Thầy giáo của Jeff Edwards chỉ vừa mới bắt đầu bài học toán vào đầu giờ sáng thì mọi người nghe thấy tiếng ầm ầm khủng khiếp từ xa vọng lại. Jeff Edwards sau này hồi tưởng: "Điều tôi nhớ được sau khi tỉnh là chân phải của tôi bị kẹt trong bộ tản nhiệt và có nước tràn ra từ đó. Chiếc bàn ghim chặt vào bụng tôi và đầu một bạn gái gục lên vai trái tôi. Cô ấy đã chết".
Trong một tiếng rưỡi tiếp theo, cậu bé Edwards khi đó mới 8 tuổi đã vật lộn để thở trong lúc các bạn học, mắc kẹt trong dòng bùn than đặc quanh, đang kêu khóc quanh cậu. Từng phút trôi qua, “các bạn im lặng dần, im dần…. tất cả bị chôn vùi và nghẹt thở”.
Vào khoảng 11 giờ, ai đó phát hiện ra mái tóc vàng của Edwards giữa đống đổ nát. Một người lính cứu hỏa sử dụng chiếc rìu để giải cứu cậu bé từ bên dưới chiếc bàn và sau đó chuyển cậu qua một chuỗi những nhân viên cứu hộ xếp hàng để đến vị trí an toàn. Edward là đứa trẻ thứ 10 được giải cứu trong buổi sáng hôm đó, và cũng là người sống sót cuối cùng được đưa ra khỏi bãi bùn than khổng lồ.
Thảm kịch xảy ra ngày 21/10/1966 đã giết chết 144 người, trong đó có 116 học sinh trường tiểu học Pantglas ở ngôi làng Aberfan, miền nam Xứ Wales, nước Anh. Điều kinh khủng là thảm kịch này đã xảy ra do lỗi con người, và lẽ ra nó có thể được ngăn chặn.
Giống như mọi ngày, buổi sáng hôm đó, làng Aberfan, với cư dân là khoảng 8.000 công nhân mỏ than và người thân của họ, bị che phủ trong sương mù ẩm ướt. 240 học sinh vừa vào trường nhanh chóng đi bộ về các lớp học, và chẳng mấy em quan tâm đến thời tiết mưa rét. Cuộc trò chuyện của các em hôm đó tập trung vào kế hoạch cho kỳ nghỉ giữa kỳ sắp tới. Sau cuộc họp vào đầu giờ chiều cùng ngày, tất cả học sinh sẽ được ra về, bắt đầu kỳ nghỉ.
Vài năm trước đó, Hội đồng địa phương ở Aberfan đã liên lạc với Ủy ban Than Quốc gia (NCB), nơi điều hành mỏ Merthyr Vale Colliery gần làng, để bày tỏ mối lo ngại về đống bùn thải than khổng lồ tích tụ nhiều nằm, nằm ngay phía trên trường Pantglas.
“Tôi coi đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, bởi bùn thải rất lỏng và độ dốc rất lớn, đến mức nó sẽ không thể giữ nguyên vị trí trong mùa Đông, hoặc sau những trận mưa lớn” – một kỹ sư viết trong lá thư gửi tới NCB vào tháng 6/1963.
Nhưng NCB đã không chỉ phớt lờ những khiếu nại này mà còn đe dọa sinh kế của người dân thị trấn. Họ tuyên bố: “Nếu còn làm ầm ĩ, mỏ sẽ bị đóng cửa”.
Vào thời gian xảy ra thảm kịch, đồng bùn thải đã cao 34 mét so với mặt đất và chứa gần 300.000 mét khối bùn. Nằm trên một con suối ngầm được bao phủ bởi sa thạch xốp, đống bùn thực ra được chứa một cách bấp bênh, và trong thời tiết mưa ẩm kéo dài, độ thấm của nền đất đã trở nên bão hòa.
Lúc 7h30 sáng 21/10, các công nhân giám sát khu vực chứa bùn thải đã phát hiện đống bùn đang trượt đi. Mặc dù nhóm công nhân đã không tiếp tục đổ bùn thải lên nữa, nhưng họ không thể ngăn đống bùn tiếp tục dịch chuyển xuống.
Cuối cùng thì vào 9h15, một trận lở bùn than khủng khiếp đã ập xuống và ào ào đổ xuống ngôi làng bên dưới. Lái xe cẩu Gwyn Brown sau này nói với các nhà điều tra. “Nó bắt đầu chồm lên rất nhanh, với một tốc độ kinh hoàng. Kiểu như nó trào ra do bị nén lâu ngày và biến thành một cơn sóng ào xuống núi”.
“Cơn sóng thần bùn than” cao tới 9 mét này lao nhanh xuống núi với tốc độ trên 130km/giờ. Quét qua một con kênh và bờ kè, sóng bùn than lao vào trường tiểu học Pantraf, phá vỡ các bức tường bao của 4 phòng học, nhốt chặt những người bên trong vào một dòng sông bùn đặc quánh giống như cát lún.
Ngay sau thảm kịch, một sự im lặng đáng sợ bao phủ khắp khu vực. “Mọi thứ đều rất yên tĩnh”, Cyril Vaughan, một giáo viên dạy tại trường trung học gần đó kể lại. “Như thể thiên nhiên đã nhận ra một sai lầm khủng khiếp vừa xảy ra và thiên nhiên đã không nói nên lời”.
Đá vụn và nước từ các đường ống đã vỡ càng làm trầm trọng hơn tình hình vốn đã thảm khốc. Theo lời kể của anh lính cứu hỏa len Haggett, đội cứu hộ khi tới hiện trường nhìn thấy nước đang dâng gần ngập đầu cậu bé Phil Thomas, 10 tuổi, bị mắc kẹt khi đang đi bộ tới trường. Một nhóm 7 lính cứu hỏa cuối cùng đã nâng được bức tường sập đè lên Thomas và cậu trở thành một trong số ít người may mắn thoát chết.
Jeff Edwards, 8 tuổi, được cứu khỏi đống đổ nát vào khoảng 11h và là người cuối cùng được tìm thấy sống sót. Nhưng các bậc cha mẹ, thợ mỏ, cảnh sát, lính cứu hỏa và nhân viên tình nguyện vẫn tiếp tục đào bới đến tận ngày hôm sau vì nghe thấy tiếng khóc của một em nhỏ.
Charles Nunn, một thám tử được giao nhiệm vụ phân loại các thi thể tại nhà xác tạm ở Nhà nguyện Bethania của Aberfan, đã phải lục hết các túi của tử thi để tìm kiếm “một chiếc khăn tay, cái kẹo, hay bất cứ thứ gì có thể giúp nhận dạng nạn nhân”. 15 ngày sau trận lở đất, nhóm của Nunn cuối cùng đã rời Aberfan. Họ xác định được 144 thi thể, trong đó có 116 trẻ em, 5 giáo viên và 23 người dân địa phương. Các nạn nhân trong độ tuổi từ 3 tháng đến 82 tuổi; trong đó 116 học sinh hầu hết đều ở độ tuổi 7 - 11.
8 ngày sau thảm kịch, Nữ hoàng Elizabeth mới đến thăm làng Aberfan. Và nhiều thập kỷ sau này, Nữ hoàng chia sẻ rằng đó là điều mà bà hối tiếc nhất. Sau đó, người đứng đầu Hoàng gia Anh đã trở lại thăm thị trấn Aberfan thêm 3 lần nữa.
Một tòa án được giao nhiệm vụ điều tra thảm họa Aberfan đã công bố kết quả vào ngày 3-8-1967. Trong suốt 76 ngày, bộ phận điều tra đã phỏng vấn 136 nhân chứng và kiểm tra 300 tang vật. Dựa trên những bằng chứng này, tòa kết luận bên duy nhất chịu trách nhiệm về thảm họa là Ủy ban Than Quốc gia - NCB.Tuy nhiên Chủ tịch NCB là Lord Robens đã trơ tráo phủ nhận mọi hành vi sai trái. Ông cho rằng thảm họa xảy do con suối ngầm chưa được biết đến trước đây nằm bên dưới núi bùn than. Ông ta cũng bác bỏ những lời chứng cho rằng núi bùn đã có dấu hiệu dịch chuyển trong những năm trước thảm họa.
Cuối cùng, cuộc điều tra chỉ đi đến việc chỉ trích NCB nhưng không dẫn đến truy tố hay hình phạt nào. Mỏ than Aberfan vẫn tiếp tục hoạt động cho đến tận năm 1989.
Những hình ảnh thương tâm về trận lở bùn than đã gây chú ý trên toàn cầu, và trong những tháng sau đó, các nhà tài trợ đã quyên góp tổng cộng 1.750.000 bảng Anh ủng hộ Aberfan. (Ngày nay, số tiền này tương đương khoảng 25 triệu USD). Nhưng phần lớn số tiền đã không đến được với dân làng. Các bậc cha mẹ ban đầu được hỗ trợ 50 bảng mỗi người, sau đó số tiền được nâng lên 500 bảng. nhưng những vết sẹo tâm lý mà những người sống sót phải chịu đựng thì vẫn còn dai dẳng sau thảm họa.
Edwards, đứa trẻ cuối cùng được đưa khỏi ngôi trường đổ nát, nói với giới truyền thông rằng anh vẫn trải qua những cơn ác mộng sau "nhiều ngày, nhiều tuần và nhiều tháng sau đó". "Tôi sợ tiếng ồn, sợ đám đông, sợ phải đi học. Trong nhiều năm sau đó tôi không dám đi học vì sợ điều gì đó ghê gớm sẽ xảy ra", Edwards cho biết. Còn Melvyn Walker, năm đó 8 tuổi, chia sẻ: "Đến tận bây giờ tôi vẫn thường lo lắng. Mỗi khi nghe thấy tiếng trẻ con, giọng nói của chúng lại nhanh chóng đưa tôi quay trở lại quá khứ kinh hoàng".