MỤC TIÊU NHỎ BÉ "BẤT BẠI"
Sáng ngày 16/8/1956, một cảnh báo đã đến được các kiểm soát viên tại Căn cứ Không quân Oxnard, ngay phía bắc Los Angeles: một máy bay bất hợp pháp đang hướng đến “Thành phố Thiên thần”. Đó là cuộc gọi mà các phi công của Phi đội Tiêm kích Đánh chặn 437 đã chờ đợi trong suốt sự nghiệp của họ. Vài phút sau, một cặp máy bay phản lực chiến đấu gầm rú trên đường băng và lao vút lên bầu trời nhằm hướng mục tiêu đang đến gần.
Những gì xảy ra sau đó là một trong những sự cố xấu hổ và khôi hài nhất trong lịch sử Không quân Mỹ, một vở hài kịch về những sai lầm để lại dấu vết tàn phá trên khắp miền nam California và cho thấy nước Mỹ dễ bị tổn thương như thế nào trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Đó là câu chuyện về “Trận chiến Palmdale”.
Chiếc máy bay lạ xuất hiện trên bầu trời phía nam California vào ngày hôm đó của năm 1956 không phải là chiếc máy bay ném bom nặng nề của Liên Xô đang tìm cách biến Los Angeles thành vùng đất hoang đầy phóng xạ, mà là một thứ nhỏ hơn nhiều: Một máy bay không người lái mục tiêu F6F-5K.
Phương tiện như vậy ngày nay được gọi là UAV hay drone, thuở ban đầu là những quả tên lửa hành trình thô sơ, đóng vai trò là mục tiêu không người lái cho phi công chiến đấu và xạ thủ phòng không. Nhưng trong khi một số chiếc drone được chế tạo đúng mục đích ngay từ đầu, thì những chiếc khác chỉ đơn giản là được chuyển đổi từ máy bay dư thừa có sẵn. Đó là trường hợp của F6F-5K, một phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu hải quân Grumman F6F Hellcat huyền thoại thời Thế chiến thứ II.
Được trang bị thiết bị điều khiển vô tuyến và sơn màu đỏ tươi để dễ nhìn, máy bay không người lái Hellcat được Hải quân Mỹ sử dụng trong nhiều vai trò khác nhau, chẳng hạn như tấn công các cây cầu ở Triều Tiên, thu thập mẫu không khí sau các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và làm mục tiêu cho các tên lửa dẫn đường nguyên mẫu như Sperry AIM-7 Sparrow.
Vào lúc 11h34 ngày 16/8/1956 một chiếc F6F-5K đã được phóng từ Căn cứ Không quân Hải quân tại Point Mugu, cách Los Angeles 30 km về phía tây bắc, để thử tên lửa trên Thái Bình Dương.
Nhưng thay vì bay theo đúng lộ trình đã định, chiếc drone đột nhiên mất liên lạc với bộ điều khiển và đổi hướng về phía đông nam, hướng thẳng đến Los Angeles.
Thật không may, Hải quân Mỹ không có máy bay nào có thể đánh chặn máy bay không người lái; vì vậy, họ đành phải triệu tập phi đội máy bay chiến đấu của Không quân tại Oxnard và thông báo về mối đe dọa đang đến gần.
Để đáp trả, Oxnard điều một cặp máy bay Northrop F-89 Scorpion tiến hành đánh chặn. Được ra mắt vào năm 1950, Scorpion là máy bay đánh chặn hiện đại nhất - máy bay phản lực đầu tiên sau chiến tranh được thiết kế từ đầu để bắn hạ máy bay ném bom hạt nhân của Liên Xô. Có khả năng đạt tốc độ 1.000 km/giờ và độ cao 15.000 mét, máy bay này được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực Hughes E-6 tinh vi và mang theo 104 quả rocket không điều khiển Mark 4 “Mighty Mouse” 2,75 inch gắn trong các khoang chứa ở đầu cánh.
Điều khiển chiếc máy bay đánh chặn đầu tiên trong ngày hôm đó là Trung úy Hans Einstein và quan sát viên radar của ông, Trung úy Clennon Murray; trong khi máy bay thứ hai do phi công Trung úy Richard Hurliman và quan sát viên radar - Trung úy Walter Hale điều khiển.
HƠN 200 QUẢ ROCKET VÔ ÍCH
Bay với chế độ đốt sau hoàn toàn, các máy bay đánh chặn đã đuổi kịp chiếc drone gần Santa Paula, ngay phía đông bắc Los Angeles. Bị cắt khỏi điều khiển vô tuyến, chiếc drone bay thất thường, buộc các phi công phải đợi cho đến khi nó rẽ qua một khu vực không có người ở rồi mới khai hoả.
Chiếc máy bay không người lái từ từ nghiêng qua rìa phía bắc của thành phố và hướng về phía đông bắc qua Fillmore, Frazier Park và cuối cùng là Antelope Valley. Nắm bắt cơ hội, các phi công đã tiếp cận để tiêu diệt.
Hệ thống Hughes E-6 của F-89 cho phép đạn rocktet tự động bắn khi mục tiêu di chuyển vào chùm radar chặn và có thể được thiết lập ở hai chế độ khác nhau: một chế độ bắn từ phía sau và một chế độ bắn từ bên hông. Khi máy bay không người lái liên tục quay, các phi công đã chọn chế độ thứ hai, căn chỉnh hướng bắn và bóp cò.
Không có gì xảy ra. Quay lại để bay qua lần nữa, họ lại khóa mục tiêu, nhấn nút phóng và… vẫn không có gì xảy ra.
Do lỗi thiết kế trong hệ thống điều khiển hỏa lực, tên lửa đã từ chối phóng, buộc các phi công phải chuyển sang chế độ bắn thủ công. Nhưng có một vấn đề: mặc dù máy bay được giao từ nhà máy với kính ngắm quang học, nhưng thiết bị này đã bị loại bỏ vì không cần thiết khi hệ thống điều khiển hỏa lực tự động được lắp đặt. Các phi công không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tin vào bản năng của mình và căn chỉnh hướng bắn tốt nhất có thể.
Vào thời điểm này, chiếc drone đã đổi hướng quay trở lại Los Angeles. Không còn thời gian nữa, một máy bay đánh chặn đã bắn loạt 42 quả đạn rocket đầu tiên - tất cả đều trượt!
Sau đó, máy bay thứ hai tiếp tục tung hỏa lực. 42 quả rocket bay qua ngay bên dưới chiếc máy bay không người lái – một số thậm chí còn nảy ra khỏi đáy thân máy bay – nhưng không quả nào nổ. Khi máy bay không người lái tiến gần đến thị trấn ngoại ô Newhall, cả hai phi cơ đánh chặn đều bắn thêm một loạt 42 quả rocket nữa, nhưng một lần nữa tất cả đều trượt mục tiêu!
Cuối cùng, khi chiếc máy bay không người lái một lần nữa chuyển hướng về Palmdale, các phi công đã bắn một loạt 30 quả rocket cuối cùng, nhưng đáng thất vọng là đều không có kết quả.
Không thể tin được, trong suốt quá trình truy đuổi, các máy bay đánh chặn đã bắn tổng cộng 208 quả rocket, phía trên các khu vực đông dân cư, nhưng mục tiêu của chúng vẫn bay.
Cuối cùng, chiếc máy bay không người lái nhỏ bé màu đỏ “dũng cảm” đã bị tiêu diệt không phải bởi sức mạnh của Không quân Mỹ, mà chỉ đơn giản là do hết nhiên liệu. Nó lao xuống đất cách Palmdale 11 km về phía đông và phá hỏng một đường dây điện trước khi tiếp đất gần Đại lộ P.
Xem tiếp Kỳ cuối: Con đường hủy diệt