Một tuần sau vụ bắt giữ 19 nghi can, đại diện của Ủy ban hội đồng Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc và tuyên bố rằng thông tin mà Jordan cung cấp cho cảnh sát chỉ là những tin đồn.
Khung cảnh bên ngoài phòng xử án ở Meridan. |
Một bồi thẩm đoàn liên bang ở Jackson, Mississippi đã ủng hộ bản cáo trạng chống lại 19 nghi can. Tuy nhiên ngày 24/2/1965, thẩm phán liên bang William Harold Cox, nổi tiếng là một người có xu hướng phân biệt chủng tộc bảo thủ, cho rằng chỉ có Rainey và Price là thực thi “dưới màu sắc của luật tiểu bang”, đồng thời ông ta tuyên bố bác bỏ 17 cáo trạng đối với những kẻ còn lại.
Đến tháng 3/1966, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã không đồng ý với quyết định của Cox và phục hồi 18 trong số 19 bản cáo trạng ban đầu.
Phiên toà bắt đầu vào 7/10/1967 ở Meridian, Mississippi với sự chủ tọa của Thẩm phán Cox.
Toàn bộ phiên xử án mang đậm thái độ kỳ thị chủng tộc và những mối quan hệ mật thiết của Klan. Tất cả bồi thẩm đoàn đều là người da trắng, trong đó 1 vị đã thừa nhận mình từng là thành viên của tổ chức Klan. Thẩm phán Cox, người đã miêu tả những người Mỹ gốc Phi giống như “những con tinh tinh”, hầu như không ủng hộ gì cho phía các công tố viên. Ba kẻ đưa tin nằm trong tổ chức Klan gồm Wallace Miller, Delmar Dennis và James Jordan đã đưa ra những lời khai liên quan đến các tình tiết của vụ án. Đồng thời, Jordan đã đứng ra làm chứng về vụ giết người.
Edgar Ray Killen, 79 tuổi. |
Luật sư bào chữa đã dựng lên những nhân chứng tại tòa, đó là họ hàng hay hàng xóm của các bị cáo, những người này đã đưa ra các chứng cứ ngoại phạm cho người quen của mình.
Trong phần tranh luận sau cùng, người đại diện công tố, John Doar, đã nói với bồi thẩm đoàn rằng, những điều ông ta và các luật sư khác tranh luận trong suốt phiên tòa sẽ nhanh chóng bị lãng quên, tuy nhiên “cái gì mà 12 người các ngài (bồi thẩm đoàn) quyết định hôm nay sẽ khó có thể nào quên được”.
Vào ngày 20/10/1967, bản án đã được quyết định. Trong số 18 bị cáo, 7 người được xác định là có tội và 8 người vô tội. Những người bị buộc tội gồm Phó cảnh sát trưởng Cecil Price, Sam Bowers, Wayne Roberts, Jimmy Snowden, Billey Posey và Horace Barnett. Cảnh sát trưởng Rainey và Olen Burrage (chủ trang trại, nơi các thi thể được tìm thấy) nằm trong số những người vô tội. Bồi thẩm đoàn không thể đưa ra một phán quyết nào đối với trường hợp của Edgar Ray Killen.
Bản án dành cho Price và Posey là 6 năm tù; Roberts và Bowers là 10 năm tù; những kẻ bị buộc tội khác nhận 4 năm tù.
Tuần hành kêu gọi đưa Edgar Ray Killen ra xét xử. |
Sau này, những lời của thẩm phán Cox liên quan tới các bản án đã được trích dẫn lại, ông ta nói: “Các bị cáo đã giết hại một người da đen, một người Do thái và một người da trắng. Tôi đã dành cho họ bản án mà tôi nghĩ họ xứng đáng được nhận”.
Price ra khỏi tù sau khi thụ án được 4 năm. Vào tháng 5/2001, ông ta qua đời trong một vụ tai nạn lao động.
Những người dân có tự trọng ở Mississippi đã không quên trò hề pháp lý trong vụ MIBURN. 40 năm sau, ngày 6/10/2004, những người biểu tình đã tuần hành, yêu cầu Tổng chưởng lý Jim Hood truy tố Edgar Ray Killen - thành viên và là người thuyết giáo của Klan - vì đã sát hại ba nhà hoạt động dân quyền là James Chaney, Andrew Goodman và Michael Schwerner.
Ngày 6/1/2005, tiểu bang Mississippi đã buộc tội giết người đối với Edgar Ray Killen, lúc này đã 79 tuổi. Theo thông tin từ Larry Myers - cảnh sát trưởng hạt Neshoba - cảnh sát đã bắt giữ ông ta tại nhà riêng. Bà Carolyn Goodman, 89 tuổi, mẹ của nạn nhân Andrew Goodman rất vui với thông tin này. Bà đã hy vọng rằng một ngày nào đó những kẻ giết người sẽ phải đứng sau song sắt và hối hận về những gì chúng đã làm. Carolyn Goodman kể lại, năm 1999 công tố viên John Doar nói với bà rằng, thất bại của bồi thẩm đoàn liên bang năm 1967 trong việc buộc tội Killen là nỗi thất vọng lớn nhất của ông. Theo John Doar, Killen thực sự là kẻ chủ mưu trong vụ án. Ông ta nghĩ rằng, có lẽ bồi thẩm đoàn đã bị chia rẽ trong trường hợp của Killen, bởi vì bằng chứng chống lại Killen còn rõ ràng hơn bằng chứng chống lại những kẻ đã bị buộc tội.
Ngày 13/6/2005, phiên tòa xét xử Killen đã được diễn ra. Killen phải tham dự phiên tòa trên xe lăn bởi vì ông ta bị gãy chân trong một vụ tai nạn hồi tháng 3/2005. An ninh được thắt chặt, những đường phố xung quanh khu vực xử án đã được lập rào chắn. Ben Chaney, anh trai của nạn nhân James Chaney nói với phóng viên rằng, ông cảm thấy “được động viên” vì phiên tòa này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát dân quyền cho rằng, những kẻ tham gia vụ án còn sống sót khác như là Olen Burage cũng phải nhận một bản án nào đó.
Ngày 23/6/2005, thẩm phán Marcus Gordon đã kết án án 60 năm tù đối với Edgar Ray Killen, tương ứng với 3 hình phạt, mỗi hình phạt 20 năm dành cho từng cáo buộc về tội ngộ sát liên quan đến cái chết của Chaney, Goodman và Schwerner trong năm 1964.
Ngày 13/8/2009, Billy Wayne Posey qua đời ở tuổi 73. Alejandro Miyar, một người phát ngôn của Bộ Tư pháp nói rằng, cái chết của Posey không làm ảnh hưởng đến cuộc điều tra về vụ án tưởng chừng đã bị lãng quên. Vì lúc này, bốn nghi can trong vụ án giết người năm 1964 vẫn còn sống.
Ngày 15/3/2013, Owen Burage qua đời ở tuổi 82. Với sự kiện này, chỉ còn duy nhất 1 người trong số 18 người bị truy tố ban đầu còn sống sót. Đó là Pete Harris, kẻ mà theo các nhân chứng cho biết, đã hô hào các thành viên Klan tập hợp vào đêm xảy ra các vụ sát hại.
Nguyễn Bình