Australia phát hiện nguồn lây nhiễm siêu vi khuẩn nguy hiểm

Các nhà nghiên cứu Australia mới đây phát hiện hệ thống cấp nước uống là nguồn lây nhiễm vi sinh vật kháng thuốc kháng sinh (AMR) đáng kể, nhưng bị bỏ qua, gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nghiên cứu của các nhà khoa học tại trường Đại học Flinders (Australia) cho thấy, mật độ vi khuẩn AMR đáng báo động trong cả hệ thống nước của bệnh viện và dân cư. Khoảng 73% mẫu nước sinh hoạt và 38% mẫu nước bệnh viện chứa ít nhất một tác nhân gây bệnh AMR, cùng với đó là gần một nửa số đồ dùng nước sinh hoạt có kết quả xét nghiệm dương tính với hai hoặc nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc.

Đặc biệt, nghiên cứu cho biết lớp nhầy sinh học bám trong các đường ống thoát nước là ổ chứa các vi sinh vật AMR. Ngoài ra, các gene kháng thuốc vẫn hiện diện ngay cả sau khi vi khuẩn ban đầu đã chết, khiến nơi này trở thành ổ bảo quản gene lâu dài.

Đáng chú ý, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Hospital Infection cũng phát hiện rằng, vi khuẩn tụ cầu vàng (tên khoa học là staphylococcus aureus) kháng thuốc kháng sinh methicillin (MRSA), vốn thường được tìm thấy trên bề mặt khô, cũng được phát hiện trong chất nhầy sinh học và các mẫu nước trên khắp Australia.

Bà Claire Hayward, nhà nghiên cứu chính và cũng là một nhà vi sinh vật học môi trường tại Đại học Flinders cho biết, nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường giám sát và can thiệp có mục tiêu để giảm thiểu rủi ro do các tác nhân gây bệnh AMR gây ra trong hệ thống nước uống.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh AMR có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, vượt qua cả bệnh ung thư.

Thanh Tú (TTXVN)
Phát hiện thế giới vi khuẩn 'thây ma' có thể sống hàng nghìn năm dưới bề mặt Trái Đất
Phát hiện thế giới vi khuẩn 'thây ma' có thể sống hàng nghìn năm dưới bề mặt Trái Đất

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một hệ sinh quyển khổng lồ nằm sâu 5 km dưới bề mặt Trái Đất, nơi sinh sống của những vi khuẩn được gọi là "thây ma". Chúng không cần ánh sáng mặt trời, hầu như không di chuyển và có thể sống hàng nghìn năm. Các nhà khoa học ước tính hệ sinh quyển dưới lòng đất chứa khoảng từ 15-23 tỷ tấn vi sinh vật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN