Đây là bước tiến quan trọng, đưa Ấn Độ tiến gần hơn tới việc gia nhập nhóm các quốc gia tiên tiến sở hữu công nghệ này như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Sứ mệnh SpaDeX được thực hiện bằng tên lửa Polar Satellite Launch Vehicle (PSLV-C60), mang theo hai vệ tinh nhỏ SDX01 (Chaser) và SDX02 (Target), mỗi vệ tinh nặng 220 kg. Các vệ tinh được phóng lên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 470 km, với độ nghiêng 55 độ.
Mục tiêu chính của SpaDeX là thực hiện ghép nối hai vệ tinh trong không gian vào ngày 7/1/2025, đánh dấu bước tiến lớn trong khả năng phục vụ vệ tinh, xây dựng trạm không gian và các nhiệm vụ không gian phức tạp khác. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu công nghệ ghép nối không gian.
Ghép nối không gian (space docking) là công nghệ then chốt cho các sứ mệnh yêu cầu phóng nhiều lần hoặc cần sự hợp tác giữa các tàu vũ trụ trong không gian. Các vệ tinh của SpaDeX sẽ thử nghiệm việc chuyển đổi năng lượng điện giữa hai thiết bị đã ghép nối, phục vụ các ứng dụng như điều khiển tàu vũ trụ hỗn hợp, robot không gian và vận hành tải trọng sau khi tách ghép.
Sứ mệnh này cũng bao gồm các thiết bị tiên tiến, như hệ thống hình ảnh và cảm biến bức xạ để đo mức độ phóng xạ electron và proton trong không gian – dữ liệu cần thiết cho các sứ mệnh không gian có người lái trong tương lai.
Sứ mệnh SpaDeX không chỉ dừng lại ở thử nghiệm ghép nối không gian mà còn ghi nhận những cải tiến đột phá. Đáng chú ý, giai đoạn thứ tư của tên lửa PSLV, thường trở thành rác thải không gian, đã được chuyển đổi thành một phòng thí nghiệm không gian không người lái mang tên Module Thí nghiệm quỹ đạo PSLV (POEM). Sáng kiến này cho phép các công ty khởi nghiệp và tổ chức nghiên cứu của Ấn Độ thử nghiệm công nghệ không gian mà không cần phóng vệ tinh riêng. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, việc tích hợp và thử nghiệm tên lửa cùng vệ tinh được thực hiện tại một công ty tư nhân là Ananth Technologies, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hợp tác công tư, thay vì chỉ dựa vào các cơ quan chính phủ như trước đây.
Chủ tịch ISRO - ông S. Somanath nhấn mạnh rằng sứ mệnh này mở ra cơ hội lớn cho Ấn Độ trong thị trường không gian toàn cầu. Ông nêu rõ: “Thành công của công nghệ này không chỉ khẳng định vị thế của Ấn Độ trong lĩnh vực không gian mà còn thu hút các sứ mệnh quốc tế cần cơ sở hạ tầng ghép nối và lắp ráp trong không gian”.
Trong khi đó, nhà thiên văn học Somak Raychaudhary thuộc trường Đại học Ashoka nhận định việc sở hữu công nghệ ghép nối không gian không chỉ nâng tầm ISRO mà còn giúp Ấn Độ gia tăng năng lực trong các nhiệm vụ không gian dài hạn và hợp tác quốc tế.