Châu Âu giảm vai trò chiến lược do thiếu tiêm kích cơ thế hệ mới

Viện hàng không vũ trụ Pháp mới đây cảnh báo nếu không có chương trình phát triển máy bay tiêm kích thế hệ mới, châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị “giảm vai trò chiến lược” trên thế giới.

Trong vài tuần qua, nhóm nghiên cứu gồm các các cựu sĩ quan quân đội cao cấp và giám đốc ngành công nghiệp hàng không đã nghỉ hưu của 28 nước thành viên châu Âu đã kêu gọi hậu thuẫn “các khả năng tác chiến quan trọng” để bảo vệ chủ quyền trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên Viện trên cho rằng cho tới nay vẫn chưa thấy một hành động thực sự nào hướng tới phát triển máy bay. Do các nỗ lực rời rạc của châu Âu, ngành công nghiệp khu vực này vẫn chưa có một quan điểm thống nhất, như những gì đã xảy ra vào năm 1985, khi họ không thể đạt được thỏa thuận phát triển máy bay tiêm kích duy nhất của châu Âu (Pháp và Anh đã đi theo con đường chế tạo các máy bay tương ứng của họ là Rafale và Typhoon). Tuy chi phí quân sự ngày càng bị cắt giảm, châu Âu vẫn tiến hành sản xuất 3 loại máy bay chiến đấu cạnh tranh nhau là Eurofighter Typhoon, Rafale và Gripen.

Máy bay Eurofighter Typhoon.


Do nhu cầu trái ngược về máy bay tiêm kích mới, điều xảy ra trong thập niên 1980, ngày nay các cơ quan quân sự và giám đốc điều hành hàng đầu trong lĩnh vực này cho rằng không một công ty chế tạo máy bay nào có thể trở thành tổng thầu cho toàn bộ ngành công nghiệp máy bay chiến đấu châu Âu. Ngay cả công ty độc lập nhất, Dassault Aviation của Pháp, chủ yếu dựa vào tinh thần “yêu nước kinh tế”, cũng không trông mong vào sự hậu thuẫn của chính phủ để phát triển máy bay thay chiếc Rafale, sử dụng sau năm 2040.

Tướng về hưu Jean-Georges Brevot, thành viên nhóm công tác của Viện, bình luận: “Nếu chúng ta không làm gì, sau 20 năm nữa, ngành công nghiệp máy bay quân sự châu Âu sẽ chết”. Các nước châu Âu, tự theo đuổi các công nghệ của mình, sẽ ngày càng gặp rủi ro trong khi Nga (T-50) và Trung Quốc (J-20 và J-31) trong từ 10-15 năm tới sẽ xuất khẩu máy bay tiêm kích thế hệ mới.

Các nước châu Âu tham gia vào chương trình chế tạo máy bay đa năng (Joint Strike Fighter) F-35 của Mỹ, cũng phung phí nguồn lực và khả năng thiết kế của mình. Đóng góp của họ cho dự án phát triển F-35 là 8 tỷ euro (10,8 tỷ USD).

Ông Brevot nhận định: “Chúng ta đang ở ngã tư đường, tình hình thật đáng báo động, chúng ta phải thực thi một chính sách cứng rắn hơn”. Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang tiến dần tới điểm không thể quay lại. Các nước châu Âu cần đưa ra một tầm nhìn nhu cầu chung cho máy bay tiêm kích thế hệ mới, như điều từng làm với máy bay vận tải quân sự A400M.


Duy Trinh
Xem máy bay trinh sát không người lái sắp 'nhập ngũ' của Nga
Xem máy bay trinh sát không người lái sắp 'nhập ngũ' của Nga

Bộ quốc phòng Nga mới đây đã mua 34 máy bay trinh sát không người lái và dự định trong quý đầu năm 2014, những chiếc máy bay này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN