Cuộc chiến khốc liệt giành nhân tài AI ở Thung lũng Silicon

Thung lũng Silicon đang nóng hơn bao giờ hết khi các ông lớn công nghệ chi hàng trăm triệu USD để giành giật các bộ óc thiên tài AI. Cuộc chiến không chỉ có tiền bạc, mà còn là cuộc đọ sức tầm nhìn và sứ mệnh.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Hãng OpenAI. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Thung lũng Silicon đang chứng kiến một cuộc chiến tuyển dụng chưa từng có giữa các gã khổng lồ công nghệ, nơi các CEO quyền lực nhất ngành đang sẵn sàng chi những khoản tiền "khủng" lên tới 300 triệu đô la để tranh giành những bộ óc thông minh nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, theo Wall Street Journal ngày 21/7.

Meta dẫn đầu cuộc đua

Dẫn đầu cuộc chiến này chính là Meta của CEO Mark Zuckerberg, người đang thực hiện một trong những đợt tuyển dụng rầm rộ nhất mọi thời đại. Ông Zuckerberg không chỉ gửi email, tin nhắn văn bản mà còn mời các ứng viên tiềm năng đến gặp tại nhà riêng ở Hồ Tahoe và Palo Alto để thảo luận trực tiếp.

Để xây dựng Meta Superintelligence Labs, ông Zuckerberg đã chi 14 tỷ USD mua cổ phần của Scale AI để có được Alexandr Wang - một tỷ phú 28 tuổi từng bỏ học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để khởi nghiệp. 

Theo các nguồn tin, Meta đã đề nghị mức lương lên đến 300 triệu USD trong bốn năm cho hơn 10 nhà nghiên cứu của OpenAI, bao gồm 100 triệu USD cho năm đầu tiên. Tuy nhiên, nhiều ứng viên vẫn từ chối những lời đề nghị hậu hĩnh này.

Meta cũng không ngừng "đột kích" nhân sự từ các đối thủ lớn như Anthropic, Google DeepMind, Apple và đặc biệt là OpenAI. Ông Zuckerberg khẳng định sức hấp dẫn của Meta không chỉ nằm ở tiền bạc mà còn ở khả năng tiếp cận nguồn sức mạnh tính toán khổng lồ. Ông viết trên Threads: "Meta Superintelligence Labs sẽ có trình độ tính toán hàng đầu trong ngành và có khả năng tính toán tốt nhất cho mỗi nhà nghiên cứu".

Cuộc chiến này khiến OpenAI phải ứng phó quyết liệt. CEO Sam Altman đã gửi tin nhắn trên nền tảng Slack (một ứng dụng làm việc nhóm), cho nhân viên, mô tả cuộc chiến theo thuật ngữ "những người truyền giáo so với lính đánh thuê", khẳng định "những người truyền giáo sẽ đánh bại lính đánh thuê".

Về phần mình, Giám đốc nghiên cứu Mark Chen của OpenAI đã ví cuộc đột kích nhân tài của Meta như "một vụ trộm", viết rằng: "Tôi cảm thấy một cảm giác sâu sắc ngay lúc này- như thể có ai đó đã đột nhập vào nhà chúng tôi và đánh cắp thứ gì đó".

Những thương vụ gây chấn động

Trong số những nhân sự được tuyển dụng nhiều nhất có Nat Friedman (cựu CEO GitHub) và Daniel Gross (CEO của Safe Superintelligence). Để có được hai người này, Meta không chỉ chi những khoản tiền lớn mà còn phải giải thể NFDG - công ty đầu tư mạo hiểm của họ, và đề nghị mua lại tới 49% cổ phần do các nhà đầu tư nắm giữ.

Việc ông Gross rời bỏ Safe Superintelligence - công ty do ông đồng sáng lập cùng cựu nhà khoa học trưởng OpenAI Ilya Sutskever - đã gây sốc trong cộng đồng công nghệ. Ông Sutskever hoàn toàn bất ngờ khi CEO kiêm đồng sáng lập của mình chuyển sang làm việc cho đối thủ.

Vụ việc gần đây nhất minh họa rõ nét cho cuộc chiến này chính là câu chuyện của Windsurf (một startup cung cấp công cụ lập trình dựa trên trí tuệ nhân tạo). Sau khi thỏa thuận mua lại trị giá 3 tỷ USD với OpenAI đổ vỡ do Microsoft phản đối, CEO Windsurf Varun Mohan nhanh chóng đạt thỏa thuận 2,4 tỷ USD với Google, mang theo một nhóm nhà nghiên cứu và kỹ sư AI.

Sự việc này đã gây ra cú sốc lớn cho hàng trăm nhân viên Windsurf, khiến một số người bật khóc vì tương lai công ty trở nên bất định. Chưa dừng lại ở đó, phần còn lại của Windsurf sau đó đã được Cognition, một công ty khởi nghiệp AI đối thủ, mua lại. Đây là một ví dụ điển hình cho chiến lược "thỏa thuận mua lại để thuê" (acquihire - một chiến lược mua lại công ty, trong đó công ty mua lại chủ yếu nhắm vào đội ngũ nhân sự tài năng của công ty được mua lại, hơn là sản phẩm, dịch vụ hoặc công nghệ của họ) phổ biến ở Thung lũng Silicon.

Điều này còn cho phép các ông lớn công nghệ né tránh sự giám sát của luật chống độc quyền bằng cách mua lại một công ty nhỏ để chiêu mộ nhân tài chủ chốt. Tuy nhiên, vấn đề đó lại khiến những nhân viên còn lại rơi vào tình cảnh khó khăn, cảm thấy bị bỏ rơi.

Có thể thấy cuộc chiến chiêu mộ nhân tài AI trên đang đặt ra câu hỏi về sự thay đổi văn hóa Thung lũng Silicon, nơi nguyên tắc "hãy là nhà truyền giáo, chứ không phải kẻ hám lợi" từng là nền tảng. Với những khoản đầu tư khổng lồ và các thỏa thuận bí mật, các nhà nghiên cứu AI giờ đây được đối xử như các ngôi sao Hollywood hay cầu thủ NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ).

Rõ ràng, thị trường nhân tài AI vẫn đang ở giai đoạn "nóng bỏng" và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Với sự bùng nổ của AI, nhu cầu về những bộ óc thông minh nhất sẽ ngày càng tăng cao, và cuộc chiến giành nhân tài hứa hẹn sẽ còn nhiều diễn biến bất ngờ trong tương lai.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Meta và các nhà đầu tư đạt thỏa thuận dàn xếp vụ kiện về quyền riêng tư của Facebook
Meta và các nhà đầu tư đạt thỏa thuận dàn xếp vụ kiện về quyền riêng tư của Facebook

Ngày 17/7, ông Mark Zuckerberg, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Meta, công ty mẹ của mạng xã hội Facebook, cùng các giám đốc và quan chức hiện tại và trước đây của Meta đã đạt thỏa thuận giải quyết bồi thường 8 tỷ USD trong vụ kiện liên quan đến cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng Facebook.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN