Chiều muộn ngày 17/10 năm đó, mọi sự tại quận St. Gilest nghèo nàn của London vẫn diễn ra bình thường như nó vốn vậy. Trong căn phòng tầng hầm của một tòa nhà chật chội nằm trên đường New Street, người phụ nữ Ireland có tên Anne Saville ngồi than khóc bên thi thể của cậu con trai 2 tuổi vừa qua đời hôm trước. Vài người phụ nữ khác túc trực cùng Saville để chờ đợi các ông chồng và con trai lớn của họ, những người đang bươn chải kiếm sống khắp thành phố, trở về nhà để làm tang lễ cho đứa trẻ.
Cùng lúc đó, tại căn hộ tầng trên nhà Saville, bà Mary Banfield đang ngồi uống trà với cô con gái 4 tuổi Hannah. Còn ở chỗ vòi bơm nước phía sau quán rượu Tavistock Arms ngay sát phố Great Russell, cô phục vụ mới 14 tuổi Eleanor Cooper hì hục cọ rửa mấy cái nồi ngay dưới chân một bức tường gạch cao 8 m. Phía bên kia của bức tường là nhà máy nấu bia đen nổi tiếng Meux and Company nơi có ba thùng gỗ ủ bia đóng đai sắt vòng quanh, cao lớn sừng sững như tòa nhà ba tầng.
Thùng ủ bia khổng lồ của Meux and Company. |
Như người ta thường nói bầu trời trước cơn giông bao giờ cũng tĩnh lặng. Chừng 4 giờ 30 phút chiều, quản công nhà máy bia George Crick đi kiểm tra các thùng chứa khổng lồ thì phát hiện đoạn đai sắt nặng chừng 260 kg bao quanh bụng của một thùng bia bị tụt khỏi vị trí. Với 17 năm kinh nghiệm làm việc tại đây, Crick hiểu rõ sự cố trên vẫn thường xảy ra vài ba lần mỗi năm, lại chưa từng gây thiệt hại gì nên ông không quá lo lắng. Sau khi báo lại với chủ nhà máy và được ông này khẳng định rằng “chẳng có gì nguy hại”, Crick viết thư mời thợ ngày hôm sau đến sửa chữa.
Vừa đặt bút viết vào khoảng 5 giờ 30 phút, người quản công nghe thấy một tiếng nổ lớn từ bên trong kho chứa. Lúc đó, ông vội vàng chạy lại xem thì thấy chiếc thùng chứa gần 610.000 lít bia bị bung đai bảo vệ vỡ tan tành. Sức mạnh của hàng trăm tấn bia đổ ào ra phá hỏng van an toàn của hai thùng còn lại, gây ra một vụ nổ dây chuyền.
Bức vẽ mô tả về “trận lũ” hy hữu. |
Trong tích tắc, hơn 1.400.000 lít dung dịch cùng các mảnh vỡ cuồn cuộn chảy về phía bức tường đằng sau nhà máy, nơi mà Eleanor Cooper đang đứng bên dưới. Bức tường gạch giờ chỉ mỏng manh tựa tờ giấy, đổ sập lên cô gái xấu số. Cơn lũ bia tiếp tục tràn vào các con phố chật hẹp, cuốn phăng mọi đồ đạc trên đường. Do đường phố tại đây không có hệ thống thoát nước nên dòng lũ màu đen đặc thoải mái thẳng tiến về những ngôi nhà phía trước. Người dân trèo lên bàn ghế để tránh bị chết ngạt khi “sóng thần” tràn vào nhà. Vô số căn nhà tồi tàn xung quanh nhà máy Meux and Company cũng bị dòng chảy cuồn cuộn phá hỏng.
Chịu thiệt hại nặng nhất là người dân ở phố New Street. Dòng chảy ầm ầm cuốn trôi mẹ con bà Mary Banfield và Hannah đang dùng dở bữa trà chiều, nhấn chìm bé gái 4 tuổi giữa biển bia. Căn nhà cũ kĩ không thể chống lại được sức mạnh của hơn ngàn tấn chất lỏng nên đã sụp xuống, chất gạch đá lên đầu những người ở tầng hầm, giết chết Anne Saville cùng 4 người khác có mặt tại đám tang của con trai cô.
Vốn đã ngập trong cảnh bần cùng, quận St. Giles nay lại ngập trong bia. Những người tham gia công tác cứu hộ - quần áo ướt đẫm thứ chất lỏng đang lên men ấm nóng - lội trong dòng nước cao tới bụng để tìm kiếm các nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát. Họ kêu gọi mọi người cùng giữ trật tự, không nhốn nháo để lắng nghe tiếng rên rỉ của người mắc kẹt. Tờ Bưu điện Buổi sáng London mô tả: "Cảnh hoang tàn xung quanh cho thấy một sự kinh hoàng tương đương với hỏa hoạn hay động đất”. Trong khi những người ở nhà máy hoàn toàn sống sót thì cơn lũ bia đã cướp đi sinh mạng của 8 người vô tội bao gồm phụ nữ và trẻ em. Quan tài của 5 người có mặt tại đám tang nhà Saville, cô phục vụ Eleanor Cooper, bé Hannad Banfield 4 tuổi và Sarah Bates 3 tuổi được đặt cạnh nhau để người dân London tới tưởng niệm và quyên góp tiền lo ma chay họ.
Hai ngày sau thảm họa, một bồi thẩm đoàn tới hiện trường để điều tra về vụ tai nạn. Sau khi đến nhà máy, quan sát thi thể các nạn nhân và lấy lời khai của Crick cùng những người khác, tòa án phán quyết sự việc xảy ra hoàn toàn “do ý Chúa trời” chứ không phải lỗi của con người. Thiệt hại sau cơn “đại hồng thủy bia” ngày 17/10/1814 ước tính khoảng 23.000 bảng Anh (xấp xỉ 1,25 triệu bảng ngày nay). Nhà máy Meux and Company không những thoát trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân mà còn thoát cảnh phá sản do được Quốc hội Anh hoàn trả số tiền thuế 7.250 bảng cho hàng triệu lít bia bị chảy mất.
Số bia “miễn phí” trôi trên đường phố thôi thúc hàng trăm người lấy xô chậu múc về. Có báo cáo viết rằng vài người đã liều lĩnh uống bia bẩn nên danh sách tử vong của sự cố này đã cộng thêm một người chết vì ngộ độc bia ít hôm sau đó. “Trận lụt bia” này tạo ra một cuộc cách mạng thay thế thùng ủ men bằng gỗ sang loại thùng có lót bê tông và kim loại.