Điện thoại thông minh không giúp trẻ thông minh

Các bậc cha mẹ đang bị lừa tải về hàng loạt ứng dụng trên điện thoại cho con cái của mình vì tin rằng chúng mang tính giáo dục cao, bất chấp việc các chuyên gia khuyến cáo hạn chế thời gian ngồi trước màn hình đối với trẻ em là dưới hai tiếng đồng hồ.

Nhóm hoạt động Chiến dịch "Vì tuổi thơ phi thương mại" (CCFC), với những lập luận phản đối các video "Baby Einstein" dẫn tới việc người tiêu dùng Australia được bồi thường trên phạm vi toàn quốc, hiện đang yêu cầu các nhà quản lý liên bang kiểm tra hoạt động marketing của các ứng dụng "Laugh and Learn" trên điện thoại di động của hãng Fisher-Price cũng như các trò chơi của công ty Open Solutions như "Baby Hear and Read" và "Bab First Puzzle".

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi được khuyến cáo tránh xa màn hình điện tử. Ảnh: Quang Minh


Nhóm hoạt động có trụ sở tại Boston trên cho biết các nhà phát triển đang cố tình lừa những bậc phụ huynh tin rằng ứng dụng này mang tính giáo dục nhiều hơn là giải trí. Đây là đơn kiện đầu tiên của CCFC lên Ủy ban Thương mại Liên bang Australia (FTC) liên quan đến ngành công nghiệp ứng dụng điện thoại di động.

Đây là một phần trong chương trình buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho những thông tin marketing của mình về công nghệ đối với trẻ nhỏ và các bậc cha mẹ. Người đứng đầu CCFC, Susan Linn cho biết: "Tất cả những gì chúng ta hiểu về nghiên cứu não bộ và sự phát triển của trẻ em đều chỉ ra rằng cần tránh xa màn hình khi giáo dục trẻ nhỏ. Các loại máy móc cũng như nội dung trên màn hình là phương pháp thực sự không hiệu quả trong dạy dỗ trẻ em. Điều trẻ em cần để phát triển não bộ khỏe mạnh là vui chơi tích cực, vui chơi sáng tạo và tương tác thực tế".

Học viện Nhi khoa Mỹ phản đối việc cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình điện tử. Trẻ em lớn hơn độ tuổi này cũng cần hạn chế thời gian ngồi trước màn hình trong phạm vi 1-2 tiếng mỗi ngày. Một nghiên cứu chỉ ra rằng các đoạn video khiến trẻ sơ sinh chậm phát triển kỹ năng ngôn ngữ.

Trong một thông báo gửi cho hãng AP, công ty Open Solutions thừa nhận các thiết bị điện tử không thay thế được cho tương tác con người nhưng đưa ra nhiều nhận xét tích cực từ phía khách hàng sau khi sử dụng ứng dụng của mình. Theo Open Solutions: "Chúng tôi không nói ‘hãy mua trò chơi này và nó sẽ dạy cho con bạn mọi thứ’. Chúng tôi cho rằng trẻ em sẽ chơi trò này với bố mẹ, anh chị hay người trông trẻ. Ứng dụng của chúng tôi có thể giúp các bậc cha mẹ có con nhỏ bằng cách cho chúng được giải trí hay giúp chúng nhìn thấy sự vật mới, động vật mới hay nghe được âm thanh liên quan". Hãng Fisher-Price hiện vẫn chưa có phản ứng nào liên quan đến vụ việc này.

Theo CCFC, các công ty đã vi phạm luật về quảng cáo tin cậy khi đưa ra thông tin các ứng dụng có thể "dạy" kỹ năng cho trẻ. Ví dụ, hãng Fisher-Price tuyên bố ứng dụng Laugh&Learn "Where's Puppy's Nose?" có thể dạy cho trẻ nhận biết các bộ phận cơ thể và ngôn ngữ, trong khi trò chơi "Learning Letters Puppy" dạy cho trẻ em biết về bảng chữ cái và số đếm từ 1-10. Về phần mình, công ty Open Solutions tuyên bố các ứng dụng của mình mang lại "hình thức giáo dục sáng tạo mới" thông qua việc cho trẻ "thực hành các kỹ năng logic và vận động". Cô Linn cho biết điều lo ngại nằm ở chỗ hiện chưa có bằng chứng nào về lợi ích của các ứng dụng đối với trẻ nhỏ mà chỉ có bằng chứng chỉ ra rằng chúng có hại.

Trong khi đó, Leticia Barr, một cựu giáo viên hiện đang quản lý website Tech Savvy Mama cho rằng các ứng dụng có thể mang lại lợi ích giáo dục nhưng chỉ đối với trẻ tương đối lớn tuổi: "Tôi cho rằng ở độ tuổi nhất định, các ứng dụng có thể giúp tăng cường giáo dục đối với trẻ em, chẳng hạn như liên quan đến bảng chữ cái và số đếm. Tuy nhiên, ứng dụng không thể thay thế cha mẹ cũng như không thể thay thế cho các hoạt động thực tế trong cuộc sống hàng ngày".

Số liệu của Dự án Pew Internet & American Life cho thấy, hơn 50% người Mỹ trưởng thành sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và khoảng một phần ba có một chiếc máy tính bảng. Với số lượng thiết bị di động ngày một tăng, thị trường ứng dụng phần mềm di động là môi trường làm ăn hết sức béo bở. Ngay cả những ứng dụng cho phép tải miễn phí cũng thường thu thập thông tin cá nhân của người tiêu dùng để bán cho các đối tượng cần. Ví dụ, đa phần các ứng dụng của Fisher-Price là miễn phí nhưng trong chính sách bảo mật có cảnh báo rằng "bên thứ ba" có thể thu thập thông tin về thiết bị của người dùng phục vụ cho mục đích marketing.

Luật pháp liên bang Australia quy định rằng quảng cáo không được khiến người tiêu dùng nhầm lẫn và trong một vài trường hợp phải có bằng chứng khoa học. Trong năm 2010, FTC đã ủng hộ CCFC với đơn kiện nhà phát triển ứng dụng "Your Baby Can Read" nói dối khi hứa hẹn với người tiêu dùng rằng nó có thể dạy trẻ em dưới 9 tháng tuổi biết đọc. Doanh nghiệp này đã sững sờ khi nhận được quyết định phạt tiền lên tới 185 triệu AUD.

Trước đó, CCFC năm 2006 đã yêu cầu FTC buộc các nhà sản xuất phim Baby Einstein và Brainy Baby loại bỏ thông tin liên quan đến lợi ích giáo dục. FTC đã không ra quyết định phạt sau khi các công ty con của hãng Walt Disney đồng ý loại bỏ một số cam kết khỏi các đoạn phim của mình. Sau đó CCFC tiếp tục thuê một nhóm luật sư đe dọa tiếp tục kháng án cho đến khi Walt Disney phải đồng ý chi ra một khoản bồi thường trả cho người tiêu dùng đã mua phim.


Quang Minh (P/v TTXVN tại Australia)
Việt Nam sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới
Việt Nam sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới

Nhật báo kinh tế "Nihon Keizai" uy tín hàng đầu của Nhật Bản ngày 14/5 đăng bài viết nhận định Việt Nam đang trở thành địa điểm sản xuất smartphone (điện thoại thông minh) hàng đầu thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN