Bài 3: Hận thù đẻ ra bạo lực và nuôi sống chiến tranh
Có lẽ không đâu ngoài Trung Đông, lòng hận thù lại đan xen, sâu sắc và dai dẳng đến thế. Khổ nỗi, cùng với thời gian và những biến cố lịch sử, nó cứ chồng chất mãi lên, rồi đẻ ra chiến tranh, sinh ra mâu thuẫn tôn giáo, phe phái, dòng tộc, để cuốn tất cả vào bom đạn. Khởi nguồn ở đây là mối thù giữa dân tộc Arập với người Do Thái, giữa đạo Hồi với các tôn giáo khác và giữa các dòng của đạo Hồi với nhau, từ đó, cứ quanh quẩn mãi vòng hận thù-bạo lực-chiến tranh.
Tàn phá, chết chóc là hình ảnh thường thấy ở Dải Gaza từ hơn 40 năm nay. Ảnh: AFP - TTXVN |
Dù thế giới văn minh ngày nay không có chỗ cho hai dân tộc sống cạnh nhau, nhưng như nước với lửa, song nó vẫn cứ thế với người Arập và người Do Thái. Bỏ qua lịch sử cổ đại do khuôn khổ bài báo có hạn, sáu thập kỷ nay, mối hận thù ấy không hề phai nhạt, mà ngược lại, chính nó đã gây thêm những hận thù, mâu thuẫn và chém giết mới cả ở Ixraen và các nước Arập, khiến máu chảy thành dòng, cả vùng luôn khét lẹt mùi thuốc súng.
Trở lại với “nước và lửa”: Chỉ với 60 năm, từ 1948, người Arập và người Do Thái đã 6 lần giao chiến lớn, còn xung đột cỡ dăm bẩy người chết, vài ba chục bị thương, nhiều như cơm bữa, và tất cả đều do mâu thuẫn dân tộc, tranh giành đất đai. Cuộc chiến đầu tiên giữa họ xẩy ra vào sáng sớm 15/5/1948, một ngày sau khi Ixraen lập quốc, mà lẽ ra hôm đó Nhà nước Palextin cũng phải được ra đời theo Nghị quyết 181 của LHQ, nhưng do phía Arập phản đối sự chia đất không công bằng của 181, nên đã xảy ra chiến tranh giữa một bên là các nước Arập, gồm Xyri, Libăng, Gioócđani, Aicập, Irắc, Palextin với Ixraen, hậu quả là đất đai của Palextin bị mất gần sạch vào tay Ixraen và một số nước Arập tham chiến. Thế nên, người Palextin gọi đây là ”Al-Nakba” (Ngày thảm họa), còn Ixraen thì ngược lại, - ngày lập quốc.
Pháp và Anh đã biết lợi dụng lòng thù hận của Ixraen, lôi nước này vào cuộc chiến chống Ai Cập do Tổng thống Gamal Abdel-Nasser quyết định quốc hữu hóa kênh đào Suez, nơi hai nước trên là các cổ đông lớn. Ngày 29/10/1956 quân Ixraen tràn sang Ai Cập, đẩy chủ nhà vào thế thất trận, bị mất cả bán đảo Sinai (là một bên bờ của kênh Suez), lẫn Dải Gaza, nơi Ai Cập “giữ hộ” Palextin sau cuộc chiến 1948. Ngay lập tức, Anh và Pháp mượn cớ, đưa 22 nghìn quân nhẩy vào, dư sức đánh gục đối phương, nhưng bị LHQ, Mỹ và Liên Xô phản đối, đành bỏ dở kế hoạch tái chiếm kênh Suez “hái ra tiền”, và rút quân vào tháng 12 năm đó, sau những thiệt hại không đáng kể, Ixraen cũng phải rút quân theo, trong khi Ai Cập bị mất gần một nghìn quân, nhưng đổi lại, có toàn quyền với kênh Suez.
Nếu hận thù đã giảm, thì 11 năm sau, vào sáng 5/6/1967, quân Ixraen đã không chia làm ba mũi, bất ngờ đồng loạt tấn công đối phương, trước khi Liên minh Arập, gồm Ai Cập, Xyri và Gioócđani, với 465 nghìn quân, gần 3000 xe tăng và hơn 800 máy bay đang chuẩn bị đánh úp họ, gây ra cuộc chiến tranh lần thứ ba, tuy chỉ kéo dài 6 ngày, nhưng lại là cuộc chiến tệ hại nhất với người Arập, vì bị mất quá nhiều đất, từ Sinai, sang Gaza, khu Bờ Tây, thậm chí cả vùng ngoại ô thủ đô Amman của Gioócđani, rồi ngược lên Cao nguyên Gôlan của Xyri. Không chỉ thế, phía Arập bị mất 16 nghìn quân, 10 nghìn người bị thương, so với chỉ có hơn 2 nghìn của đối phương. Ixraen thắng được nhờ một lí do rất quan trọng là Liên Xô lúc bấy giờ và Mỹ không có ý định can thiệp vào chảo lửa này, nhất là Mỹ, đã bắt đầu lâm nguy trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam. Điều rất đáng nói là cuộc chiến này đã chia rẽ mạnh mẽ thế giới Arập, và đẻ ra các phong trào Hồi giáo quá khích ở Trung Đông.
Khi chưa hết hả hê với chiến thắng, đang nghỉ Lễ Yom Kippur (Sám hối), chiều 6/10/1973, Ixraen bất ngờ bị Ai Cập và Xyri thọc sườn, đánh cả từ phía nam lẫn bắc để rửa hận và cố chiếm lại đất đã mất lần trước. Yếu tố bất ngờ, và có phần chủ quan của đối phương, đã giúp người Arập chiến thắng (lúc đầu) trong cuộc chiến thứ tư này, dồn được Ixraen vào thế phòng ngự, giành lại được Gôlan trong…hai ngày đầu, nhưng rồi lại để tuột tay luôn, và lấy lại được một phần bán đảo Sinai,v.v. Cuộc chiến kết thúc vào cuối tháng ấy bằng Nghị quyết 338 của HĐBA LHQ. Ixraen tự nhận thua vì nướng 2.700 quân, đất nước bị xáo trộn, chia rẽ, và mất trắng nhiều tỷ USD, trong khi tại thế giới Arập, kể từ đó, có rất nhiều thành phố, làng mạc được mang tên ”Mùng 6 tháng Mười” để nhớ về “chiến thắng đầu tay” ấy, trong đó có thành phố vệ tinh của Cairô, nơi Phân xã TTXVN tại Trung Đông đặt trụ sở.
Còn hai cuộc chiến nữa, xẩy ra năm 1982 và 2006, đều ở Libăng, tuy nhỏ hơn, nhưng vẫn nằm trong số 6 cuộc chiến khốc liệt giữa Ixraen với các nước Arập, cộng với vô số lần xung đột nhỏ lẻ, và hai Intifada (Cuộc nổi dậy - 1987 và 2000) của người Palextin, đều do hận thù dân tộc truyền kiếp giữa người Arập và người Do Thái, trong khi cuộc chiến tranh Iran-Irắc, và Irắc-Côoét, hay nội chiến ở Libăng, xung đột ở Gaza của Palextin,v.v lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội bộ và tôn giáo, song về sâu xa, nó đều ít nhiều liên quan tới cuộc khủng hoảng quan hệ Arập-Ixraen. Đấy là chưa kể cuộc chiến tranh xâm lược Irắc của Mỹ năm 2003, làm hơn một triệu người chết, ngoài tham vọng dầu lửa của Mỹ, không thể nói nó nằm ngoài mối hận thù dân tộc trong và ngoài vùng.
Thế đấy, hận thù chồng chất, kéo theo chiến tranh và bạo lực liên miên, và như vậy, một Giáo chủ ở Libăng vẫn còn đúng khi nhận định chỉ khi nào Thánh Allah không tạo được sự khác biệt giữa ngày và đêm, Trung Đông mới hết khói lửa chiến tranh. Không! Hy vọng rồi đây ông ta sẽ bị sai, bởi ánh sáng hòa bình, hữu nghị đã tỏa muôn nơi rồi, chả lẽ cứ chừa mãi vùng này sao?
Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại Trung Đông)
Bài 4: "IBM", anh là ai?