Siêu điệp viên Anh trong Thế chiến I

Siêu điệp viên Anh trong Thế chiến I-Kỳ 2: Gia nhập lực lượng tình báo quân sự

Tháng 2/1904, Nhật Bản bất ngờ tấn công vào các tàu của Nga đậu trong cảng Arthur, khơi mào cho một cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia này. Reilly liền chuyển đến sinh sống ở Pari. Trong thời gian ở đây, anh ta đã làm quen với Melille, Trưởng phòng chiến dịch đặc biệt thuộc Lực lượng tình báo quân sự. Melville - bí danh “M” - là người phụ trách mảng thu thập tin tức tình báo nhạy cảm, theo dõi những người nước ngoài tình nghi và tuyển dụng người để ra nước ngoài hoạt động cho tổ chức này. Một trong những người mà Melville nhắm đến là Reilly.

Mansfield Cumming - Chỉ huy đầu tiên của MI6.


Melville đặc biệt quan tâm đến những thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư khai thác dầu lửa ở Iran của công ty William Knox D’Arcy. Reilly ngay lập tức bắt tay vào công việc và tiến hành tiếp xúc với doanh nhân D’Arcy ở Pháp. Reilly thuyết phục được D’Arcy hợp tác đầu tư với chính phủ Anh, sau đó là sự ra đời của công ty dầu lửa Anglo-Persian. Đó là thành công đầu tiên của Reilly trong vai trò của một điệp viên.

Mặc dù công việc mới đang tiến triển tốt đẹp, nhưng đời sống hôn nhân của Reilly lại gặp trục trặc. Cuộc hôn nhân của anh ta với Margaret bị tan vỡ vào năm 1904; mà nguyên nhân là Margaret không thể chịu nổi thói trăng hoa của chồng.

Sau này, Reilly nhập học ở một trường học của Anh. Anh ta hoàn thành một khoá học về kỹ thuật điện tại Trường mỏ Hoàng gia, rồi sau đó học tiếp hai năm ở Trường cao đẳng Trinity, thuộc Trường đại học Cambridge (Anh). Reilly thường tâng bốc về thành tích học hành của mình. Anh ta nói đã từng tốt nghiệp nhiều trường đại học và thậm chí còn được Trường Heidelberg (Đức) cấp bằng tiến sỹ.

Lockhart và Reilly.


Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất bắt đầu vào năm 1914 với việc Đức mở một chiến dịch tấn công ồ ạt vào nước Nga. Cuối mùa hè năm đó, quân Đức xóa xổ hơn nửa quân đoàn 2 của Nga. Thảm họa này không những đã mang lại cho Reilly cơ hội kiếm được hàng triệu đô la Mỹ mà còn khiến anh ta trở thành một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Khởi đầu Reilly là người môi giới giữa quân đội Nga với các nhà sản xuất vũ khí và đạn dược của Nhật và Mỹ.

Được “bạc”, Reilly lại “đỏ” cả tình. Tháng 2/1915, Reilly tiến hành đám cưới với Nadine Zalessky - một cô gái Ucraina gốc Do Thái 29 tuổi cực kỳ thông minh và xinh đẹp. Reilly bị Nadine hút hồn không chỉ bởi vẻ đẹp và trí thông minh hơn người của cô mà còn bởi các mối quan hệ gần gũi giữa cô với những quan chức hàng đầu của Nga.

Reilly huấn luyện ở Trường không quân ở Toronto.


Lúc này, Reilly đang làm việc ở thành phố New York. Anh ta làm quản lý cho công ty Allied Machinery ở Broadway, một công ty chuyên về cung cấp đạn dược, phụ tùng máy móc và các loại hàng hóa khác cho quân đồng minh. Anh ta sống ở New York cho đến tận năm 1917 thì từ biệt vợ con đến Toronto, Canađa để gia nhập Lực lượng không quân hoàng gia (RFC).

Reilly huấn luyện ở Trường không quân ở Toronto trước khi được điều đến Anh. Trong suốt thời gian này, SIS mở một cuộc điều tra kỹ lưỡng về Reilly. Mục tiêu chính của họ là tìm hiểu xem liệu người mà họ đang đặt nhiều hy vọng có sẵn lòng giúp họ thu thập tin tức tình báo ở Nga. Tại thời điểm đó, Đảng Bônsêvích đang nắm quyền điều hành đất nước và thiết lập mối quan hệ hữu hảo với Đức. Đây là điều mà nước Anh và các đồng minh không hề mong muốn.

Người đứng đầu SIS, Đại úy Mansfield Cumming, trực tiếp phỏng vấn Reilly và đã rất hài lòng với những câu trả lời của Reilly. Đến tháng 3/1918, Reilly - điệp viên mới mang bí danh ST1 này của SIS - được cử đến Nga. Đây được coi là sứ mệnh đầu tiên của Reilly trong thời gian làm việc cho SIS và cũng là một trong những sứ mệnh gian nan nhất của anh ta.

Trước khi lên đường, Reilly nhận được những chỉ thị cụ thể nhưng anh ta không nghiêm chỉnh tuân theo. Thay vì đến Archangel như kế hoạch, anh ta đến thành phố Murmansk (Nga). Ngay khi đặt chân đến đây, Reilly đã bị bắt vì không xuất trình được các giấy tờ hợp lệ. Sau một thời gian ngắn bị giam trên con tàu HMS Glory thì Reilly được thả.

Sau đó, Reilly lên đường đi Petrograd và đến tháng 5 thì đặt chân đến Mátxcơva. Ở đây, anh ta đã có một hành động điên rồ khiến cho cuộc đời hoạt động gián điệp của anh suýt bị chấm dứt. Reilly đến điện Kremlin để trình diện với tư cách là một phái viên của Thủ tướng Anh David Lloyd George và yêu cầu được gặp Lênin để thảo luận những mục tiêu và phương hướng của chính quyền Bônsêvích non trẻ. Tất nhiên là Reilly không bao giờ được gặp Lênin, và cố công lắm anh ta cũng chỉ được gặp với trợ lý của Người, Vladimir Bruevich. Reilly không thu thập được mấy thông tin hữu ích từ người trợ lý này của Lênin. Cấp trên của Reilly sau này yêu cầu anh ta giải trình về việc cả gan xuất hiện ở điện Kremlin nhưng anh ta phủ nhận mọi điều.

Sự cả gan của Reilly gần như đã khiến anh ta phải trả giá bằng cả sự nghiệp nhưng may mắn là SIS vẫn quyết định để anh ta tiếp tục nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo. Sau đó không lâu, Reilly tham gia cùng với lực lượng hoạt động bí mật của Anh ở Mátxcơva dưới sự chỉ huy của Robert Bruce nhằm vạch ra kế hoạch lật đổ chính quyền cộng sản của Nga. Người ta không biết chính xác liệu chính phủ Anh có đứng đằng sau kế hoạch này không nhưng một điều chắc chắn rằng hai con người này đã lợi dụng vị trí và các mối quan hệ của họ để xúc tiến hoạt động này.

Kế hoạch của Reilly và Lockhart là tiến hành chia tách Lênin và Trotsky, chính ủy của Lênin, trong một cuộc gặp giữa hai người ở Nhà hát Bolshoi ở thủ đô Mátxcơva vào hôm 6/9/1918 và rồi bắt cóc họ. Người ta không biết ý định của họ là giao nộp Lênin và Trotsky cho quân đồng minh hay thủ tiêu ngay tại chỗ. Tuy nhiên, cơ sở ngầm đã báo cho chính quyền cộng sản về âm mưu này, do đó kế hoạch của chúng bị bại lộ. Cả hai sau này bị kết án vắng mặt vì tội âm mưu ám sát Lênin và bị tuyên án tử hình. Sau khi kế hoạch này đổ bể, Reilly và Lockhart tìm cách chạy trốn khỏi nước Nga.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Kỳ cuối: Sập bẫy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN