Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài cuối

Việt Nam bao giờ cũng là ”Al-Auoăn”!


Ông Khaled Bagdad, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Xyri hồi thập niên 80 của thế kỷ trước đã nói như thế, những anh lính đóng quân tại thung lũng Bekaa của Libăng, cùng nhiều chính khách Arập và những người dân thường từ Vùng Vịnh tới bờ đông Địa Trung Hải, từ biển Đỏ đến Bắc Phi, cũng nói đại ý như vậy trong những lần tiếp xúc với chúng tôi. Tất cả họ đều vô cùng khâm phục lòng dũng cảm, ý chí quật cường và tinh thần tự hào dân tộc của người Việt Nam, cả trong đấu tranh giải phóng đất nước, lẫn hội nhập quốc tế, xây dựng cuộc sống mới.

 

Vẫn còn đấy, những trái tim vì chúng ta…

 

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng chúng tôi không thể quên những năm tháng ấy, khi đất nước ta hàng ngày phải vật lộn với miếng cơm, manh áo thời hậu chiến, còn nhiều nước ở vùng này cũng đang trong cảnh “gạo châu, củi quế”, nhưng, những ông như Khaled Bagdad, các bác sĩ M. Mansour, K. Rasoudad và rất nhiều bạn bè người Xyri khác đã hết lòng lo chạy xin giấy mua gạo, mua dầu ăn, chè uống,v.v, hoặc tự tay chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhóm cán bộ chúng tôi nhiều năm liền, đơn giản vì Việt Nam là “Al-Auoăn” (Số Một), đã hy sinh quá nhiều cho nhân loại!. Và, vẫn còn đó hình ảnh những người dân thường Arập xếp hàng chờ ký Sổ tang, viếng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Đại sứ quán ta ở Xyri hồi tháng 7/1986. Hoặc nữa, có những người Arập rất bình dị, không dư giả nhiều, nhưng muốn chia sẻ với Việt Nam đang oằn mình chống giặc ngoại xâm, đã ký hợp đồng không thời hạn, cho chúng ta thuê hẳn tòa biệt thự ba tầng, chỉ với giá tượng trưng, vài ba đôla Mỹ, để làm văn phòng đại diện. Người Arập là thế, là thông cảm, chia sẻ, là vui, là đau cùng đồng loại. Ở tuổi tóc đã bạc phơ, song “Rafik” Rasoudad (Đồng chí - chúng tôi vẫn gọi ông như thế) đã rưng rưng nước mắt trong một lần được mời đến Hà Nội làm khách Danh dự của Nhà nước ta, dự Quốc khánh 2/9, để các vị Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam tri ân các đại diện của hàng triệu trái tim toàn cầu, luôn kề vai, sát cánh cùng chúng ta. Gặp nhau, ông bảo vừa khóc vì đạo lý thủy chung của người Việt, vừa vì được tận mắt chứng kiến sự bừng tỉnh, trỗi dậy của một đất nước, một dân tộc, nơi những người như ông đã đặt trọn niềm tin.

Việt Nam luôn trong vòng tay hữu nghị của bạn bè Arập.

Cách đây khá lâu, trong lần đến thăm Libi theo lời mời của Bộ Ngoại giao nước này để dự lễ kỷ niệm 10 năm thủ đô Tripôli và thành phố Bengazi bị Mỹ tấn công, ở chỗ nào cũng thế, hễ biết tôi là người Việt, mọi câu chuyện lại chuyển sang chủ đề Việt Nam, và trong đống đổ nát của một tòa nhà, nơi Tổng thống M. Kadafi tiếp đoàn nhà báo quốc tế chúng tôi, ông cũng liên tục nhắc đến Việt Nam, cứ như thể đất nước ấy đang ở ngay bên cạnh ông vậy. Rồi ở Côoét, có lần ông Bộ trưởng Tư pháp đã chia sẻ với tôi nỗi buồn khi buộc phải chứng kiến hai lao động người Việt ra hầu tòa do vi phạm pháp luật địa phương, như thể ông có lỗi, đẩy con cái vào vòng lao lý vậy. Hay tại Irắc dưới thời bị cấm vận, người dân ở đây đã nói với chúng tôi rất nhiều về nghĩa cử cao đẹp của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, gửi chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho họ ngay trong những ngày áp Tết Nguyên đán ở ta. Họ cũng bảo Việt Nam là “Al-Auoăn”, là ”Akhuy-a” (Anh em), không bao giờ bỏ nhau trong hoạn nạn. Rồi một ông Tham tán Công sứ Đại sứ quán Angiêri ở Ai Cập, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 2/9, hai cha con lại mang hoa tới mừng, vì đã hai thế hệ của gia đình ấy hiểu biết, gắn bó với Việt Nam, bây giờ họ muốn con cháu mình cũng như thế, bắt đầu bằng những câu chuyện kể của các nhà báo Việt Nam...

 

Một Việt Nam, một tấm gương thời hội nhập

 

Bẵng đi mấy năm do thay đổi địa bàn công tác, nay trở lại, chúng tôi lại được nghe “Việt Nam - Al-Auoăn”, nhưng bây giờ người ta thường nói thế trong các trung tâm thương mại, các siêu thị khi đứng chờ mua cá basa, tôm đông lạnh, hay hạt điều, gạo, và cả những linh kiện điện tử, phần mềm của Việt Nam. Họ bảo, Việt Nam lại là tấm gương sáng thời mở cửa, hội nhập. Nhiều lúc, tuy chẳng có nhu cầu gì, tôi vẫn ghé siêu thị lớn nhất nhì Cairô, nằm ngay cạnh trụ sở Phân xã TTXVN ở Trung Đông, chỉ để được nghe những câu nói quá quen thuộc ấy, rồi lòng cứ trào dâng một cảm xúc khó tả, dù tóc đã muối tiêu. Có lần, hồi tháng Chín năm ngoái, khi đang nhâm nhi vị ngọt ngào của cảm xúc ấy, bỗng thấy một bà nội trợ Arập tới làm quen - điều rất hiếm thấy ở thế giới Hồi giáo -, chỉ vì “muốn biết rõ sự cố sập cầu Cần Thơ”, đủ thấy người dân xứ này gần gũi và quý mến đất nước ta nhường nào. Ở đây, người ta còn truyền miệng nhau về một điểm du lịch tại thành phố Port Said, bên bờ Địa Trung Hải, nơi Bác Hồ đã tới khi Người đi qua kênh đào Suez, để bây giờ, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp những bác cao niên kể lại sự kiện ấy, đơn giản vì trái tim họ đã cùng nhịp đập với hàng triệu người Việt Nam cả trong hoạn nạn lẫn lúc bình yên.

 

Nhiều người Arập hiểu sâu sắc rằng “Al-Auoăn” ấy, trước hết là những giá trị bất tử của một nền văn hoá, của một tính cách dân tộc, nơi hàng triệu người đã phải ngã xuống, hàng nghìn cây cầu và ngôi nhà bị chìm trong khói lửa chiến tranh, rồi bây giờ là hàng triệu nông dân phải một nắng, hai sương, làm ra những hạt gạo, con cá, để hai từ Việt Nam luôn được gần gũi với họ, từ những bản tin thời sự chiến trận, chuyển sang những chuyến hàng xuất đi năm châu, đến với mọi người, mọi nhà, hay những bãi tắm đẹp như tranh, những chủ nhân thân thiện, mà nhiều người Trung Đông vẫn trầm trồ mỗi khi nhớ lại những chuyến du lịch tới đó. Ở đây, người xưa đã nói trong một câu ngạn ngữ, đại ý được khen đã khó, giữ được lời khen còn khó hơn nhiều, còn bây giờ, các bạn Arập vẫn nói với chúng tôi rằng Việt Nam đã, đang là “Al-Auoăn”, và hy vọng mãi mãi vẫn là như thế!.

 

Phạm Phú Phúc(P/v TTXVN tại Trung Đông)

Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 3
Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 3

Có lẽ không đâu ngoài Trung Đông, lòng hận thù lại đan xen, sâu sắc và dai dẳng đến thế. Khổ nỗi, cùng với thời gian và những biến cố lịch sử, nó cứ chồng chất mãi lên, rồi đẻ ra chiến tranh, sinh ra mâu thuẫn tôn giáo, phe phái, dòng tộc, để cuốn tất cả vào bom đạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN