Thí nghiệm kỳ dị ghép đầu chó của nhà khoa học Liên Xô

Vladimir Demikhov đã cắt đầu một con chó, giữ đầu còn sống bằng một công nghệ đặc biệt và ghép đầu này vào thân một con chó khác.

Có những thứ trong y khoa mà người ta sẽ coi là chuyện viễn tưởng cách đây nửa thế kỷ. Tuy nhiên, y khoa thời đó cũng thực hiện những điều mà thời nay nghĩ là chỉ có trong tiểu thuyết khoa học. Các thí nghiệm để tạo ra một con chó hai đầu những năm 1950 và 1960 là một trong những điều như thế.

Thí nghiệm ghép đầu chó

Các thí nghiệm đều do nhà khoa học Liên Xô Vladimir Demikhov thực hiện. Ông là một nhà tiên phong trong lĩnh vực ghép tạng. Tiến sĩ Demikhov đi tiên phong trong sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong ghép tạng và thiết kế ra thiết bị hỗ trợ tim cơ khí đầu tiên – tiền thân của tim nhân tạo thời hiện đại.

Chú thích ảnh
Con chó hai đầu trong thí nghiệm của ông Demikhov.

Với thiết bị hỗ trợ tim nói trên, ông Demikhov có thể kiểm soát chức năng tim của một con chó trong vòng 5 tiếng. Đây là một thí nghiệm lần đầu tiên duy trì tuần hoàn trong một con vật mà tim đã bị cắt bỏ. Trước thời ông Demikhov, đây là một điều mà nhiều người cho là bất khả thi.

Tiến sĩ Demikhov cũng nổi tiếng vì đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên năm 1946 ở một con chó. 21 năm sau, ca ghép tim đầu tiên ở người mới được thực hiện. Ca ghép tim trên chó là bước quan trọng để cho ca ghép tim người diễn ra sau này. 

Ông Demikhov được ca ngợi là một thiên tài mà thành công của ông làm nền tảng cho kỷ nguyên ghép tim và phổi thời hiện đại. Mặc dù được ca ngợi trong cộng đồng y học nhưng những đóng góp của ông lại bị công chúng bỏ qua vì những thí nghiệm táo bạo sau này.

Một trong những thí nghiệm đó là chó hai đầu. Vào đầu những năm 1950, nhờ đạt nhiều thành công trong ghép tạng ở chó và ghép nhiều tạng cùng loại vào cùng một con vật, ông Demikhov bắt đầu nảy ra ý tưởng ghép bộ phận giá trị nhất: não.

Ý tưởng của ông đơn giản nhưng gây sốc. Ông muốn chứng minh rằng não, cũng như bất kỳ bộ phận nào khác, có thể được ghép thành công bằng cách cắt đầu con chó, giữ đầu còn sống bằng một công nghệ đặc biệt và ghép đầu này vào thân một con chó khác.

Tổng cộng tiến sĩ Demikhov đã thực hiện thí nghiệm này ít nhất 24 lần với nhiều mức độ thành công khác nhau. Thành công trong bối cảnh này có nghĩa là con chó sống sót, thậm chí còn thể hiện ý thức về những thứ xung quanh và phản ứng trước các kích thích. Sau các ca ghép thành công, các con chó được ghép đầu chết vài ngày sau đó do phản ứng miễn dịch.

Nhiều người nghi ngờ rằng ông Demikhov có thể thực sự thực hiện thành công một quy trình ghép đầu và họ muốn có bằng chứng trực tiếp. Để khiến những người hoài nghi phải tâm phục, ông Demikhov đã mời tạp chí Life ghi tài liệu và chụp ảnh một thí nghiệm năm 1959. Bài báo “Con chó hai đầu của Nga” ghi lại toàn bộ quy trình ghép, gồm quá trình chuẩn bị sơ bộ. Trong bước này, ông Demikhov cho nhà báo xem hai con chó mà ông định ghép vào nhau: Shavka, một con chó cái 9 tuổi và Brodyaga, một con chó lạc không tên tuổi. Trước ca phẫu thuật, ông Demikhov cũng cho nhà báo xem một con chó tên là Palma có hai tim sau ca phẫu thuật ông thực hiện trước đó vài ngày.

Bài báo mô tả quá trình đầu và hai chân trước của Shavka được ghép thành công vào thân của Brodyaga. Ca phẫu thuật thành công và cái đầu bị cắt rời của Shavka thậm chí còn có thể liếm vào ngụm nước từ một cái bát.

Cuối cùng, hai con chó sống được bốn ngày và chết vì biến chứng phẫu thuật. Điều này khiến ông Demikhov bất ngờ vì một số con chó trước đó đều sống tới 29 ngày.

Mặc dù nghiên cứu của ông Demikhov có tiềm năng nhưng thí nghiệm với chó hai đầu của ông phần lớn bị cộng đồng khoa học bác bỏ. Chỉ một số nhà khoa học công nhận, điển hình là nhà khoa học thần kinh người Mỹ Robert White, người đã lặp lại thí nghiệm của ông Demikhov trên khỉ những năm 1970. Mặc dù hai thí nghiệm về cơ bản giống nhau và chứng minh một điều rằng ghép nguyên một cái đầu là hoàn toàn có thể.

Chỉ có một điều khác biệt là ghép đầu khỉ gần giống với quy trình cần thiết để ghép đầu người – mục tiêu cuối cùng của nghiên cứu này. Demikhov gắn đầu một con chó vào thân một con khác vẫn còn sống, còn White ghép đầu một con khỉ vào một thân con khỉ không đầu.

Triển vọng đối với người?

Ông White kết luận rằng thực hiện ca ghép đầu tương tự trên người sẽ sớm khả thi và con người được ghép đầu sẽ sống sót. Ông cho rằng để quy trình ngoạn mục này được thực hiện ở người, cần phải đợi tiến bộ y khoa và sự cho phép về mặt xã hội và đạo đức.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Canavero (phải) và Tiến sĩ Xiaoping.

Một số người cũng nghiên cứu lĩnh vực ghép đầu bất chấp tranh cãi đạo đức. Họ cho rằng quy trình này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho vô số người như những người bị ung thư giai đoạn cuối, bị teo cơ nặng, bị liệt từ cổ xuống, bị suy đa tạng hoặc bất kỳ ai mà não còn đầy đủ chức năng nhưng hệ thống trợ giúp sự sống không có tác dụng mấy…

Nhà phẫu thuật thần kinh người Italy Sergio Canavero từng cho biết ông hi vọng công nghệ này sẽ được thực hiện vào năm 2017. Ông thậm chí đã có người tình nguyện thực hiện ca ghép đầu, đó là Valery Spiridonov, người bị bệnh Werding-Hoffmann khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng khi già đi. Với ông Spiridonov, sẽ tới lúc mà hi vọng sống duy nhất của ông là ghép đầu mình với thân một người hiến. Không muốn người được ghép đầu bị liệt sau khi phẫu thuật, Tiến sĩ Canavero thậm chí còn tìm cách nối lại dây thần kinh nằm trong tủy sống của một con chuột sau khi cắt đầu nó, để con vật có thể kiểm soát cơ thể. 

Ngoài Tiến sĩ Canavero, một người dẫn đầu thế giới về ghép đầu là Tiến sĩ Ren Xiaoping ở Trung Quốc, người đã cùng nhóm nghiên cứu đạt được tiến triển lớn về quy trình ghép đầu. Ông Xiaoping từng nói về vấn đề đạo đức của ghép đầu: “Nhiều người nói ghép đầu không hợp đạo đức. Nhưng bản chất của một người là gì? Một người là bộ não, chứ không phải cơ thể. Cơ thể chỉ là một bộ phận”.

Ông Xiaoping và nhóm của mình đã ghép thành công đầu của nhiều con chuột và các động vật khác vào cơ thể mới, trong đó có ca ghép đầu khỉ. Ca ghép này mất gần 20 tiếng thực hiện và ông cho rằng ghép đầu người sẽ mất thêm 10-20 tiếng nữa.

Dù vậy, Tiến sĩ Xiaoping cho rằng sẽ cần nhiều tiến bộ y học nữa để đảm bảo ghép đầu có tỷ lệ thành công cực kỳ cao. Ông đang tìm cách cải tiến các phương pháp cắt các dây thần kinh nằm trong tủy sống sao cho có thể nối lại các dây này với cơ thể mới với tỷ lệ thành công cao. Ông cũng nghiên cứu cách ức chế hiện tượng đào thải cũng như khả năng duy trì huyết áp cho não trong quá trình ghép để não không bị tổn thương.

Mặc dù còn nhiều trở ngại kỹ thuật và phản đối ghép đầu nhưng Tiến sĩ Xiaoping từng nói hồi tháng 3/2016: “Chúng ta đang tiến ngày càng gần tới mục tiêu ghép đầu người. Tôi không có khung thời gian. Đó là công việc rất phức tạp. Chúng ta không thể nói ghép đầu sẽ diễn ra ngày mai, nhưng tôi cũng không loại trừ khả năng là năm sau”.

Ngày 17/11/2017, ông Canavero tuyên bố trong một họp báo tại Italy rằng ông và Tiến sĩ Ren Xiaoping đã thực hiện thành công ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới trong 18 tiếng. Tuy nhiên, ông Xiaoping cho biết đó chỉ là phẫu thuật mô hình trên xác chết.

Như vậy, tới nay, việc ghép đầu người vẫn chỉ là điều viễn tưởng mà chưa ai từng thực hiện được.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Chuyện chưa biết về bài hát phổ biến nhất thế giới Đêm giao thừa
Chuyện chưa biết về bài hát phổ biến nhất thế giới Đêm giao thừa

Thật ngạc nhiên khi đó không phải là Happy New Year mà lại Auld Lang Syne, một giai điệu dân ca Scotland. Bài hát này là giai điệu truyền thống, nổi tiếng và được hát tại nhiều quốc gia vào đêm giao thừa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN