Michael được nuôi dưỡng với những đặc ân đặc biệt và một đội quân những người đầy tớ. Ông được học ở những trường tư đặc biệt với những kỳ nghỉ hạng nhất ở châu Âu và những kỳ nghỉ theo mùa tới các khu biệt thự Rockefeller trên khắp thế giới, từ vùng New England đến Nam Mỹ. Michael học trường Buckley ở khu Manhattan (thành phố New York), Học viện Philips Exeter ở bang New Hampshire và Đại học Harvard, một trong những trường đại học danh giá nhất nước Mỹ.
Michael và những người Asmat. |
Dù được sống cuộc sống nhung lụa như vậy, Michael không phải là đứa trẻ quen được chiều chuộng. Ông làm việc chăm chỉ và luôn muốn trải nghiệm cuộc sống từ tầng lớp dưới của xã hội. Michael đã dành một phần thời gian của kỳ nghỉ hè để làm người đóng gói hàng ở Puéctô Ricô, đi chăn bò ở một trang trại gia đình ở Vênêxuêla.
Người chú của ông, David Rockefeller, nhớ lại rằng, “Từ bé, Michael đã thể hiện tình yêu cái đẹp và con người. Độc lập về suy nghĩ, nhiệt tình trong tất cả những việc mình làm, Michael là một người có con mắt quan sát sắc sảo, luôn bị hấp dẫn bởi những điều chưa biết và chưa khám phá”.
Ở trường Harvard, Michael có tiếng là người luôn tò mò, thích phiêu lưu và nhạy cảm. Một người bạn ở Harvard sau này đã ghi dòng tưởng nhớ về Michael như sau: “Michael say mê khám phá cho những ý tưởng mới, những chân trời mới và con người mới”. Michael tốt nghiệp loại khá tấm bằng cao đẳng nghiên cứu về tiếng Anh năm 1960, 2 năm sau khi cha ông được bầu làm Thống đốc bang New York.
Những cậu bé Ndani tập chiến đấu (Ảnh do Michael chụp năm 1961). |
Là thành viên gia đình danh giá Rockefeller, Michael không phải vội vã lao vào cuộc mưu sinh. Ông có kế hoạch trở lại Harvard để nhận tấm bằng cử nhân tại ngôi trường danh tiếng này, có thể là ngành luật, nhưng nhiều khả năng sẽ là ngành khoa học nhân chủng học hoặc nghệ thuật. Nghệ thuật và phiêu lưu là những đam mê mà ông đã lựa chọn để theo đuổi sau khi tốt nghiệp cao đẳng.
Michael lớn lên trong gia đình có nhiều người đam mê nghệ thuật. Bà nội ông, Abby Aldrich Rockefeller, là nhà sưu tập những tác phẩm nghệ thuật hiện đại, người sáng lập và tài trợ cho Bảo tàng nghệ thuật hiện đại New York. Cha ông đã kéo Michael vào thế giới nghệ thuật khi bổ nhiệm Michael vào Ban giám đốc của Bảo tàng nghệ thuật nguyên thủy New York.
Khi thời gian ở Harvard gần kết thúc, Michael đã cân nhắc một chuyến đi sưu tập nghệ thuật tới các nền văn hóa Andez ở Mỹ Latinh. Thế nhưng, một hôm, Michael biết được thông tin từ Sam Putnam, một người bạn cùng phòng rằng Robert Gardner, một giáo sư trẻ của Harvard, đang lên kế hoạch cho một chuyến nghiên cứu tới Niu Ghinê theo chương trình của Viện bảo tàng khảo cổ và dân tộc học Peabody thuộc đại học Harvard.
Michael đã mạnh dạn xin cùng đi với Gardner, giáo sư chuyên làm phim về các nền văn hóa nguyên thủy. Giáo sư đã đồng ý cho Michael đi theo đoàn với nhiệm vụ ghi âm và chụp hình khi Michael đồng ý tự chi trả cho chuyến đi của mình. Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Peabody khởi hành vào tháng 3/1961, vài tuần sau khi Michael hoàn thành khóa nghĩa vụ quân sự.
Chuyến đi của giáo sư Gardner chủ yếu tập trung làm phim về bộ tộc Ndani sinh sống ở thung lũng Baliem, nằm sâu trong khu vực rừng núi Niu Ghinê. Nhưng trên đường đi, ông đã dừng lại ở Hollandia, thủ phủ thuộc địa của Hà Lan ở Niu Ghinê, ở đây nhà chức trách Hà Lan đã giới thiệu ông với các nghề thủ công bản địa. Gardner và các thành viên trong nhóm tiếp tục đi quay phim về bộ tộc Ndani. Một số bức ảnh chụp Michael, trông vẻ nghiêm trọng và trầm ngâm bên cạnh những đứa trẻ và một số người của bộ tộc này. Nhóm nghiên cứu Peabody cũng đã ghi lại cảnh bạo lực giữa những người đàn ông của bộ tộc và thu thập một số mẫu vũ khí và công cụ của họ, trong đó có cả những chiếc rìu đá.
Trong khi đó, Gardner đã hấp dẫn Michael khi mô tả về nghệ thuật nguyên thủy của bộ tộc Asmat, bộ tộc cũng được xem đã thể hiện nền văn hóa thời kỳ đồ đá ở Niu Ghinê. Những mô tả của Gardner đã kích thích Michael muốn tổ chức một chuyến đi tới bờ duyên hải phía tây nam Guinea để sưu tầm nghệ thuật về bộ tộc này. Giống như bộ tộc Ndani, Asmat hầu như không tiếp cận với thế giới bên ngoài và người Asmat có tiếng là không thân thiện và hung dữ.
Michael tách nhóm Peabody vào cuối tháng 6 để bắt đầu chuyến đi riêng của mình. Ông tỏ ra rất ấn tượng về chất lượng của các sản phẩm thủ công mà người Asmat làm ra, trong đó có chiếc sào dài hơn 10 mét được sơn nhiều màu, những chiếc sọ người được quét sơn. Dùng những chiếc rìu sắt, thuốc lá - những thứ rất có giá trị đối với người Asmat - Michael đổi được một bộ sưu tập các mẫu vật và một chiếc thuyền độc mộc để phục vụ chuyến hành trình sau này của ông.
Michael bắt đầu mơ tới một buổi triển lãm về bộ tộc Asmat tại Bảo tàng Nghệ thuật nguyên thủy của cha mình ở New York. Ông viết trên tạp chí của mình rằng: “Điểm đáng chú ý của nghệ thuật này là nền văn hóa sản sinh ra nó vẫn còn nguyên vẹn, một số khu vực xa xôi vẫn còn hủ tục săn đầu người”.
Michael rõ ràng đã không gặp vấn đề gì với người Asmat trong chuyến đi của mình. Ông nhập lại đoàn nghiên cứu của Harvard vào ngày 10/7/1961 nhưng vẫn quyết tâm quay trở lại để thu thập các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người Asmat cho bảo tàng của cha ông.
Quang Tuyến
Đón đọc kỳ tới: Cuộc phiêu lưu như Tom và Huck