Tờ New York Times đưa tin tháng 7/2018, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo người đồng cấp Iran đừng đe dọa nước Mỹ, một lời đáp trả đã được đưa ra, không phải từ nhà lãnh đạo Iran mà từ một nhân vật trong quân đội, thậm chí có lẽ còn quyền lực hơn. “Điều này nằm dưới chức vị của Tổng thống Iran để trả lời ông. Tôi, là một người lính, sẽ trả lời ông”, ông Soleimani tuyên bố.
Ngày 3/1, Tướng Soleimani đã tử nạn trong một vụ không kích do Quân đội Mỹ tiến hành tại Baghdad. Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo xác nhận: "Nhận chỉ đạo từ Tổng thống, quân đội Mỹ đã triển khai một hành động phòng vệ mang tính quyết định nhằm bảo vệ công dân Mỹ ở nước ngoài bằng cách tiêu diệt Qasem Soleimani, Chỉ huy Đơn vị Quds của Iran, tổ chức bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra mọi hành động cần thiết để bảo vệ nhân dân và những lợi ích của mình khi họ ở bất cứ đâu trên thế giới".
Vị tướng này là một nhân vật được người dân cả trong và ngoài nước quan tâm. Không chỉ vì ông phụ trách các chiến dịch tình báo và quân sự tối mật của Iran mà còn là một trong những nhân vật trong giới quân sự có quan điểm cứng rắn nhất. Tướng Soleimani cũng được cho là rất thân thiết với nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, đồng thời được đánh giá là một nhà lãnh đạo tương lai tiềm năng của Iran.
Việc Thiếu tướng Qasem Soleimani có mặt tại sân bay quốc tế Baghdad, Iraq - khi bị trúng không kích và qua đời ở tuổi 62 – không phải điều bất ngờ. Ông chỉ huy lực lượng Quds – đơn vị đặc nhiệm tiến hành các chiến dịch tuyệt mật của Iran ở nước ngoài. Ông được bổ nhiệm vào vị trí này từ cuối thập niên 1990.
Tại cương vị này, Tướng Soleimani được tin là chiến lược gia trưởng đứng đằng sau các hoạt động quân sự của nước Cộng hòa Hồi giáo này tại Syria, Iraq và bất kỳ nơi đâu ở Trung Đông hay còn xa hơn thế. Giới phân tích đánh giá ông là quan chức tình báo quân sự hiệu quả nhất tại khu vực.
Một quan chức tình báo cấp cao Iraq từng nói với các quan chức Mỹ tại Baghdad tằng Tướng Soleimani tự miêu tả bản thân là “người có thẩm quyền duy nhất đối với các hành động của Iran tại Iraq”. Giới chức Mỹ cũng nhìn nhận ông Suleimani là một kẻ thù không đội trời chung.
Sau động thái can thiệp vào Iraq dẫn đến vụ lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein do Mỹ dẫn đầu năm 2003, Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Qasem Soleimani âm mưu tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ và khiến hàng trăm công dân Mỹ thiệt mạng. Vị tướng này chịu trách nhiệm mở rộng ảnh hưởng của Iran tại Iraq cũng như hạn chế hoạt động của Quân đội Mỹ. Chính phủ Iran đã quyết tâm duy trì ảnh hưởng trong khu vực và cảm thấy bị đe dọa bởi sự mở rộng hiện diện của Quân đội Mỹ ở sườn phía Tây và phía Đông.
Năm 2011, Bộ Tài chính Mỹ liệt ông vào danh sách trừng phạt với cáo buộc ông âm mưu sát hại Đại sứ Saudi Arabia tại Washington. Nhưng đôi khi, kẻ thù lại giống như đồng minh, mặc dù mối quan hệ không hề tốt đẹp. Giới chức Mỹ đã hợp tác với vị tướng Iran ở Iraq để chống kẻ thù chung là tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Tại đỉnh điểm của Cuộc chiến tranh Iraq, khi đơn vị Quds dưới sự lãnh đạo của Tướng Soleimani đã cấp vũ trang và đào tạo dân quân Shiite tại Iraq, các cựu quan chức Mỹ tuyên bố vị tướng này đã kích động bạo lực rồi sau đó làm trung gian cho cuộc xung đột, do đó ông đã khiến mình trở nên không thể thiếu và khiến người Iraq bị mất cân bằng.
Theo bức điện tín do ông Ryan C. Crocker viết tháng 6/2008, người sau này là Đại sứ Mỹ tại Baghdad, Tướng Soleimani đóng vai trò trong việc thu xếp một lệnh ngừng bắn cho phép các dân quân Shiite đang bị tấn công ở thành phố Sadr gần Baghdad được rút lui.
Năm 2015, Tướng Soleimani có mặt tại thành phố Tikrit ở miền Bắc Iraq, chỉ huy các dân quân Shiite giành lại thành phố này từ tay IS. Máy bay chiến đấu của Mỹ cũng tham gia chiến dịch trên.
Ông Qasem Soleimani cũng được người dân thường Iran quan tâm. Ông trở nên nổi tiếng trong cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm đẫm máu giữa Iran và Iraq. Là một chỉ huy Vệ binh Cách mạng, ông được biết đến với những nhiệm vụ trinh sát hàng đầu đằng sau chiến tuyến của Iraq.
“Đối với Qasem Soleimani, cuộc chiến Iraq – Iran chưa từng thực sự kết thúc”, ông Crocker từng nói trong một cuộc phỏng vấn. Chẳng người nào có thể trải qua một cuộc xung đột kiểu Thế chiến thứ nhất như vậy mà không bị ảnh hưởng. Mục tiêu chiến lược của ông là một chiến thắng dứt khoát với Iraq, và nếu điều đó là không thể, hãy tạo ra một đất nước Iraq yếu ớt”.