Thảm kịch tiêm kích Su-15 tự lao xuống biển khi rượt đuổi

Mùa hè năm 1985, một chiếc tiêm kich Su-15 của Liên Xô đã lao xuống hải phận quốc tế trên vùng biển Baltic ngoài khơi Liepaja, Latvia. Thảm kịch này là kết quả của một trong những cuộc chạm trán kịch tính thời Chiến tranh Lạnh.

Chú thích ảnh
Tiêm kích Sh-37 Viggen của Thụy Điển, với hai cánh phụ giúp cơ động nhanh ở tầm thấp. Ảnh: Flickr

Thời điểm đó, cuộc Chiến tranh Lạnh đã trải qua nhiều khoảnh khắc ngày một “nóng”. Những sự cố dọc theo các đường biên giới Đông – Tây diễn ra thường xuyên. Không phận phía trên biển Baltic là một trong những khu vực hoạt động của cả không quân Liên Xô và các nước Bắc Âu. Các tiêm kích Viggen của Thụy Điển thường xuyên bám đuổi máy bay Liên Xô, thậm chí tiếp cận ở khoảng cách chỉ vài mét để chụp ảnh tổ lái thực hành các động tác tấn công giả định nhằm vào tàu sân bay Mỹ. Trong một tình huống như vậy, cuộc chạm trán xảy ra đã dẫn đến thảm kịch với máy bay của Liên Xô.

Ngày 7/7/1985, Bộ chỉ huy quân sự miền nam Thụy Điển phát lệnh cho tiểu đoàn đoàn trinh sát tại Norrköping. Các lực lượng hải quân Liên Xô theo Hiệp ước Warsaw đã tiến hành một cuộc tập trận ở phía đông Biển Baltic và tiểu đoàn trinh sát Thụy Điển được giao nhiệm vụ theo sát cuộc diễn tập.

Hôm đó, phi công Larsoon lái chiếc máy bay trinh sát biển Sh-37 Viggen, sử dụng camera ở mũi máy bay để chụp ảnh các tàu Liên Xô đang tham gia tập trận.

Khi Larsson vừa bắt đầu chụp ảnh, hai chiếc SU-15TM Flagon của Liên Xô xuất hiện, một chiếc áp sát ngay bên hông. Larsson chụp vài bức ảnh chiếc Su-15 có số hiệu "Vàng 36" đang bám theo mình, sau đó trở lại căn cứ để tiếp nhiên liệu.

Trong lần xuất kích thứ hai ngày hôm đó, hai chiếc Su-15 vẫn xuất hiện ngăn cản. Một chiếc tiến lại gần đầu cánh máy bay của Larsson, gây khó khăn cho việc chụp ảnh. Phi công Thụy Điển thực hiện hàng loạt động tác ngoặt và xoắn gấp để thoát khỏi đối phương, nhưng nó vẫn bám sát ở khoảng cách 50 m so với cánh chiếc Viggen.

Xem video hoạt động của các phi đội Su-15 Liên Xô:

Khó chịu vì bị đeo bám, Larsson quyết định thực hiện động tác bổ nhào cực kỳ hẹp ở tốc độ 400 dặm/h từ độ cao chỉ cách mặt biển 500 m. Chiếc Su-15 lao theo.

Tiêm kích Viggen nổi tiếng với khả năng cơ động nhờ cặp cánh phụ nhỏ phía trước mũi. Trong khi đó, chiếc Su-15 lại khá vụng về khi cơ động ở độ cao thấp. Khi chỉ cách mặt nước 100 m, chiếc tiêm kích Viggen bắt đầu lấy lại độ cao và vọt lên. Phi công Su-15 cố gắng bắt chước động tác này nhưng đã quá muộn, chiếc tiêm kích Liên Xô lao thẳng xuống biển, nổ tung thành một quả cầu lửa.

Nhận ra hậu quả nghiêm trọng của vụ việc, Larsson quay về căn cứ. Chứng kiến máy bay đồng đội lao xuống biển, chiếc Su-15 còn lại đuổi theo Larsson như muốn trả đũa. Phi công Thụy Điển bay chỉ cách mặt nước 50 m, bật chế độ tăng lực tối đa để “vượt tường âm thanh” (đạt vận tốc siêu thanh - một tốc độ không dễ duy trì ở độ cao thấp do mật độ không khí cao).

Bị tụt lại phía sau, phi công Su-15 quyết định khóa tên lửa vào máy bay của Larsson. Tuy nhiên, chiếc tiêm kích Liên Xô từ bỏ ý định tấn công, chuyển hướng quay về căn cứ khi phát hiện hai máy bay Viggen khác của Thụy Điển đang lao tới tiếp ứng cho Larsson

Chú thích ảnh
Đội máy bay Su-15TM đã được “nghỉ hưu” từ năm 1991.  Ảnh: Flickr

Phi công Liên Xô thiệt mạng trong sự cố này là đại úy Zhigulyov thuộc Trung đoàn tiêm kích Cận vệ số 54, đóng tại Vainode, Latvia. Các tàu Liên Xô đã tìm kiếm thi thể Zhigulyov trong hai ngày nhưng không thành. Tất cả những gì còn lại của viên phi công xấu số là một mảnh áo khoác dạt vào bờ mãi 10 năm sau đó. Zhigulyov chỉ là một trong nhiều trường hợp thương vong “phi chiến đấu” của cả hai phía trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, với nhiều “trò chơi mèo đuổi chuột”.

Theo các chuyên gia quân sự, sai lầm của Zhigulyov là không lường được hậu quả khi cơ động ở độ cao quá thấp. Mặc dù chiếc Sukhoi Su-15 được thiết kế gọn gàng, hoạt động tốt ở vận tốc lớn, nhưng nó được thiết kế cho các sứ mạng đánh chặn ở tầm cao và không linh hoạt khi ở sát mặt biển.

Nga đã cho nghỉ hưu những chiếc Su-15TM cuối cùng của mình ngay sau khi Liên Xô tan rã như một phần trong chương trình cắt giảm lực lượng theo Hiệp ước Các lực lượng vũ trang truyền thống tại châu Âu. Một số ít máy bay loại này vẫn được Ukraine sử dụng cho đến tận năm 1996.
 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cuộc chiến tay ba tranh giành chiến thuyền chở 17 tỉ USD châu báu
Cuộc chiến tay ba tranh giành chiến thuyền chở 17 tỉ USD châu báu

San José là một trong những con thuyền đắm được săn lùng ráo riết nhất không chỉ vì ý nghĩa lịch sử mà bởi vì nó mang theo một lượng vàng, bạc và ngọc lục bảo trị giá gần 17 tỷ đô la Mỹ!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN