Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 2

Những đứa con hư của dầu lửa Trung Đông


Trong những thứ đặc trưng của Trung Đông, dầu lửa luôn đứng hàng nhất nhì, vì trong tổng trữ lượng khoảng 1.150 tỉ thùng dầu của thế giới hiện nay, khu vực này chiếm tới 3/4, với Arập Xêút: 264 tỉ thùng; Iran: 131 tỉ thùng; Irắc: 115 tỉ thùng và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Côoét, mỗi nơi 98 tỉ thùng, v.v, trong khi trữ lượng của Nga, nhà xuất khẩu dầu khí khá lớn trên thế giới, cũng chỉ có 69 tỉ thùng. Cùng với dầu mỏ, ba nước ở Trung Đông, là Angiêri, Cata và Iran chiếm tới 40% trữ lượng khí đốt trên thế giới, đó là chưa cộng thêm những Ai Cập, Irắc rồi Arập Xêút,v.v đều có tên trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới sở hữu loại nhiên liệu ấy.

 

Cảnh lầm than chưa phải đã xa

 

Vẫn còn đấy những trang sử các nước Vùng Vịnh và toàn thế giới Arập nói chung, về cảnh lầm than khi bị nước ngoài đô hộ; về những xóm chài nghèo xác xơ với những người đàn ông đen sạm lặn ngụp mò ngọc trai quanh năm để làm đẹp cho các quý bà ở trời Âu, kiếm đồng tiền còm đã qua nhiều cầu để nuôi sống vợ con; hoặc những tốp người du mục với những đàn cừu vật vờ kiếm ăn trên sa mạc, mà cả hai đều nhìn rõ từng chiếc xương sườn của nhau; rồi những đô thị toàn nhà thấp tè, trát kín mít bằng bùn trộn phân ngựa để chống nóng,v.v. Thế rồi, đùng một cái, dầu khí được “móc” lên, đã làm nơi đây thay đổi tất cả, nhất là diện mạo, để rồi bây giờ ngay cả khách sạn 5 sao cũng bị nhiều người ở đấy chê xoàng; Ôtô dùng hai năm chưa thay là có vấn đề về tài chính, mà toàn xe hạng sang, còn tầm trung không thể tìm được chỗ đứng ở đó, chẳng khác gì áo đi mưa vậy, vì mưa cả năm dồn lại cũng không đủ ướt áo; Đám cưới toàn nội (để thuần chủng nòi giống) được nhà vua bán cho một tòa biệt thự rộng thênh thang với đầy đủ tiện nghi, từ chiếc thảm chùi chân, với giá 1 USD; Hoặc chỉ trong một chuyến công du châu Âu, một ông hoàng Arập đã cho mua 25 nghìn USD toàn áo sơ mi để về tặng mọi người cho vui.

 

Khách sạn 7 sao ở Dubai


Dầu khí phân hóa xã hội

 

Thế đấy, sự giàu có của một bộ phận người Trung Đông nhờ dầu khí, chắc phải kể nhiều ngày cũng không hết, nhưng không phải tất cả đều được thừa hưởng những đồng đôla dầu khí ấy. Ở Nigiêria có một nghịch lí là càng sống gần nơi khai thác dầu, càng nghèo, và sản lượng dầu năm nào càng cao, dân càng đói. Cũng như thế, 60% dân số Ai Cập nghèo khó và mù chữ không còn là chuyện lạ, và người Irắc coi bữa cơm no là cỗ cũng là bình thường ở nơi mà họ chắc phải còn lâu lắm may ra mới được làm chủ mình. Không gì khác, chính nguồn dầu khí tưởng như vô tận kia đã phân hoá xã hội Arập và toàn khu vực Trung Đông nói chung. Nếu gạt sang một bên những từ mĩ miều, như dân chủ, tự do chỉ có trên báo chí, dường như mọi xã hội nơi đây sẽ chỉ còn trơ trọi những thang bậc giàu-nghèo, sang-hèn, vì phú quý không bao giờ dành cho tất cả. Dầu khí đã kéo một bộ phận lên tận mây xanh của sự giàu có, nhưng cũng ấn số còn lại xuống đáy của bần cùng.

 

Dầu khí đẻ ra chiến tranh

 

Không khó gì để nhận thấy chính dầu khí là cha đẻ của hàng loạt cuộc chiến tranh, xung đột trong lịch sử hiện đại ở Trung Đông, từ cuộc chiến Iran-Irắc, đến chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, thứ hai, hay xung đột ở Dafour của Xuđăng, hoặc những lần rải thảm gươm giáo ở Kurdistan thuộc miền bắc Irắc, v.v. Mọi lập luận, kiểu như “đưa dân chủ đến nước nọ, vùng kia; hay loại trừ bạo chúa; rồi giải giáp vũ khí giết người hàng loạt và đưa ánh bình minh tới phía Bắc, v.v..” đều là lừa đảo, giả dối, che đậy một sự thật cũ mèm là các tác giả của những lập luận ấy chỉ muốn vơ được thật nhiều dầu khí của Trung Đông, hoặc từ một vùng miền nào đó trong đất nước mình vào túi tham của họ. Liệu người Cuốc ở Kurdistan thuộc Irắc, hay người bản xứ ở Dafour của Xuđăng một thời có bị chết như rạ không, nếu đấy chỉ là nơi chó ăn đá, gà ăn sỏi? Có phải Mỹ quá lo cho an ninh thế giới trước mối đe doạ hạt nhân (thực ra chỉ là tưởng tượng) của Irắc, đến mức phải điều hơn 150 nghìn quân tới đó, để rồi hơn 4 nghìn người trong số ấy mất mạng, kéo theo hơn một triệu người địa phương đi theo không? Bóng ma bom nguyên tử của Iran có đủ làm cho phương Tây khiếp vía đến như thế chăng, hay chính là an ninh trên eo biển Hormuz, nơi được coi là cuống họng để dầu khí của Trung Đông đi ra nuôi sống nền kinh tế toàn cầu, cũng như nguồn vàng đen vô tận của Iran và toàn Vùng Vịnh? Thế đấy, dầu khí vừa đẻ ra tiền bạc, để những ai đó được sống trên tiền, nhưng nó cũng lại sinh ra chiến tranh, loạn lạc, gây ra hàng triệu cái chết thương tâm, làm cho không ít tộc người, hay cả một quốc gia, một khu vực, bị tan đàn, xẻ nghé, vỡ ra từng mảng, chìm trong nước mắt hận thù, đói nghèo và chết chóc.

 

Cái gì cũng có hai mặt

 

Bất cứ nền kinh tế nào, dù mạnh đến mấy, nhưng nếu chỉ dựa vào một phương thức hoạt động, hay một ngành hàng, mặt hàng, ắt có ngày chao đảo, và dầu khí đối với các nước Trung Đông cũng như thế. Sẽ là không hẳn đúng khi nói rằng nếu một thùng dầu giá đã trên 140 USD, các nước ở đây sẽ bộn tiền, cuộc sống lại lên một nấc nhung lụa nữa. Điều đó có thể chỉ đúng với một bộ phận nhỏ, còn dân chúng, chẳng khác gì các nơi khác, đang phải đối mặt với cơn bão giá, nhất là xưa nay, họ đã quá quen với những nền kinh tế dường như không có lạm phát, và mọi thứ thiết yếu, từ que tăm, mớ hành đến tivi, tủ lạnh, đều nhập tuốt tuột, giá cả ổn định, còn nay, ngay cả các nước giàu có nhất nhì thế giới ở vùng Vịnh cũng đã lạm phát hai con số. Tối lên giường, sáng ra chợ giá bó rau đã tăng gấp rưỡi, giầu mấy cũng choáng, thế nên mới có cảnh chém giết nhau khi xếp hàng mua bánh mì ở đây trong những ngày này. Cách đây mấy năm, khi tới những nơi chỉ cần 1 USD mua được 12 lít xăng, vừa bằng một chai nước tinh khiết 1,5 lít, tôi thấy bình thường, nhưng vừa rồi, khi biết tin các nước vùng Vịnh đang triển khai dự án thuê đất trồng lúa ở tận Inđônêxia, mới ngộ thêm ra cái giá phải trả của nền kinh tế chỉ đứng bằng... một chân.

 

Và nữa, tôi đã gặp những ông chủ Arập chỉ biết ngồi đếm tiền bán dầu, và cũng đã gặp những cậu ấm của họ, tuy học lớp cuối phổ thông, nhưng khi bị tuột dây giầy, cũng không biết xoay xở ra sao, phải gọi người hầu. Hoặc nữa, công sở ở những nơi ấy, chỉ có cấp trưởng là người địa phương, còn lại là lao động nước ngoài, hoặc đã nhập cư, hoặc đang làm thuê. Thế đấy, nguồn thu quá lớn từ dầu khí đã làm cho người ta lười hẳn đi, thụ động đi, kiểu như gà công nghiệp. Thu nhập cao chưa hẳn đã giúp con người và xã hội phát triển toàn diện, đồng đều, là thế!

 

Đúng là cái gì cũng có hai mặt, ngay cả sự giàu sang và tiền bạc.

 

Phạm Phú Phúc(P/v TTXVN tại Trung Đông)


Kỳ sau: Hận thù đẻ ra bạo lực và nuôi sống chiến tranh

 

Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và…  - Bài 1
Trung Đông: Đạo Hồi, dầu lửa, chiến tranh, và… - Bài 1

Có nhiều cách xác định khác nhau về địa lý khu vực Trung Đông, nhưng phần đông đều coi nó là nơi kéo dài từ phần chóp của Tây Nam Á (Iran), quét hết Vùng Vịnh, bán đảo Arập, rồi tràn sang Bắc Phi. Nói cách khác, đây là quê hương của người Arập... còn các dân tộc khác... chỉ là... thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN