Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 15/12, tại thành phố Sóc Trăng, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững”.

Qua đó, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của vùng. 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. 

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, đồng thời cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Hàng năm, vùng đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản. Với thế mạnh chủ yếu là sản xuất và chế biến thực phẩm, vùng đã trở thành trung tâm công nghiệp thứ ba của cả nước, đây cũng là nơi có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển du lịch.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhận định, nhìn tổng thể kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao nhưng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào thiên nhiên, chưa có sự chuyên môn hóa, ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp và thiếu tính bền vững. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và đưa các ứng dụng khoa học và công nghệ vào giải quyết các vấn đề thực tiễn còn nhiều hạn chế.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm và theo kịp với các khu vực khác cần đẩy mạnh lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đây được xem là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Cụ thể, vùng cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tìm kiếm, lựa chọn, tiếp nhận công nghệ; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, Viện, Trường theo hướng đặt hàng, chuyển giao công nghệ; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi làm việc. 

Các đại biểu, nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều giải pháp trong từng lĩnh vực. Theo đó, ứng dụng và định hướng tiến bộ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển nghề nuôi cá tra, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đề xuất ứng dụng blockchain (công nghệ chuỗi). Đây là một phần không thể thiếu cho ngành nuôi cá tra từ trại sản xuất giống đến trang trại nuôi thương phẩm và chế biến. Sử dụng công nghệ số đồng bộ trên nền tảng phần mềm và IoT cho phép mọi hoạt động công khai minh bạch của đơn vị sản xuất đến các người có liên quan.

Về ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển giống cây ăn quả chủ lực, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại (Viện Cây ăn quả miền Nam) đề xuất tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường có khả năng chống chịu với nhóm bệnh lây lan qua đất và chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam;

Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long) khẳng định ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển lúa gạo chất lượng cao hiện nay là rất quan trọng. Theo đó, phương pháp lai tạo truyền thống kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực chọn tạo giống mới đáp ứng yêu cầu sản xuất thực tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xem như là mũi nhọn trong việc hỗ trợ, cải tiến phương pháp, rút ngắn thời gian chọn tạo các giống lúa theo mục tiêu một cách chính xác về mặt di truyền.

Tại Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn khẳng định, trong thời gian qua, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định theo hướng chú trọng giải quyết các nhu cầu cấp thiết của địa phương, nội dung của các đề tài, dự án tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu kinh phí từ ngân sách tỉnh chi cho hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm giữ mức ổn định, đạt từ 0,25% - 0,3% tổng chi ngân sách; huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học công nghệ chiếm từ 46% - 50%; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt từ 9 - 10 người trên một vạn dân; duy trì có hiệu quả 3 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành mới từ 1 - 2 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; số đơn đăng ký mới về sở hữu trí tuệ tăng trung bình từ 8 - 10%/năm; tối thiểu 40% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của tỉnh và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ…

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, tỉnh đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ tỉnh các dự án gắn với các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia: “Đa dạng hóa sản phẩm chế biến và nâng cao hiệu suất thu hồi sản phẩm xay xát lúa gạo, phát triển các sản phẩm tạo giá trị gia tăng từ lúa gạo ST”; “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ chế biến các sản phẩm từ trái cây (Vú sữa, bưởi, nhãn,...)”; “Hoàn thiện quy trình công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm từ sinh khối Artemia Vĩnh Châu”. Đồng thời, hỗ trợ tỉnh xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sóc Trăng” cho sản phẩm gạo thuộc giống lúa ST24 và ST 25, đưa nhãn hiệu đã được bảo hộ vào chương trình, kế hoạch hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng các mô hình ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong các lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, quản lý khai thác biển.

Bài và ảnh: Nhật Bình (TTXVN)
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo

Các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã và đang được hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ. Để phát huy hiệu quả, các cơ chế, chính sách cần hướng đến lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN