Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ ngày chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đi vào lịch sử, nhưng những năm tháng phục vụ chiến trường đầy gian khổ, niềm vui ngày chiến thắng ở Điện Biên Phủ dường như vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức cựu chiến binh Lục Văn Máy, người lái xe vận chuyển lương thực, súng đạn phục vụ chiến trường. Dù đã bước sang tuổi 85, tóc bạc trắng, nhưng cựu chiến binh Lục Văn Máy, ở xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An (Cao Bằng) vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và nhanh nhẹn. Đôi mắt ông sáng bừng vẻ tự hào, xúc động, khi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên.
Nhấp chén trà đặc, đôi mắt ông hướng lên bàn thờ có đặt ảnh Bác Hồ, rồi chậm rãi kể: Ông sinh năm 1930, vào năm 1948 khi tròn 18 tuổi ông làm giáo viên lớp bình dân học vụ góp phần diệt giặc dốt cho quê hương. Đến năm 1949 đi bộ đội, phục vụ tại Cục vận tải, Tổng Cục hậu cần. Tháng 6/1951 ông được cử sang Quảng Tây - Trung Quốc học lái xe đến năm 1953 thì về nước, thời gian đầu ông lái xe ở Đại đội 208 chuyên vận chuyển hàng hóa vào nội địa. Rồi tháng 6/1953 ông được điều chuyển sang Đại đội 203, bắt đầu từ đây ông trực tiếp tham gia vận chuyển lương thực, súng đạn,…lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn xe vận tải tiến ra mặt trận Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu. Nguồn: MOD.gov |
Theo ông, lúc này đội xe được phổ biến là chuẩn bị cho chiến dịch Trần Đình, chiến dịch rất lớn để đánh Pháp nên ai cũng hăng hái nỗ lực hết mình, lo cho tiền tuyến. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Coi xe như con, quý xăng như máu” nên anh em lái xe trong đơn vị ai cũng cố gắng giữ xe, hàng vận chuyển an toàn.
Trong các chuyến xe bão táp chạy từ hậu phương ra chiến trường ông vẫn còn nhớ như in, mỗi người được giao lái một xe MH, chỉ chạy từ 5 giờ chiều đến lúc trời sáng, hôm nào trời nhiều sương mù thì được chạy thêm, toàn bộ các xe đều lắp đèn gầm để chạy, những hôm sáng trăng tắt đèn để chạy xe nhằm tránh sự phát hiện của địch.
Nhiều lần đang chạy xe, địch bắn pháo sáng, nã pháo, nhưng ông cùng đồng đội vẫn không nao núng, dũng cảm nắm chặt tay lái, dựa vào pháo sáng của địch để nhìn đường mà điều khiển xe. Ông giải thích “pháo sáng của giặc Mỹ mới sợ, vì nó sáng trưng, dễ bị phát hiện, còn pháo sáng của giặc Pháp cứ sáng lập lòe chập chờn nên anh em lái xe không sợ, còn lợi dụng pháo sáng để nhìn đường mà chạy xe”.
Theo ông, đường đi lỗ chỗ hố bom, hoặc bên cạnh vực sâu, vừa chạy xe vừa né đạn pháo của địch. Nhiều đêm đang chạy xe thì bị địch dội bom, pháo, có không ít đồng đội của ông bị trúng bom, pháo, cả xe hàng lẫn người nổ tung. Lúc ấy, chỉ kịp chạy xe ra khỏi vòng nguy hiểm rồi quay lại mỗi người nhặt nhạnh những mảnh vụn vỡ của xe, manh áo đồng đội để tưởng nhớ rồi lại tiếp tục lên đường cho kịp thời gian.
Trong suốt thời gian từ đầu 1953 đến hết chiến dịch Điện Biên ông cùng đồng đội chạy xe liên tục, không đêm nào được ngủ. Kể đến đây, ông chỉ lên đôi mắt, nói, “gần một năm thức đêm chạy xe liên tục không được ngủ nên quầng mắt của tôi thâm đen đi từ đấy đến nay không thấy khỏi. Suốt thời gian chuẩn bị chiến dịch và trong chiến dịch phải chạy xe thâu đêm suốt sáng, ban ngày thì nghỉ ngơi nhưng cũng không ngủ ngon giấc. Chạy đêm nhiều buồn ngủ quá thì chúng tôi mua cà phê hạt về rang thật cháy mang theo bên người thỉnh thoảng nhai cho đắng miệng, cho hết cơn buồn ngủ”.
Ông cho biết, trong thời gian vận chuyển lương thực, súng đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên chỉ duy nhất hai lần ông được chạy xe ban ngày cũng là những kỷ niệm không thể nào quên của đời ông. Lần đầu tiên là vào cuối năm 1953, vận chuyển hàng hóa đến Tuần Giáo, khi quân ta đang truy kích địch rút chạy từ Lai Châu sang Điện Biên.
Lần thứ hai là vào ngày 7/5/1954, ngày hôm đó ông nhận được 3 lệnh. Đầu tiên là lúc sáng sớm tải đạn pháo 105 vào tiếp tế cho quân đội ta đang chiến đấu, với mệnh lệnh là 8 giờ sáng chạy xe thì 10 giờ đạn phải đến nơi. Lúc đến nơi giao đạn xong, ông ngụy trang dấu xe và chui vào hầm chờ xem đánh trận.