Vụ vượt ngục kiểu Hollywood chấn động nước Mỹ - Kỳ 1:

Trại cải tạo Clinton - một nhà tù an ninh bậc nhất ở bang New York; Richard W. Matt và David Sweat - hai tên tù nhân táo tợn ở hai phòng giam cạnh nhau. Hai yếu tố đó đã hợp thành để tạo ra một vụ vượt ngục như trong các bộ phim của Hollywood khiến cả nước Mỹ chấn động.

"TIỂU SIBERIA"

Nhà tù Clinton có biệt danh “tiểu Siberia” nằm ở Dannemora - ngôi làng có dân số 4.000 người ở bang New York, cách biên giới với Canada chừng 40 km. Sở dĩ Clinton có biệt danh của một vùng đất ở Bắc Cực vì nó nằm ở một nơi có khí hậu rất lạnh và cách xa khu dân cư. Đối với tù nhân và gia đình họ, nhà tù Clinton như một lãnh thổ nước ngoài. Muốn đến đây từ thành phố New York, người ta phải lái xe tới 5 tiếng đồng hồ.

Matt (trái) và Sweat.



Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội trại cải tạo New York, một tổ chức phi lợi nhuận bảo vệ quyền lợi của tù nhân, 3/4 tù nhân ở Clinton là người da màu hoặc người gốc Latinh trong khi 929 nhân viên nhà tù không có ai là người da màu. Ông Jack Beck, giám đốc một dự án thuộc hiệp hội, cho biết: “Clinton là một trong những nơi cuối cùng mà bạn muốn đến trong hệ thống nhà tù của bang. Đối với tù nhân thì đó là nơi khét tiếng nhất”.

Từ năm 2000 đến 2014, số tù nhân tự tử ở Clinton liên tục tăng. Tính đến nay con số này là 23, nhiều hơn hầu hết các nhà tù khác ở bang New York và chỉ “kém cạnh” duy nhất trại cải tạo Elmira ở hạt Chemung. Với chừng 3.000 tù nhân, Clinton là nhà tù lớn nhất bang New York và lâu đời thứ ba. Nhà tù này mở cửa năm 1845.

Khảo sát 610 tù nhân ở Clinton cho thấy hơn 3/4 số tù nhân khẳng định tình trạng phân biệt chủng tộc là chuyện thường ngày ở nhà tù. Trong những năm 1990, 17 tù nhân bị cai ngục đánh đập đều thắng kiện bang New York hoặc buộc chính quyền bang phải dàn xếp thỏa thuận với họ. Ông Karen Murtagh, giám đốc Cơ quan pháp lý cho tù nhân New York, cho biết trong những năm gần đây, tình trạng cai ngục bạo lực với tù nhân đã ít hơn.


Bên ngoài nhà tù Clinton.



Hơn một nửa tù nhân cho biết cư dân nhà tù thường xuyên đánh lộn. Điều này dễ hiểu vì Clinton được coi là nhà tù bạo lực nhất New York và là nơi ở của những tội phạm bạo lực nhất bang. Dù số tù nhân tại Clinton liên tục giảm nhưng số sự vụ bất thường ở đây lại tăng 22%, từ 389 vụ năm 2009 lên 476 vụ năm 2013. Các sự vụ gồm phát hiện hàng cấm trong tù, các vụ đánh lộn và tù nhân tử vong. Tỷ lệ sự cố trên 1.000 tù nhân tăng 45% trong giai đoạn năm 2012 và 2013.

Từ năm 2010 đến 2014, tính trong toàn hệ thống nhà tù của bang New York, số vụ tù nhân tấn công nhân viên tăng 29%, trong đó phần lớn các vụ xảy ra tại những nhà tù an ninh tối đa như Clinton, Attica, Elmira và Bedford Hills.


Một nhân viên nhà tù đứng gác.


Theo thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo, vụ vượt ngục của hai tù nhân Richard W. Matt và David Sweat là vụ đầu tiên ở Clinton kể từ năm 1865 và do đó ông không cảm thấy xấu hổ trước sự việc chấn động này. Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo khẳng định sẽ rà soát lại nhà tù Clinton sau khi truy bắt được hai tù nhân vượt ngục.

Có thông tin cho rằng các cai ngục không thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra các phòng giam vào ban đêm. Nhà tù Clinton ngày 1/6 từng xảy ra ẩu đả giữa 30 tù nhân, nhưng giới quản lý nhà tù lại không áp dụng tình trạng “cấm túc”. Sau vụ vượt ngục, người ta phát hiện một nhân viên nữ tên là Joyce Mitchell trong nhà tù Clinton đã tuồn hàng lậu vào để giúp hai tù nhân nói trên, tuy nhiên nhân viên này khai không mang dụng cụ điện vào cho chúng - thứ mà tù nhân buộc phải có để khoan cắt các lớp tường. Do đó, ông Joseph Giacalone, giáo sư trường Cao đẳng Công lý hình sự ở Manhattan, khẳng định không chỉ có Mitchell vi phạm quy tắc trong nhà tù Clinton mà sẽ còn nhiều nhân viên nữa liên quan đến vụ trốn tù nghiêm trọng này.

Ngoài ra, nhà tù Clinton đã 170 năm tuổi, không có công nghệ và không phù hợp khi có một số lượng lớn tù nhân. Ví dụ, trong các nhà tù cũ, lối đi đến sảnh ăn tối rất dài và trong quá trình này tù nhân có thể lợi dụng thực hiện một ý đồ nào đó.

Trước đây, nghị sĩ Daniel O’Donnell ở Manhattan đã viết thư đề nghị Thống đốc Cuomo chi ngân sách của bang để trang bị camera gắn trên người (bodycam) cho các nhân viên nhà tù Clinton. Đề nghị này đã bị từ chối. Sau vụ vượt ngục, ông O’Donnell cho hay các camera này có thể giúp bảo vệ nhân viên nhà tù Clinton - nhà tù mà ông coi là nguy hiểm nhất trong hệ thống nhà tù bang New York.

Sau khi Richard Matt và David Sweat vượt ngục, cuộc sống của các tù nhân còn lại ở Clinton càng thêm khắc nghiệt. Một phụ nữ đã liên lạc với tờ Gawker và cho biết thông tin trên sau khi nhận được thư từ bố mình là một tù nhân ở Clinton. Toàn bộ khu vực phòng giam của ông ta đã bị ra lệnh đóng cửa liên tục. Điều đó có nghĩa là không tù nhân nào được phép ra ngoài phòng giam vì bất kỳ lý do nào. Thức ăn được mang tới tận phòng tù nhân chứ không được phục vụ tại sảnh ăn chung. Không tù nhân nào được ra sân. Tù nhân cũng tạm thời không tham gia làm việc trong các xưởng trong tù. Tù nhân bị cắt khoảng thời gian gọi điện thoại ra ngoài cho người thân. Tù nhân bị cắt đứt với thế giới bên ngoài khi không thể xem tivi do sóng bị vô hiệu hóa. Họ cũng không được nhận thư từ bên ngoài và không được tiếp khách vào thăm như trước kia.

Vậy Richard Matt và David Sweat là ai và chúng đã vượt ngục như thế nào?

Thùy Dương
Vụ vượt ngục kiểu Hollywood chấn động nước Mỹ - Kỳ cuối
Vụ vượt ngục kiểu Hollywood chấn động nước Mỹ - Kỳ cuối

Richard Matt và David Sweat là hai tù nhân có quá khứ đầy bạo lực. Chúng bị tống vào tù sau các hành vi giết người dã man. Cả hai đều là những kẻ sát nhân mà chính quyền New York mô tả là nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN