuộc bầu cử quan trọng sắp tới. Facebook cũng đang dự phòng các kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn chặn một số nội dung hiển thị trên nền tảng của mình trong trường hợp xảy ra "sự hỗn loạn" hoặc bất ổn dân sự sau cuộc bầu cử.
Trao đổi với báo giới, một người phát ngôn của Facebook cho biết công ty hiện đang thử nghiệm các hệ thống kỹ thuật mới triển khai cho phép người dùng khiếu nại, từ đó ủy ban giám sát sẽ xem xét và quyết định dỡ bỏ hoặc giữ lại nội dung được chia sẻ trên mạng xã hội này.
Nếu các bước thử nghiệm diễn ra đúng dự kiến, ủy ban trên sẽ chính thức hoạt động và xem xét các kháng nghị của người dùng từ giữa đến cuối tháng 10 tới. Hiện các thành viên của Facebook đang tích cực chuẩn bị để triển khai ủy ban này sớm nhất có thể vì để xây dựng một quy trình xuyên suốt, có nguyên tắc và hiệu quả trên toàn cầu đòi hỏi nhiều thời gian.
Việc triển khai một ủy ban gồm các chuyên gia có trách nhiệm ra "phán quyết" cuối cùng về các nội dung đăng tải trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh này là ý tưởng của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đề xuất năm 2018, gọi đây là "tòa án tối cao" có quyền bác bỏ những quyết định trước đó của chính công ty này.
Hồi đầu năm nay, công ty đã chỉ định 20 thành viên ban đầu của ủy ban và dự định nâng số thành viên lên 40 trong tương lai. Các thành viên đến từ nhiều quốc gia, bao gồm cả các chuyên viên luật pháp, nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo, một chủ nhân giải Nobel hòa bình và một cựu Thủ tướng Đan Mạch. Facebook đã thành lập một quỹ độc lập để vận hành ủy ban này. Công ty cũng đang hoàn thiện phần mềm cho phép các thành viên ủy ban đánh giá các vụ việc từ mọi nơi trên thế giới.
Trong tuần này, Facebook cũng nhắc đến những kế hoạch khẩn cấp để chặn một số nội dung trên nền tảng này nếu xảy ra bất ổn xã hội sau cuộc bầu cử tháng 11 tới. Cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, hiện phụ trách các vấn đề toàn cầu của Facebook, cho biết nền tảng này sẽ có những biện pháp đặc biệt để hạn chế lan truyền nội dung trong trường hợp xảy ra bất ổn.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 dự kiến diễn ra vào ngày 3/11 đang thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận và các hãng thăm dò cũng đang khai thác mọi khía cạnh xung quanh cuộc bầu cử này.
Ngày 24/9, phóng viên TTXVN tại Washington dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận được Hội đồng Các vấn đề công cộng, phối hợp thực hiện với Morning Consult, cho thấy chỉ 29% người Mỹ tin rằng cuộc bầu cử năm 2020 sẽ được tiến hành một cách trung thực và cởi mở. Cuộc khảo sát cũng cho thấy mối quan tâm về bầu cử cao hơn đối với đảng Dân chủ, khi có tới 61% cử tri đảng này tỏ ra lo ngại về sự trung thực của cuộc bầu cử, so với 51% cử tri độc lập có cùng quan điểm. Trong khi đó, chỉ 45% cử tri đảng Cộng hòa cho biết họ lo ngại về vấn đề trung thực, tính cởi mở của cuộc bầu cử hoặc cả hai vấn đề này.
Trong một thông cáo báo chí, Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề công cộng Doug Pinkham cho rằng cơ quan này chưa bao giờ chứng kiến một cuộc bầu cử Mỹ với nhiều hoài nghi về việc liệu kết quả có phản ánh ý muốn của cử tri hay không như lần này. Ông Pinkham cũng cho rằng có thể những mối quan tâm này sẽ tạo ra tỷ lệ cử tri đi bầu kỷ lục, khuyến khích những cử tri thường vắng mặt trong những kỳ bầu cử trước đi bầu.