Thế giới bí mật của “đàn sư tử” săn mafia

Biệt đội Catturandi được gọi là những người đàn ông “không tên, không mặt” vì họ luôn đội mũ trùm kín lúc làm nhiệm vụ để bảo vệ danh tính.

Những chú "sư tử" Catturandi.

Suốt nhiều thập kỷ qua, chính phủ Italy đã không ngừng mở rộng các chiến dịch lùng bắt những kẻ đứng đầu tổ chức tội phạm mafia cộm cán. Giới chức an ninh đã lập ra một biệt đội tinh nhuệ chuyên trách săn lùng các “bố già” với mật danh Catturandi (nghĩa là bắt giữ). Một sĩ quan của Catturandi, tạm gọi là IMD, đã tiết lộ với phóng viên Max Paradiso của hãng tin BBC (Anh) về thế giới bóng đêm nơi ông hoạt động.

Người ta chỉ có thể trông thấy các thành viên Catturandi khi họ công khai bắt giữ một tên mafia. Biệt đội này được gọi là những người đàn ông “không tên, không mặt” vì họ luôn đội mũ trùm kín khuôn mặt lúc làm nhiệm vụ để bảo vệ danh tính. “Chúng tôi thích được gọi là ‘đàn sư tử’ hơn vì điều đó thể hiện con người chúng tôi: hoang dã, tự do và sẵn sàng tấn công ở mọi thời điểm”, IMD nói.

Đội Catturandi có chừng 20 người và họ có lí do rõ ràng để che giấu thân phận mình. Sĩ quan IMD chia sẻ rằng ông không thể thấy thoải mái khi bị những kẻ xấu dọa giết hay gửi một chiếc đầu dê đầy máu me đe dọa tới tận nhà riêng. Hồi thập niên 90, Catturandi từng nhận được hàng loạt tấm hình cảnh cáo chụp lại biển số xe của các thành viên với dấu đỏ gạch chéo. Vài người hoảng sợ rút lui khỏi nhóm, nhưng IMD không thế.

Như thể người nhà

Theo lời kể của nhân vật, các thành viên của “đàn sư tử” không ít lần bị rơi vào trạng thái kỳ lạ. Họ cảm thấy bản thân có mối gắn kết gần gũi với những tên tội phạm mà họ theo dấu. Thực tế, để có thể thu thập đầy đủ chứng cứ cho một lệnh bắt giữ, họ phải nghe lén, bám đuôi chúng suốt nhiều thập kỷ. IMD cho rằng, với một quãng thời gian theo dõi dài như vậy, họ như thể đã trở thành người sống cùng nhà với các đối tượng, nhìn thấy con cái những người này lớn lên và thậm chí có cùng chung dòng cảm xúc với đối tượng.

Trong số những gã bị Catturandi tống vào tù có một bác sĩ ở Palermo. Hắn ta là một người uyên bác. Qua việc nghe lén tay bác sĩ này mà đội đặc nhiệm được hiểu thêm về nền văn học nước nhà. Họ ghi chú, thậm chí thích thú tìm đọc vài cuốn sách mà hắn nhắc đến trong những lần giảng bài không ngừng nghỉ dành cho các con. IMD bộc bạch: “Điều này giống như việc lắng nghe một chương trình phát thanh và chúng tôi đều bị lôi cuốn bởi cách xử sự, lối suy nghĩ cũng như sự sáng tạo của hắn. Thật khó để tin rằng hắn là một tên cướp”.

Catturandi bắt giữ Giovanni Brusca năm 1996.

Hàng tuần sau khi tên tội phạm bị bắt giữ, cảm xúc bên trong các “thợ săn mafia” vẫn chưa thể ổn định. Họ trống trải khi không còn trông thấy hay nghe thấy đối tượng, vốn đã trở thành “một phần trong cuộc sống thường nhật” của họ. Trong hai thập kỷ hợp tác với cảnh sát, IMD đã giúp bắt giữ được gần 300 tên mafia. Trong số đó có Giovanni Brusca, tên tội phạm khét tiếng đã bắt cóc và sát hại cậu con trai 11 tuổi của một tên mafia khác nhằm trả thù cho hành động bội tín. Brusca còn dùng acid hủy hoại thi thể cậu bé để gia đình không thể chôn cất. Khi Catturandi ập vào nhà Brusca, trong đầu IMD loạn nhịp suy nghĩ, ông muốn hỏi hắn cho ra nhẽ vì sao có thể xuống tay tàn độc đến vậy với một đứa trẻ, nhưng cơ hội tiếp cận không cho phép. IMD hồi tưởng lại lúc tóm được Brusca, hắn khóc lóc như một đứa trẻ con. Ngược lại, Bernado Provenzano, trùm của các ông trùm, khi bị tra tay vào còng lại rất trầm lặng. Sau cùng, hắn gầm trong cổ họng: “Mày không biết mày đang làm điều gì đâu” nhưng IMD bỏ ngoài tai, bởi việc bắt được bọn tội phạm, đó mới là vấn đề.

Vào nghề

Brusca là một mấu chốt chính trong vụ án đưa IMD gia nhập hàng ngũ cảnh sát. Ngày 23/5/1992, tổ chức Mafia đã giấu nửa tấn thuốc nổ trên con đường dẫn tới sân bay quốc tế thành phố Palermo để ám sát thẩm phán Giovanni Falcone – quan chức hàng đầu của phong trào chống mafia. Brusca sau này bị phát hiện chính là kẻ nhấn nút kích hoạt khối bom trên, giết chết ngài Falcone. Ngày hôm đó cũng chính là sinh nhật thứ 18 của bạn gái IMD, lúc đó đang là một chàng sinh viên chuyên ngành sinh học. Sĩ quan này kể lại: “Bố cô ấy là đội trưởng đội cảnh sát phản ứng nhanh của thành phố Palermo. Khi vụ nổ xảy ra, máy nhắn tin của tất cả cảnh sát có mặt tại buổi tiệc sinh nhật đồng loạt kêu lên và ai nấy đều rớt nước mắt”.

IMD lúc đó biết mình muốn làm gì. Ngày hôm sau cậu nộp đơn gia nhập lực lượng cảnh sát với mong muốn bắt được càng nhiều tội phạm càng tốt. Tại thời điểm đó, rất ít thanh niên đảo Sicily muốn gia nhập Catturandi, vì công việc này quá nguy hiểm, nên hồ sơ của IMD đã được chấp nhận ngay lập tức. Cậu thanh niên đã bỏ dỡ việc học và hiểu rõ bản thân sẽ bị những người xung quanh dè bỉu vì làm cảnh sát ở hòn đảo sinh ra mafia đồng nghĩa với một sự phản bội ghê gớm.


Hiện trường vụ nổ bom giết chết thẩm phán Falcone, vợ của ông cùng với 3 người vệ sĩ.

Vừa vào nghề, IMD đã được giao nhiệm vụ theo dõi Giovanni Brusca và một số tên trùm khác như Salvatore "Toto" Riina, kẻ chủ mưu vụ đánh bom thẩm phán Giovanni Falcone. Theo đuôi gã Brusca, IMD và một người đồng nghiệp đã tới thị trấn nhỏ Cinisi, gần Palermo. Hai người chủ động kết thân với một nhóm phụ nữ ở thị trấn để tạo vỏ bọc vô hại cho mình.

“Thay vì đưa bạn gái tới những bãi biển đẹp và hôn nhau dưới ánh sao, tôi đưa cô nàng tới toàn nơi khủng khiếp, những con đường cụt đầy rác rưởi… bởi tôi còn phải theo dõi nhân tình của tên nghi phạm. Sau khi đưa cô ấy về nhà, tôi quay lại trụ sở để báo cáo”, sĩ quan này kể lại.

IMD vẫn luôn nói với người thân rằng mình làm ở văn phòng hộ chiếu. Nghề nghiệp thực sự của ông vẫn được giữ kín, cho đến khi toàn bộ cuộc vây bắt Brusca của đội Catturandi được chiếu lên truyền hình. Cô bạn gái nhận thấy nét quen thuộc của một người đàn ông bịt mặt trên tivi. Cô gọi điện ngay cho người yêu để hỏi chuyện. IMD biết không thể giấu mãi được nên đành thú thực và xin nàng giữ bí mật. Cô gái này sau đó đã trở thành vợ của IMD.

Ngày nay, mafia trên đảo Sicily đã không còn sức mạnh khủng khiếp như 20 năm trước, nhưng vẫn gây nhức nhối cho dân đảo và du khách. Chúng biết rằng không thể tùy tiện giết người như xưa, vì vậy mà hệ thống tội phạm này đã phát triển thành một mạng lưới phức tạp giữa chính trị, tài chính và xã hội ở Sicily.

Hoàng Trang
Khi người ta không còn sợ mafia
Khi người ta không còn sợ mafia

Trong nhiều năm ròng, họ đã phải trả tiền "pizzo" (tiền bảo kê) cho mafia bằng những đồng lira, tiền cũ của Italy, và rồi lại tiếp tục trả bằng tiền euro. 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm và có lẽ sẽ mãi mãi như thế nếu như một ngày nào đó, họ không đủ can đảm để tập hợp lại và quyết định phá vỡ luật "omerta" (luật im lặng), tố cáo với cảnh sát về những gì họ đã trải qua trong bao năm, trước sự đe dọa của mafia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN