Công nghệ vi mạch giúp xây dựng đô thị thông minh

Thời gian qua, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư phát triển công nghiệp vi mạch, nhưng chủ yếu là nghiên cứu công nghệ vi mạch truyền thống nên hiệu quả chưa như mong muốn.

Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (ICDREC – thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo “Công nghệ vi mạch SOTB – tiềm năng cho giải pháp IoT và ứng dụng trong đô thị thông minh” vào ngày 4/4, nhằm phát triển công nghệ mới ứng dụng trong đô thị thông minh.

Một sản phẩm vi mạch. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Công nghệ vi mạch bán dẫn SOTB là công nghệ giải quyết bài toán công suất thấp trong các ứng dụng IoT (Internet of Things), một xu thế công nghệ toàn cầu. SOTB cũng giúp phát triển các thiết bị trong bài toán đô thị thông minh và hiện được các hãng công nghệ lớn trên thế giới quan tâm đầu tư và phát triển.

Thời gian qua, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đầu tư cho phát triển công nghiệp vi mạch, tuy nhiên chủ yếu là nghiên cứu công nghệ vi mạch truyền thống. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình vi mạch đã có những ứng dụng nhất định nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như gắn định vị theo dõi cho thiết bị phóng xạ, do phát triển công nghệ truyền thống nên không đáp ứng được về năng lượng (pin). Do vậy, cần nghiên cứu phát triển công nghệ mới để giải quyết hạn chế này.

Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch, điểm cốt lõi của các giải pháp thông minh hay các ứng dụng IoT là các con chip phải được thiết kế với công suất cực thấp nhằm giải quyết bài toán năng lượng. Công nghệ sản xuất chip công suất thấp SOTB là một chìa khóa quan trọng để giải quyết vấn đề trên, khi công nghệ này tạo ra chip có hiệu suất tiêu thụ năng lượng thấp hơn vì có thể điều khiển được mức tiêu thụ điện. Từ đánh giá các ưu điểm của SOTB như cho hiệu năng cao, công suất thấp, giá thành rẻ hơn so với công nghệ phát triển vi mạch truyền thống, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch đã và đang nghiên cứu chế tạo nâng cấp chip vi mạch truyền thống thành vi mạch sử dụng công nghệ SOTB.

Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch đã đào tạo được khoảng 500 chuyên gia trong lĩnh vực vi mạch. Đây được xem là nguồn lực rất lớn để xây dựng một đội ngũ những chuyên gia có kiến thức, kỹ năng nghiên cứu lĩnh vực này. Trong định hướng nghiên cứu phát triển sắp tới, Trung tâm sẽ hướng tới nghiên cứu, thiết kế vi mạch công nghệ SOTB kết hợp giải pháp truyền thông LoRa (kỹ thuật điều chế không dây) để ứng dụng trong việc phát triển thành phố thông minh với các dự án như hệ thống giám sát rò rỉ nước qua đường ống, bãi đỗ xe thông minh, đèn đường thông minh, giám sát ô nhiễm không khí.


Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển chương trình vi mạch và sẽ kiện toàn lại Ban chỉ đạo để có những định hướng phát triển mới. Trong đó, sẽ thiết kế đề án để huy động nhiều thành phần khác trong xã hội cùng tham gia vào ngành vi mạch như các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.



Vũ Tiến Lực (TTXVN)
Doanh nghiệp ươm tạo đầu tiên của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch
Doanh nghiệp ươm tạo đầu tiên của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch

Ngày 16/3, Công ty cổ phần Phần mềm Hiệu năng cao Việt Nam (VHES) chính thức thành lập và ra mắt sản phẩm đầu tiên dùng trong phát triển hệ thống lưới điện thông minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN