Somalia: Cuộc nội chiến dai dẳng - Kỳ 2

Bất chấp sự can thiệp của Mỹ và Liên hợp quốc, xung đột vẫn tồn tại khi đất nông nghiệp và gia súc bị hủy hoại, khiến nạn đói càng nghiêm trọng. Nạn đói giảm đi đôi chút vào năm 1993 khi viện trợ nước ngoài từ từ đến được người dân.

NẠN ĐÓI, CHIẾN TRANH VÀ CAN DỰ QUỐC TẾ

Ngày 26/1/1991, chế độ độc tài của Siad Barre bị Quốc hội Somalia Thống nhất lật đổ sau khi chịu sức ép từ các phiến quân Somalia. Đây là lần cuối cùng một quốc hội chính thức thực hiện quyền lực của mình trong vòng 20 năm. Từ đó đến nay, các thế lực nắm quyền thực sự ở Somalia là các nhóm phiến quân. Nạn đói và bạo lực lan rộng tiếp diễn khi không một phe phái quân sự nào đồng ý với giải pháp phù hợp thay thế Barre. Không thị tộc nào có đủ sức mạnh để nắm quyền kiểm soát hoàn toàn các khu vực đã bị chia rẽ.

Liên hợp quốc quyết định cần phải can thiệp. Năm 1992, họ có mặt ở Somalia để tiến hành viện trợ và bảo đảm các bước tiến tới hòa bình. Phái bộ này có tên UNOSOM. Chỉ riêng giao tranh ở Mogadishu đã làm 25.000 người thiệt mạng và khiến 2 triệu người mất chỗ ở. 800.000 người khác đã phải rời bỏ đất nước sang các quốc gia láng giềng. Liên hợp quốc điều đình một lệnh ngừng bắn vào đầu năm 1992 và các lực lượng của Mỹ đặt chân tới đây vào tháng 12 để duy trì trật tự trong chiến dịch mang tên Khôi phục hy vọng.

Một máy bay Mỹ trên bầu trời Mogadishu

Bất chấp sự can thiệp của Mỹ và Liên hợp quốc, xung đột vẫn tồn tại khi đất nông nghiệp và gia súc bị hủy hoại, khiến nạn đói càng nghiêm trọng. Nạn đói giảm đi đôi chút vào năm 1993 khi viện trợ nước ngoài từ từ đến được người dân. Đây chỉ là một phần của nỗ lực tái thiết Somalia. Vẫn còn cả một xã hội cần được xây dựng lại. Dù đã có ý định phục hồi luật pháp và trật tự, ngoại giao Liên hợp quốc và Mỹ vẫn không đạt được kết quả như mong muốn vì xung đột lại diễn ra ở nhiều khu vực của Somalia.

Đa số các bộ lạc địa phương không ưa các lực lượng Mỹ tại thực địa và bắt đầu chống đối cuộc can thiệp. Bên cạnh bảo đảm an ninh và cung cấp viện trợ, các lực lượng Mỹ bắt đầu tham gia vào chính trị thị tộc. Họ đặt mục tiêu bắt giữ Mohamed Farrah Aidid, một chỉ huy quân sự từng công khai chống đối sự can thiệp của Mỹ. Dần dần, Mỹ bị kéo vào một sứ mệnh chết người, khi viện trợ dần dần biến thành thứ để giải quyết tranh giành quyền lực. Dù đúng hay sai, điều này ngày càng khiến nhiều người Somalia căm ghét sự can thiệp nước ngoài và sứ mệnh “xây dựng đất nước” của họ. Xung đột hơn nữa sẽ sớm xảy ra.

Máy bay UH-1N cất cánh từ Kenya để trợ giúp lực lượng Mỹ ở Somalia.

Mogadishu là một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới. Trung đoàn biệt kích 75 của Mỹ đã nếm trải điều đó vào ngày 3/10/1993. Các tay súng Somalia tấn công bất ngờ lực lượng Mỹ, khiến 19 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong những cuộc giao tranh trên khắp đường phố thủ đô. Được coi là một trong những cuộc xung đột bạo lực nhất đối với binh sĩ Mỹ kể từ chiến tranh Việt Nam, lần đó biệt kích Mỹ đã bị quân nổi dật Somalia kìm chặt trong 17 giờ bằng súng chống tăng và vũ khí tự động. Họ đã bắn rơi hai chiếc máy bay trực thăng UH-60. Trận chiến kết thúc với hơn 500 quân nổi dậy vũ trang Somalia thiệt mạng và khoảng 1.000 người khác bị thương khi quân Mỹ chống trả. Trớ trêu là quân Mỹ đã từ chối sử dụng xe tăng để tạo một hình ảnh hòa bình. Sứ mệnh gìn giữ hòa bình đã biến thành một trận chiến. Vụ việc này cho Mỹ thấy rằng tình hình Somalia không thể đơn thuần giải quyết bằng vũ lực. Quân đội Mỹ rút đi vào ngày 4/11/1994 và sau đó là Liên hợp quốc vào tháng 3/1995 cùng các quốc gia khác. Thời kỳ can thiệp đầu tiên trên thực tế đã kết thúc. Nó đã thành công khi đem đến được một lệnh ngừng bắn nhưng cuối cùng vẫn không thể xây dựng được một nhà nước mới hòa bình, có năng lực. Somalia giờ vẫn phải dựa vào chính mình.

Liên hợp quốc đã giúp ngăn Somalia chìm sâu vào cuộc khủng hoảng nghèo đói. Tuy thế, tình hình xã hội không được giải quyết thích đáng và các thị tộc vẫn là những nhân vật chính trong một quốc gia chia rẽ và yếu ớt. Chiến tranh giữa các thị tộc ở nam Somalia nghiêm trọng đến nỗi các khu vực khác của đất nước ủng hộ ý tưởng độc lập với miền nam. Một trong những khu vực như thế là Puntland ở mũi phía bắc Sừng châu Phi. Vào tháng 8/1998 họ đã đạt được ý nguyện của mình khi Puntland được tuyên bố là một nhà nước tự trị. Nó khác với Somaliland - cùng lãnh thổ ở tây bắc nằm trên vùng thuộc địa cũ của Anh tự mình tuyên bố độc lập vào tháng 5/1991 - vì khu vực này không được quốc tế công nhận và chỉ mang tính bán tự trị. Nó không muốn tách hoàn toàn khỏi Somalia, chỉ là tách mình khỏi chiến tranh thị tộc. Jubaland là một khu vực nữa ở miền nam đất nước muốn thoát khỏi nội chiến, vốn ngày càng tập trung sang trung nam Somalia.


Trần Anh (Tổng hợp)
Somalia: Cuộc nội chiến dai dẳng - Kỳ cuối
Somalia: Cuộc nội chiến dai dẳng - Kỳ cuối

Tới năm 2000, các lãnh đạo thị tộc đã đạt được thỏa thuận dập tắt các phe phái chiến tranh. Tại một hội nghị được tổ chức ở nước láng giềng Djibouti, họ quyết định cựu bộ trưởng tài chính và nội vụ Abdulkassim Salat Hassan sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ lâm thời với hy vọng đưa đất nước trở lại trật tự.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN