Twitter đã công bố các biện pháp mới nhằm ngăn chặn sự phát tán các nội dung từ “phương tiện truyền thông có liên kết với nhà nước" được sử dụng để quảng bá chương trình chính trị của chính phủ. Theo đó, nhằm xác định và ngăn chặn việc lan truyền các chiến dịch gây ảnh hưởng do các chính phủ hậu thuẫn, công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) cho biết sẽ thêm nhãn đối với các tài khoản truyền thông có liên kết với nhà nước và sẽ "không còn phóng đại" các dòng đăng tải của họ thông qua hệ thống khuyến nghị của mình.
Twitter giải thích rằng: “Không giống như các phương tiện truyền thông độc lập, các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước thường xuyên tận dụng sự phủ sóng tin tức của họ như một phương tiện nhằm thúc đẩy một chương trình nghị sự chính trị”. Theo hãng này, quyết định trên sẽ khong ảnh hưởng tới "các tổ chức truyền thông do nhà nước tài trợ song có sự độc lập trong khâu biên tập”. Ngoài ra, Twitter cũng có kế hoạch dán nhãn xác thực mới cho "các quan chức chính phủ quan trọng", được ủy quyền phát biểu thay mặt nhà nước.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận chính sách an ninh của Facebook Nathaniel Gleicher thông báo trang mạng xã hội này đã xóa 35 tài khoản, 3 trang page và 88 tài khoản Instagram như một phần trong nỗ lực chống lại “hành vi không xác thực có phối hợp” – một quy tắc cấm người dùng thực hiện những việc như thiết lập tài khoản giả nhằm đánh lừa thuật toán Facebook để quảng cáo nội dung của họ. Ông nhấn mạnh những người đứng sau mạng lưới này đã sử dụng các tài khoản giả mạo để đóng giả là người Mỹ, khuếch đại bình luận về nội dung của riêng họ và quản lý các trang bao gồm một số trang giả mạo là trang fanpage của Tổng thống Trump. Nhóm bảo mật Facebook xác định rằng hoạt động này bắt nguồn từ Romania và nhắm mục tiêu đến Mỹ với các bài đăng về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, chiến dịch tranh cử của ông Trump, hệ tư tưởng bảo thủ, niềm tin Cơ đốc giáo và tổ chức cực hữu Qanon có liên kết với các thuyết âm mưu. Trước đó, trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này cũng đã dán nhãn các nội dung từ các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng xung quanh các chiến dịch của các chính phủ nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử, cũng như tâm lý công chúng ở các quốc gia khác thông qua các phương tiện truyền thông ngụy tạo “nơi xuất xứ”. Ông Gleicher cho rằng sự lừa dối có tính phối hợp như trên làm lu mờ ranh giới giữa việc tranh luận lành mạnh với sự thao túng. Tuy nhiên, ông nêu rõ: “Chúng tôi chỉ có thể giải quyết một phần của thách thức đối với toàn xã hội này”, nhấn mạnh “không một tổ chức nào có thể giải quyết việc này một mình”. Do đó, người đứng đầu chính sách an ninh Facebook nhắc lại lời kêu gọi của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg rằng các nhà lãnh đạo chính trị cần thiết lập các quy tắc rõ ràng về những loại nội dung hoặc các hành vi không được phép đăng tải trên các nền tảng trực tuyến.