Tại Sur, nước sinh hoạt cho 600.000 người dân chủ yếu được cung cấp bởi nhà máy khử mặn nước biển. Ông Abdullah al-Harthi nói: “Trước đó, cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi có giếng và nước vận chuyển bằng xe tải. Nhưng từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có đường ống nước và chúng tôi không còn bị cắt nước”.
Lợi ích này có kèm theo giá phải trả, đặc biệt trong thời điểm nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Liên hợp quốc cho biết năm 2019 có thể được ghi nhận là một trong ba năm nóng nhất trong lịch sử.
Các nhà máy khử mặn thường tạo ra nước biển cô đặc mặn và chúng lại bị đổ ra biển. Lượng nước biển bổ sung này nâng nhiệt độ nước ven bờ và tăng lượng oxy, có thể tạo ra “vùng chết chóc” sinh học. Chất siêu mặn này còn trở nên độc hơn bởi các hóa chất sử dụng trong quá trình khử mặn.
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết hơn 16.000 nhà máy khử mặn trên toàn cầu đang tạo ra bùn độc. Theo nghiên cứu năm 2019 của tạp chí Science, với mỗi lít nước biển hoặc nước lợ sẽ có 1,2 lít bùn mặn thải ra biển hoặc trên đất liền.
Những quốc gia hàng xóm của Oman sản xuất rất nhiều nước muối cô đặc như Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait và Qatar. Theo Liên hợp quốc, nước muối cô đặc từ Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Qatar chiếm tới 55% tổng lượng toàn cầu.
Do vậy, Liên hợp quốc đánh giá cần “hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và giảm gánh nặng kinh tế của việc thải nước muối cô đặc”.
Có những cách khác để bảo vệ nguồn cung nước ngọt, gồm khuyến khích tiết kiệm và tái sử dụng hiệu quả nước ngọt. Hãng thông tấn AFP dẫn lời nhà quản lý hoạt động của công ty Pháp Veolia vốn điều hành nhà máy khử mặn nước biển ở Sur – ông Antoine Frerot - cho biết việc tái sử dụng nước sẽ chỉ bằng 1/3 chi phí so với khử mặn nước biển.
Do vậy, giới chức Oman tiếp tục khuyến khích người dân sử dụng nước hợp lý. Tại các quốc gia Vùng Vịnh, nước không chỉ dành để tiêu thụ cho các hộ gia đình, làm nông và sân golf mà còn góp mặt trong lĩnh vực năng lượng – nguồn gốc giàu có của khu vực này.
Hiện nay nhiều quốc gia Vùng Vịnh áp dụng phương pháp thủy lực cắt phá để khai thác dầu mỏ. AFP cho biết đây là phương pháp đòi hỏi cần có lượng lớn nước. Một cơ sở tại Oman khai thác dầu từ vị trí 50km dưới mặt đất sẽ cần 6.000 mét khối nước/ngày.