Tại sao Liên Xô biết trước việc Đức tấn công nhưng lại bất ngờ? - Kỳ 1

Kremlin đã biết trước, thậm chí là chính xác ngày Đức mở màn chiến dịch Barbarossa, tấn công Liên Xô, nhưng lại rơi vào thế bị động. Kết quả là vào thời kỳ đầu, Liên Xô đã phải chịu những tổn thất vô cùng to lớn, Hồng quân liên tục bị đẩy lui, một phần lớn lãnh thổ rơi vào tay quân Đức. Tại sao vậy?

 

Kỳ 1: Trung Quốc báo trước cho Liên Xô chính xác ngày quân Đức tấn công

 

Chuyện này gắn liền với vị anh hùng tình báo Trung Quốc, Diêm Bảo Hàng, người nước ngoài hiếm hoi vinh dự nằm trong danh sách tuyên dương công trạng nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng phát xít của Nga.

Diệm Bảo Hàng, người đã cung cấp tin
tình báo chính xác thời điểm Đức tấn công Liên Xô


Trở lại lịch sử, ngày 27/9/1931, Diêm Bảo Hàng cùng một số trí thức khác như Lư Quảng Tích, Cao Sùng Dân và Vương Hoa đã đứng ra thành lập Hội cứu quốc kháng Nhật của nhân dân vùng Đông Bắc nhằm tập hợp nhân sĩ lưu vong các giới ở Đông Bắc cùng nhau vạch kế sách kháng Nhật cứu quốc. Ba năm sau, nhận lời mời của Tống Khánh Linh, được sự đồng ý của Trương Học Lương, Diêm Bảo Hàng nhậm chức Bí thư kiêm cán sự Tổng hội xúc tiến phong trào đời sống mới (một "sản phẩm" của Tưởng Giới Thạch và Tống Khánh Linh), cùng Ủy viên trưởng Tưởng Giới Thạch bàn bạc những chuyện đại sự quốc gia. Những năm tháng tham gia lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Nhật, Diêm Bảo Hàng đã tận mắt chứng kiến sự hỗn loạn của đất nước, thói hủ bại của Quốc dân Đảng, dần nhận ra bộ mặt thật trong chiêu bài chống phát xít Nhật của Quốc dân Đảng, quyết tâm từ bỏ con đường cứu dân cứu nước giả hiệu của Tưởng Giới Thạch.


Diệm Bảo Hàng (giữa, hàng đầu) chụp ảnh kỉ niệm với Tổ tình báo ở Trùng Khánh


Ngay sau khi xảy ra cuộc binh biến do hai tướng Quốc dân Đảng căm ghét thái độ ngoan cố "hòa Nhật, tiễu Cộng" của Tưởng Giới Thạch là Trương Học Lương và Dương Hồ Thành lãnh đạo ngày 12/12/1936 (sự biến Tây An), Diêm Bảo Hàng chủ động tới gặp Chu Ân Lai và đưa ra đề xuất được đứng trong hàng ngũ những người cộng sản Trung Quốc. Đích thân Chu Ân Lai đã phê chuẩn ý nguyện gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc của Diêm Bảo Hàng, nhưng yêu cầu Diêm Bảo Hàng phải giữ bí mật thân phận cộng sản của mình, tiếp tục tham gia mặt trận dân tộc thống nhất kháng Nhật dưới vỏ bọc của một nhân sĩ yêu nước vùng Đông Bắc, đặc biệt là phải tìm cách leo cao luồn sâu vào tầng lớp lãnh đạo Quốc dân Đảng.


Thượng tuần tháng 6/1941, khi tham gia một hoạt động lễ tân ngoại giao, Diêm Bảo Hàng có cơ may được nói chuyện cùng hai vị nguyên lão của Quốc dân Đảng là Vu Hữu Nhiệm và Tôn Khoa. Họ cho biết tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức, Quế Vĩnh Thanh, vừa cấp báo về trung tâm rằng nội nhật trong ngày 22/6/1941, quân Đức sẽ mở màn chiến dịch Barbarossa tấn công Liên Xô. Sở dĩ Vu Hữu Nhiệm và Tôn Khoa tiết lộ thông tin "động trời", sẽ gây ra sự thay đổi rất lớn về tình hình quốc tế này cho Diêm Bảo Hàng là do họ rất coi trọng tài năng, tín nhiệm Diêm Bảo Hàng và muốn nghe ý kiến của ông về vấn đề trên. Vô tình nắm được tin cơ mật, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp, Diêm Bảo Hàng lập tức báo cáo Chu Ân Lai, không quên đưa ra những phán đoán của bản thân. Nhất trí với sự đánh giá, phân tích của Diêm Bảo Hàng, ngày 14/6, Chu Ân Lai điện khẩn về Diên An, báo cáo Mao Trạch Đông, đề nghị Mao Trạch Đông trực tiếp thông báo tin quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô cho Điện Kremlin.


Ngày 16/6, thông qua hệ thống liên lạc vô tuyến điện đã thiết lập giữa Diên An và Mátxcơva, Mao Trạch Đông ra lệnh nhanh chóng thông báo tin phát xít Đức chuẩn bị tiến công Liên Xô cho Quốc tế Cộng sản cũng như người đứng đầu nhà nước Liên Xô, Joseph Stalin. Tuy không tin vào tính chân thực của những thông tin tình báo do phía Trung Quốc cung cấp, nhưng Stalin tỏ ra rất cảm động trước "nghĩa cử" của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã gửi điện cảm ơn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Ở một kênh khác, thông qua Lý Chính Văn, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc công tác tại phòng Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, Chu Ân Lai còn báo tin phát xít Đức sẽ tấn công Liên Xô vào ngày 22/6 cho tuỳ viên quân sự Liên Xô tại Trung Quốc, Nicolai Roshchin để Roshchin điện báo về Mátxcơva. Đáng buồn là ngày 14/6/1941, thừa uỷ quyền của Kremlin, hãng thông tấn TASS của Liên Xô đã phát đi thông cáo: Với những tài liệu có được, Liên Xô cho rằng Đức cũng giống như Liên Xô đều đang tuân thủ nghiêm ngặt hiệp ước không xâm lược lẫn nhau (hiệp ước Molotov-Ribbentrop)". Điều đó cho thấy, Kremlin vẫn tin rằng phát xít Đức sẽ không phá bỏ hiệp ước Molotov-Ribbentrop ký ngày 23/8/1939 và việc Đức tấn công Liên Xô chỉ là lời đồn nhảm nhí.


Minh Thành (Tổng hợp)


Đón đọc kỳ sau: GRU - Kẻ tội đồ trong việc phán đoán thời điểm Đức tấn công Liên Xô

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN