Otto Skorzeny - Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu

Otto Skorzeny - Kẻ nguy hiểm nhất châu Âu - Kỳ cuối: Cuộc giải cứu Mussolini

Suốt 7 tuần sau đó, Skorzeny cùng với bộ phận thu thập tin tức tình báo của Đức truy tìm nơi Mussolini bị giam giữ và lên kế hoạch giải cứu. Trong thời gian đó, người Italia cũng nảy sinh mối nghi ngờ rằng Đức sẽ tiến hành giải cứu tên độc tài này nên đã ba lần chuyển Mussolini đến các địa điểm khác nhau.

Khách sạn Campo Imperatore, nơi giam giữ Mussolini năm 1943.

Lần đầu, Mussolini được chuyển đến một hòn đảo nhỏ có tên là Ponza, ngoài khơi bờ biển thành phố Naples. Sau đó, hắn được đưa đến một hòn đảo nhỏ khác tên là La Maddalena, gần với đảo Sardinia, nơi một trong những tên lính biệt kích của Skorzeny đã phát hiện thấy Mussolini trong một biệt thự nằm tách biệt. Sau khi nhận được tin báo, Skorzeny đã bay đến chụp ảnh khu vực này.

Tuy nhiên, chiếc máy bay của hắn đã bị các máy bay chiến đấu của phe Đồng minh bắn rơi, Skorzeny và tổ lái may mắn được một tàu khu trục của Italia cứu sống. Địa chỉ mới giam giữ Mussolini đã bị Herbert Kappler, tùy viên an ninh Đức ở Rôma, phát hiện ra. Nhân viên sứ quán này đã thu được một bức điện truyền qua sóng vô tuyến tưởng chừng như không quan trọng của cảnh sát Italia đề cập đến công tác chuẩn bị an ninh ở quanh Gran Sasso, ngọn núi cao nhất thuộc dãy núi Apennines ở nước này. Kappler ngay lập tức đoán rằng Mussolini đang bị giam giữ trong một khách sạn được bao phủ xung quanh bởi tuyết (khách sạn này nằm trên đỉnh ngọn núi Gran Sasso). Người ta chỉ có thể tiếp cận vị trí này bằng hệ thống cáp treo chạy từ thung lũng phía dưới.

Chiếc máy bay đưa Otto đi trinh sát đỉnh Gran Sasso.

Vào thời điểm này, Otto đánh giá việc giải cứu phải hết sức khẩn trương, bởi vì ngày 3/9/1943, quân Đồng minh đã tiến đánh Italia. Ngày 8/9, Italia đầu hàng, và một ngày sau đó quân Đồng minh đã đổ bộ lên phía bắc, ở Salerno, gần thành phố Naples. Khi đó, Italia tuy chưa phải là kẻ thù của Đức, nhưng cũng không còn là đồng minh nữa. Một lần nữa, Skorzeny bay trong một chiếc máy bay ném bom để chụp ảnh đỉnh núi Gran Sasso.

Sau khi hắn trở về, một kế hoạch giải cứu Mussolini được nhanh chóng vạch ra. Theo đó, 12 tàu lượn DFS 230, mỗi chiếc chở theo 9 binh sĩ và một phi công, sẽ được các máy bay làm nhiệm vụ kéo tàu lượn thả xuống đỉnh núi Gran Sasso với tốc độ mỗi phút một chiếc. Phi công trên mỗi tàu lượn sau đó sẽ phải vật lộn với gió mạnh và thay đổi chiều trên độ cao gần 3.000 mét để hạ cánh xuống một bãi đất trống hẹp bên cạnh khách sạn.

Xung quanh bãi đất này, bốn bề đều là các vách núi dựng đứng. Khi đã đặt chân lên mặt đất, nhóm lính này sẽ tấn công vào khách sạn, nơi được cho là đang giam giữ Mussolini, và cứu hắn ta ra trước khi lực lượng lính canh ở đó có đủ thời gian hạ sát hắn. Lực lượng thứ hai sẽ đồng thời tiếp cận khu nhà ga cáp treo bằng xe tải và chiếm giữ vị trí này. Mussolini sau đó sẽ được chở đi trên một chiếc máy bay Stork hạng nhẹ.

Thực tế, lực lượng tấn công theo đường tàu lượn có tổng cộng 108 người, gồm 81 lính dù đi trong 9 tàu lượn, Skorzeny cùng 25 binh sĩ dưới quyền và một vị khách đặc biệt. Vị khách đó là Đại tướng Fernando Soleti, chỉ huy lực lượng quân cảnh Italia, bị lính của Skorzeny bắt cóc và buộc phải lên tàu lượn của Skorzeny. Cuộc giải cứu Mussolini diễn ra vào ngày 12/9/1943.

Mussolini được giải cứu.

Tàu lượn của Skorzeny theo kế hoạch bay thứ 2 nhưng chiếc máy bay kéo tàu lượn đi đầu, với người phi công duy nhất biết đường đến đỉnh Gran Sasso, đã không thực hiện được vai trò dẫn đầu. Viên phi công lái chiếc máy bay thứ hai làm nhiệm vụ kéo tàu lượn của Skorzeny đột nhiên thấy mình ở vị trí đi đầu, mà không có bản đồ. Skorzeny sau đó đã dùng một con dao để khoét một lỗ nhỏ phía dưới bụng con tàu lượn. Chiếc lỗ nhỏ đủ giúp Skorzeny định hướng bay đến đỉnh núi Gran Sasso.

Khi những chiếc tàu lượn đã hạ cánh xuống một vị trí gần khách sạn nơi Mussolini đang bị giam giữ, Skorzeny liền đẩy Đại tướng Soleti lên phía trước. Trong khi đang tìm lối vào bên trong khách sạn, Skorzeny trông thấy Mussolini đang nhìn hắn từ một cửa sổ ở tầng 2. Việc này giúp hắn xác định được chính xác nơi cần đến. Skorzeny thét Mussolini chui vào phía trong để tránh đạn lạc, và sau đó cả nhóm đột nhập vào bên trong khách sạn. Những người lính gác vô cùng bối rối khi thấy Đại tướng Soleti quát họ không được bắn. Chỉ chưa đầy một phút sau, Skorzeny đã vào được căn phòng của Mussolini và tước vũ khí của hai người lính canh. Sau khi đã trấn an Mussolini, Skorzeny nói rằng hắn được Adolf Hitler cử đến để giải cứu cho Mussolini.

Chỉ trong vài phút, toàn bộ lực lượng lính canh ở khách sạn và nhà ga cáp treo đã bị tước hết vũ khí. Cùng lúc đó, một nhóm quân Đức khác chiếm được nhà ga cáp treo ở phía dưới thung lũng sau một vụ đấu súng ngắn. Đến thời điểm chiếc tàu lượn cuối cùng hạ cánh, Mussolini đã được hộ tống ra khỏi khách sạn và chiếc máy bay Stork đưa hắn đến một nơi an toàn.

Cả bọn sau đó đã hạ cánh xuống một căn cứ không quân của Đức ở thủ đô Rôma. Tại đây, Mussolini và Skorzeny ngay lập tức được chuyển sang một máy bay ném bom của Đức để đến thủ đô Viên của Áo. Cùng ngày đó, Mussolini đáp máy bay đến gặp Hitler ở Hang Sói (Wolfsschanze).

Sau vụ giải cứu Mussolini, các phương tiện truyền thông của phe Đồng minh cũng bắt đầu nhắc đến Skorzeny như một kẻ nguy hiểm nhất châu Âu bởi sự mưu mô, liều lĩnh và táo tợn của hắn.

Khánh Chi (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN