Vào cuối năm 2013, nếu những chiếc iPhone giá rẻ của Apple ra đời hàng loạt, sẽ thật hài hước nếu lại phải nghe những “tín đồ” trung thành của “Trái táo” – vốn lâu nay vẫn an ủi nhau về việc Apple để mất thị phần – nhún vai thốt lên rằng những chiếc điện thoại của các hãng đối thủ chỉ là “miếng nhựa rẻ tiền”.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Vì theo các nguồn tin từ Wall Street Journal và Busines Insider, chiếc điện thoại iPhone giá rẻ đời mới sẽ có phần ốp lưng làm bằng nhựa rẻ tiền. Có thể những “tín đồ” của Apple vẫn ... cao giọng đánh giá miếng ốp lưng của chiếc iPhone mới là một thiết kế hoàn hảo, không giống như những “miếng nhựa rẻ tiền”, thì điều quan trọng là rút cuộc, “Trái táo” có thể phải có bước chuyển hướng chiến lược khi thâm nhập vào phân khúc điện thoại thông minh (smartphone) giá rẻ.
Đáng tiếc là động thái này cũng muộn màng tới một năm, sau khi Apple bị mất khá nhiều thị phần smartphone toàn cầu về tay các đối thủ khác, đặc biệt là Samsung. Nhưng dù sao chăng nữa, muộn vẫn hơn không. Tại sao? Vì sự bùng nổ trên thị trường smartphone giờ đã chuyển hướng sang các thị trường đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ, những nơi không có nhiều nhà mạng có thể trợ giá và phần lớn người tiêu dùng khó lòng kham nổi mức giá 600 USD/chiếc.
Do vẫn khăng khăng bám giữ các mức giá cao ngất cho các dòng iPhone, vốn mệnh danh là điện thoại “Chúa trời”, Apple đã đánh mất cơ hội tăng trưởng chung của khu vực smartphone trong vài năm qua. Nhưng có một điều chắc chắn, khi Apple bán những chiếc iPhone mới với giá từ 99 đến 149 USD, quyết định này sẽ làm giảm lợi nhuận của Apple trên mỗi chiếc điện thoại. Và tương ứng, nó sẽ làm giảm lợi nhuận (cận) biên của Apple.
Nhưng điều đó vẫn không thấm vào đâu, bởi lợi nhuận biên của Apple vẫn đạt mức “khủng”, thậm chí cao nhất trong ngành công nghiệp smartphone. Lợi nhuận biên của Apple (theo một số tài liệu), thậm chí sau khi đã tích cả các loại thuế mà phần lớn là hãng này không chi trả, vẫn ở mức 26% đáng sửng sốt. Hiện thậm chí không một công ty sản xuất phần cứng ở bất cứ quốc gia nào đạt mức lợi nhuận biên cao gần tới mức đó.
Apple đã chấp nhận hy sinh tăng trưởng thu nhập và tăng trưởng nền bằng cách tự ấn định mình trong phân khúc thị trường hạng sang. Và trong khi vơ lại mức lợi nhuận khổng lồ đó, Apple lại chưa biết sử dụng “đống tiền” chồng chất ấy trong bản quyết toán vào việc gì. Nói cách khác, Apple đã đánh đổi những cơ hội đầu tư dài hạn lấy lợi nhuận trong ngắn hạn. Và xét trên bình diện thị phần toàn cầu, họ đã phải trả giá vì điều đó.
Có thể so sánh chính sách “tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn” với cách tiếp cận của một “Người khổng lồ” khác là Amazon, hãng liên tục tái đầu tư lợi nhuận của mình vào các cơ hội tương lai và sản phẩm có giá rẻ hơn. Khi Amazon đã có đủ nguồn lực để đánh một “canh bạc” mới, ví dụ như sách điện tử Kindle và trang web dịch vụ Amazon, lập tức họ thúc đẩy hướng đi này và đầu tư không nhỏ. Điều này làm giảm lợi nhuận biên, khiến những cổ đông ngắn hạn phải cằn nhằn, nhưng trong dài hạn, cho tới khi “canh bạc” này cho kết quả, nó lại tạo ra nhiều giá trị. Và thậm chí khi chưa đánh những “canh bạc” lớn, thì Amazon vẫn tiếp tục tái đầu tư lợi nhuận tiềm tàng bằng cách giảm giá cho các khách hàng của họ. Điều này càng làm tăng giá trị hình ảnh của Amazon và tạo lợi thế cạnh tranh.
Ngay cả khi bán ra hàng trăm triệu iPhone siêu rẻ, Apple vẫn có thể đạt mức lợi nhuận biên tốt. Và thị phần toàn cầu của hãng, vốn rất quan trọng trong các hình thức kinh doanh “nền tảng” (bên thứ ba xây dựng dịch vụ và ứng dụng cho iPhone), cũng sẽ tăng theo. Đó là cuộc đánh đổi rất xứng đáng, dù có khiến một số nhà đầu tư chứng khoán ngắn hạn phải bực bội bán tháo cổ phiếu trên thị trường.
Tóm lại, sự tăng trưởng trên thị trường smartphone đang theo hướng điện thoại giá rẻ. Và Apple thừa khả năng thực hiện điều này. Khi “trái táo” rẻ không phải là của “ôi”, chí ít thì Apple đã thừa nhận rằng xu thế phát triển này là đáng khích lệ.
Trần Long