Kỳ cuối: Số phận điệp viên cung cấp tin tình báo chính xác điểm Đức tấn côn
1. Diêm Bảo Hàng
Sau lần thu thập được thông tin về việc phát xít Đức tấn công Liên Xô, Diêm Bảo Hàng (ảnh) tiếp tục có những đóng góp hết sức to lớn cho ngành tình báo Trung Quốc. Mùa hè năm 1944, Diêm Bảo Hàng thu thập được một tài liệu vô cùng quý giá. Đó là toàn bộ kế hoạch tỉ mỉ về việc bố trí lực lượng (không quân, lục quân), vũ khí, đồn bốt cũng như phiên hiệu, sĩ quan chỉ huy từng đơn vị được bố trí của quân Quan Đông (Nhật Bản) ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và một số nơi khác. Tài liệu này nhanh chóng được chuyển về Diên An. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nó, Chu Ân Lai đã cho tổng hợp và thông báo cho phía Liên Xô, góp công lớn vào chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trước đội quân Quan Đông hùng hậu của Nhật Bản.
Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập. Diêm Bảo Hàng đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong Chính Hiệp. Trong một thời gian dài, mọi người đều cho rằng Diêm Bảo Hàng là một nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng. Năm 1962, lần đầu tiên, Diêm Bảo Hàng tiết lộ về quá trình hoạt động tình báo bí mật trước đây của mình trong một bản báo cáo. Ngày 6/3/1962, đích thân Chu Ân Lai đã xác nhận một cách đầy đủ và tường tận về những gì mà Diêm Bảo Hàng nêu ra trong báo cáo của mình. Tuy nhiên, sự may mắn đã không mỉm cười với Diêm Bảo Hàng trong Cách mạng Văn hóa, khi ông trở thành đối tượng bức hại của Bè lũ bốn tên (Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn và Diêu Văn Nguyên). Đêm 6/11/1967, ông bị bắt, nửa năm sau thì chết một cách oan uổng trong ngục. Sau khi Bè lũ bốn tên bị đánh đổ, danh dự của Diêm Bảo Hàng được vãn hồi. Ngày 5/1/1978, cốt tro của Diêm Bảo Hàng được đưa về an táng tại nghĩa trang cách mạng Bát Bảo Sơn ở Bắc Kinh.
2. Richard Sorge
Richard Sorge (ảnh) , người mà độc giả Việt Nam được biết qua cuốn sách "Nhà tình báo vĩ đại", sinh ngày 4/10/1895, tại Baku (Adécbaidan), trong một gia đình mẹ là người Nga, cha là người Đức. Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ I, Sorge phục vụ trong quân đội Đức và đã ba lần bị thương. Sự chuyển hướng về tư tưởng của chàng trai hào hoa này lại bắt đầu trong chính những lần được điều trị vết thương tại quân y viện, khi anh có điều kiện tiếp xúc với những cuốn sách của Các Mác. Năm 1919, Sorge trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đức, say mê hoạt động trong phong trào cộng sản quốc tế với một niềm tin sâu sắc. Năm 1924, Sorge sang Mátxcơva và lập tức lọt vào con mắt xanh của các nhà tuyển mộ Xôviết. Từ khi trở thành người của tình báo Liên Xô, Sorge được đặt mật danh Ramsay, hoạt động dưới bình phong phóng viên.
Tuy nhiên, tài năng của Sorge chỉ được phát huy tối đa khi anh chuyển sang công tác tại Nhật Bản. Trước khi bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ II, Sorge là tùy viên báo chí của Đại sứ quán Đức tại Tôkyô. Với phong cách lịch lãm, vốn ngoại ngữ phong phú và một chiều sâu trí thức đáng nể, Sorge nhanh chóng trở thành "người nhà" của giới quan chức ngoại giao Đức đang công tác ở Tôkyô, trong đó có tùy viên quân sự Eugen Ott và nhiều đối tượng trong mục tiêu tình báo tại Nhật Bản. Nhờ vậy, Sorge đã thu thập được không ít thông tin chiến lược cơ mật, trong đó phải kể đến việc khẳng định sự ra đời của Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản III (năm 1936), Hiệp ước Đức-Nhật (năm 1940) và việc quân đội Nhật Hoàng tấn công Trân Châu Cảng. Đặc biệt là Sorge đã sớm báo về Mátxcơva việc phát xít Đức đã lên kế hoạch tấn công Liên Xô cũng như cung cấp chính xác thời điểm quân Đức mở màn chiến dịch Barbarossa. Sorge cũng là người giúp Mátxcơva có được cứ liệu quan trọng khẳng định Nhật Bản sẽ không tấn công Liên Xô, giúp Hồng quân tập trung lực lượng chống lại phát xít Đức.
Những thành công của Sorge trong hoạt động tình báo là không thể phủ nhận. Nhưng chỉ với một sơ suất nhỏ, nhà tình báo vĩ đại này đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Ngày 14/10/1941, Hotsumi Ozaki, một mắt xích quan trọng trong lưới tình báo của Sorge bị bắt. Sorge nhận được một mảnh giấy cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, thay vì đốt đi, Sorge đã vo viên rồi vứt đi. Không may cho Sorge, tờ giấy này lọt vào tay mật vụ Nhật. Cùng với những chứng cớ khác, ngày 18/10/1941, Sorge bị bắt khi đang ở nhà người yêu tại Tôkyô. Ban đầu, an ninh Nhật nghi ngờ Sorge là gián điệp Abwehr (một tổ chức tình báo quân đội Đức), nhưng Abwehr đã phủ nhận điều này. Bất chấp sự tra tấn dã man, Sorge phủ nhận mọi liên hệ với phía Liên Xô và chính điều này đã khiến Sorge không có trong danh sách trao đổi tù binh giữa Mátxcơva và Tôkyô. Ngày 7/11/1944, Sorge bị đưa ra hành hình và người ta không bao giờ quên hình ảnh Sorge hiên ngang ra pháp trường hô vang: "Hồng quân muôn năm! Liên Xô muôn năm!" Đúng 20 năm sau ngày bị tử hình, Sorge được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Minh Thành(Tổng hợp)