Nỗi hàm oan của Hoàng hậu Katherine Howard - Kỳ cuối: Âm mưu hạ bệ

Sau 10 năm nghiên cứu, tác giả Elisabeth Wheeler đã đưa ra kết luận rằng Hoàng hậu Katherine là nạn nhân của một âm mưu hạ bệ, trong đó có sự tham gia của Tổng giám mục Cranmer cùng hai nhân vật khác là Thomas Audley và Charles Suffolk. Bà Wheeler cho rằng cần phải bác bỏ những bằng chứng chống lại Hoàng hậu Katherine và xem xét lại chính những người thẩm vấn.


Thomas Culpeper.


Đối với những người theo chủ nghĩa cải cách như Cranmer, việc có một hoàng hậu theo chủ nghĩa tuân giáo như Katherine chẳng khác nào một cú đấm. Hơn nữa, dòng họ Howard vốn bị ghen ghét vì nhiều người cho rằng họ quá tham vọng và tự kiêu.


Chính vì quá nhiệt thành với cải cách tôn giáo và vốn căm ghét dòng họ Howard mà nhiều nhân vật quyền lực quanh Vua Henry đã âm mưu lật đổ Hoàng hậu Katherine. Những người này dường như quyết tâm loại bỏ Katherine trước khi bà kịp sinh cho Vua Henry một con trai kế vị.


Tác giả Wheeler còn cho rằng bản thân Vua Henry cũng là một nạn nhân của âm mưu hiểm ác của chính những người thân cận hòng tước đoạt của ông một hoàng hậu được sủng ái, làm cho ông mất đi cơ hội có thêm người kế vị.


Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy những người thẩm vấn Katherine đã buộc bà đưa ra một lời thú tội không đúng sự thật. Thậm chí, bức thư được coi là “thư tình” mà Katherine gửi Culpeper cũng có thể bị giả mạo. Trong bức thư đó, tám từ đầu tiên được viết bằng nét chữ khác hẳn so với phần còn lại.
Không giống với Hoàng hậu Anne Boleyn, Katherine Howard không được xét xử công khai. Có thể bà là nạn nhân bị cưỡng hiếp khi còn nhỏ, bị quấy rối tình dục và hăm dọa khi là hoàng hậu. Có thể những người gây ra hành động quấy rối với Katherine cũng là nạn nhân của một âm mưu từ những người theo đường lối cải cách. Dù thế nào đi chăng nữa, bà cũng đã bị xét xử không công bằng và sự bất công này còn tồn tại đến tận ngày nay.


Cảnh hành quyết Katherine.


Katherine bị tước ngôi hoàng hậu ngày 23/11/1541 và bị tống giam ở tu viện Syon, Middlesex. Culpeper và Dereham bị hành quyết ở Tyburn ngày 10/12/1541. Culpeper bị chặt đầu còn Dereham bị treo cổ, kéo lê và phanh thây. Đầu của họ bị đặt trên đỉnh cầu London. Nhiều họ hàng của Katherine cũng bị giam trong tháp London. Họ đều bị xét xử, bị kết tội che giấu người phản quốc và bị tù chung thân, tịch thu mọi tài sản.


Trong khi đó, số phận của Katherine vẫn lửng lơ cho đến khi quốc hội thông qua lệnh tước quyền công dân và tịch thu tài sản đối với bà vào ngày 7/2/1542. Với sự chấp nhận của Vua Henry, bà bị coi là mắc tội phản quốc và có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Theo phán quyết, Katherine với tư cách là một đương kim hoàng hậu đã không công khai lịch sử tình dục với nhà vua trong vòng 20 ngày sau khi kết hôn và đã xúi giục người khác cùng mình phạm tội ngoại tình. Bà bị hành quyết lúc 7 giờ sáng ngày 13/2/1542.


Vua Henry không tham dự buổi hành quyết. Nguyên nhân thất bại trong cuộc hôn nhân với Katherine đã khiến ông chán chường. Người ta tin rằng Vua Henry yêu Katherine đắm say và cơn giận dữ cũng như sự ghen tuông đã che mờ mọi thứ tình cảm khác. Sau khi Katherine bị chặt đầu, Vua Henry ngày càng bị sức ép phải tái hôn để có con trai nối dõi. Tuy nhiên, ông không còn cảm hứng bắt đầu một mối quan hệ mới, đặc biệt là sau khi trái tim ông vụn vỡ vì Katherine.


Về vụ hành quyết, người ta kể rằng, đêm trước đó, Katherine đã tập luyện nhiều giờ cách đặt đầu đúng vị trí. Bà đến với cái chết khá bình thản với sắc mặt nhợt nhạt. Lúc lên đoạn đầu đài, bà cần phải có người dìu. Trước khi chết, bà đã cầu xin lòng khoan dung cho gia đình mình.


Theo lời đồn đại, câu cuối cùng bà nói là: “Ta chết khi là hoàng hậu nhưng ta muốn chết khi là vợ của Culpeper hơn”. Tuy nhiên, những lời đồn đại này được xem là không đáng tin cậy.


Katherine bị chặt đầu với một nhát duy nhất. Thi thể của bà được chôn trong một ngôi mộ không đánh dấu trong nhà nguyện St. Peter ad Vincula gần đó. Đây cũng là nơi chôn cất xác của Anne Boleyn và George Boleyn.


Đến thời Nữ hoàng Victoria, người ta đã trùng tu nhà nguyện này nhưng không tìm thấy xác Hoàng hậu Katherine. Có thể vì di hài bà phân hủy nhanh chóng do bà còn trẻ, xương mềm và dễ vỡ vụn. Tuy nhiên, tên của bà được khắc trên bức tường phía tây cùng với tên của những người đã chết trong tòa tháp.


Thùy Dương

Nỗi hàm oan của Hoàng hậu Katherine Howard - Kỳ 2:
Nỗi hàm oan của Hoàng hậu Katherine Howard - Kỳ 2:

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ vài ngày sau đó, Tổng giám mục Thomas Cranmer để một bức thư trên ghế riêng của Vua Henry trong nhà thờ, cáo buộc Hoàng hậu Katherine có hành động lẳng lơ trước khi kết hôn với nhà vua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN