Vụ cháy ở Mississippi - Kỳ 2

Sau khi ba nhà hoạt động dân quyền không thể trở lại Meridan đúng giờ, các thành viên của tổ chức CORE đã gọi điện đến nhà tù hạt Neshoba để hỏi tin tức, xem liệu cảnh sát có thông tin nào về ba người này hay không. Viên cai ngục Minnie Hering khẳng định không biết thông tin gì về những người này. Những việc xảy ra đối với Michael Schwerner, James Chaney và Andrew Goodman sau khi bị bắt giữ là không rõ ràng, tuy nhiên có một điều chắc chắn là không ai nhìn thấy họ thêm lần nữa.

 

Chiếc xe chở James Chaney, Andrew Goodman và Michael Schwerner bị đốt cháy.

 

Vào ngày 23/6/1964, đặc vụ FBI John Proctor và một đội gồm 10 đặc vụ khác có mặt ở hạt Neshoba để điều tra vụ mất tích của ba nhà hoạt động dân quyền. Điều mà tổ chức Klan không tính đến đó là vụ mất tích của ba người này đã làm nóng dư luận trên phạm vi cả nước. Lúc này, Tổng thống Lyndon B. Johnson gây áp lực lên Giám đốc FBI J. Edgar Hoover và yêu cầu phải giải quyết nhanh vụ án. Văn phòng đầu tiên của FBI tại Mississsippi đã được mở ra, đồng thời quân đội đã gửi lính thủy đến hạt Neshoba để trợ giúp tìm kiếm những người mất tích.

 

Thông báo tìm người mất tích của FBI.

 

Vụ án được đặt tên là MIBURN (viết tắt của Mississippi Burning - Vụ cháy ở Mississsippi) và những điều tra viên xuất sắc của FBI đã được cử đến để hỗ trợ công tác điều tra.


FBI cuối cùng cũng có thể xâu chuỗi các sự kiện đã xảy ra nhờ vào những kẻ cung cấp thông tin là thành viên của tổ chức Klan. Những kẻ này đã có mặt trong đêm khi vụ án mạng xảy ra. Theo đó, tình tiết của vụ án được diễn ra như sau:


- Khi ở nhà tù hạt Neshoba, Schwerner yêu cầu được gọi điện thoại nhưng đã bị từ chối.


- Phó cảnh sát trưởng Price đã liên lạc với Edgar Ray Killen - một thành viên của Klan - và thông báo rằng ông ta đã bắt được Schwerner.


Wayne Roberts.

- Killen đã gọi cho các thành viên của Klan ở hạt Neshoba và Lauderdale, tổ chức một nhóm và hẹn gặp nhau tại một bãi chiếu phim ở Meridan. Bãi chiếu phim này phục vụ đối tượng khán giả là những người ngồi trong xe ôtô. Cuộc họp cũng có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo Klan địa phương. Một cuộc gặp khác cũng đã diễn ra sau khi nhóm trên quyết định lựa chọn một số thành viên Klan trẻ tuổi tham gia vào vụ trừ khử ba nhà hoạt động dân quyền.


- Killen hướng dẫn nhóm Klan trẻ tuổi mua găng tay cao su và hẹn gặp nhau lúc 8 giờ 15 phút tối, xem lại kế hoạch thủ tiêu và sau đó lái xe tới gần nhà giam, nơi ba nhà hoạt động dân quyền đang bị giam giữ. Lúc này, Killen rời khỏi nhóm để đến thức canh linh cữu cho người chú vừa mất.


- Price thả ba nhà hoạt động dân quyền bị giam giữ vào khoảng 10 giờ đêm và lập tức bám theo khi họ chạy xe ra quốc lộ 19. Một vụ rượt đuổi tốc độ cao giữa Price và nhóm thành viên của tổ chức CORE diễn ra ngay sau đó. Không lâu sau, Chaney, người lái xe, đã dừng lại và cả nhóm đầu hàng Price.


- Schwerner, Chaney và Goodman được đưa lên chiếc xe tuần tra của Price, theo sau là hai chiếc xe của nhóm thành viên Klan trẻ tuổi, và được đưa đến một con đường đất có tên Rock Cut. Ba nhà hoạt động dân quyền bị lôi ra khỏi xe và Wayne Roberts, 26 tuổi, đã xả súng vào Schwerner, tiếp theo là Goodman và Chaney. Kẻ đưa tin, James Jordan, nói với FBI rằng Doyle Barnette cũng đã nổ súng bắn Chayney hai phát.


 

Khu vực chôn giấu các thi thể.

- Ba thi thể được đưa tới nơi đã chuẩn bị trước, đó là một trang trại thuộc sở hữu của Olen Burrage. Những xác chết này được chôn vùi trong một hố trũng gần đập nước của trang trại.


- Price không có mặt trong lúc nhóm Klan trẻ tuổi xử lý ba thi thể của những nhà hoạt động dân quyền. Lúc 12 giờ 30 phút trưa hôm sau, Price đã gặp Rainey - cảnh sát trưởng hạt Neshoba và cũng là thành viên của Klan - tuy nhiên, chi tiết nội dung cuộc gặp không được tiết lộ.


- Ngày 4/8/1964, FBI nhận được thông tin về nơi chôn giấu các thi thể, đó là vị trí của đập nước tại trang trại Old Jolly.


Vào tháng 12/1964, James Jordan, thành viên của Klan và cũng là kẻ đưa tin cho FBI, đã cung cấp đầy đủ thông tin để FBI có thể tiến hành bắt giữ 19 nghi can ở hạt Neshoba và Lauderdale vì âm mưu sát hại Schwerner, Chaney và Goodman dưới “màu sắc của luật tiểu bang”.


Nguyễn Bình

 

Đón đọc kỳ cuối: Phiên tòa xét xử

Vụ cháy ở Mississippi - Kỳ 1
Vụ cháy ở Mississippi - Kỳ 1

Đầu những năm 1960, phong trào đấu tranh vì dân quyền có những bước tiến ở Mỹ, tuy nhiên phản ứng quyết liệt từ tổ chức Ku Klux Klan (Klan) và những tổ chức khác cũng ngày càng tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN