Những điều chưa biết về Malcolm X - Kỳ 1

“Đây là thời điểm cho những chiến binh tử vì đạo, và nếu tôi là một trong số đó thì lý do gia nhập chính là tình huynh đệ. Đó là điều duy nhất có thể cứu được đất nước này”. Những lời phát biểu này được một trong những người Mỹ gốc Phi nổi tiếng và gây tranh cãi nhất ở Mỹ thốt ra chỉ hai ngày trước khi anh bị ám sát.

Tên của anh là Malcolm X, tên khai sinh là Malcolm Little. Nhiều cá nhân, tổ chức và trung tâm nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu về người đàn ông này. Trên thực tế tồn tại rất nhiều bản lý lịch và những bài phân tích sâu sắc về cuộc đời và triết lý sống của Malcolm X.

Kỳ 1: Giấc mơ của Malcolm X

Malcolm X.

Câu chuyện đề cập ở đây tập trung vào những sự kiện, giả thuyết và nghi ngờ xung quanh vụ ám sát Malcolm X và ảnh hưởng của nó đối với thế giới. Cũng giống như mục sư Martin Luther King, Jr., Malcolm X cũng có một giấc mơ. Ban đầu, nó ngập trong giáo lý của sự giận dữ, hận thù và mong muốn độc lập kinh tế cho những người theo chủ nghĩa ly khai. Sau này, giấc mơ đó chuyển hóa thành sự chấp nhận về một tổ chức thống nhất; thay thế hận thù bằng hòa bình; thay thế giận dữ bằng khát khao cháy bỏng cho sự bình đẳng của nhân loại.


Malcolm, con trai của Louise và mục sư Earl Little, sinh ra ở Omaha, Nebraska (Mỹ) vào ngày 19/5/1925. Earl Little là một mục sư theo phái tin lành Baptist, một người ủng hộ tích cực cho Hiệp hội tiến bộ của người da đen toàn cầu (UNIA). Gia đình nhà Little sau này chuyển tới Lansing, Michigan và tại đây ngôi nhà của họ bị đốt cháy một cách đầy bí ẩn. Mục sư Little sau đó dựng một ngôi nhà khác cho gia đình ở East Lansing. Năm 1931, sau một cuộc tranh cãi với vợ, mục sư Earl Little giận dữ đi khỏi nhà. Thi thể của ông ta sau đó được tìm thấy trên đường ray xe điện. Nhà chức trách tuyên bố, nhiều khả năng đây là một vụ tự tử, tuy nhiên cộng đồng người Mỹ gốc Phi tin rằng, ông đã bị sát hại bởi một nhóm ủng hộ cho thuyết người da trắng thượng đẳng.

Mẹ của Malcolm đã làm tất cả để chăm sóc cho 6 người con. Căng thẳng triền miên đã khiến cô bị mất trí và được đưa vào trung tâm điều trị năm 1939. Những đứa con của cô đã được đưa vào các trung tâm bảo trợ khác nhau. Cùng năm đó, giáo viên của Malcolm đã hỏi cậu sau này muốn làm nghề gì. Câu trả lời của Malcolm là luật sư. Vị giáo viên kia, người thường khuyến khích những học sinh da trắng lựa chọn nghề nghiệp, đã nói với Malcolm rằng, luật sư không phải là lựa chọn thực tế cho người da đen. Malcolm, từ một học sinh giỏi đã nhanh chóng mất hết hứng thú và bỏ học khi chỉ hết lớp tám.

Sau khi làm một vài công việc vặt, Malcolm chuyển đến Boston với cô của mình. Ở tuổi 14, cậu chỉ có thể kiếm được những công việc nhỏ nhặt. Cuối cùng, Malcolm được chọn làm nhân viên cho tuyến đường sắt New Haven - nối giữa Boston và thành phố New York. Cơ hội này đã giúp cậu có thể gặp gỡ rất người Mỹ gốc Phi trí thức. Sau khi bị sa thải, Malcolm lại tiếp tục với những việc lặt vặt ở New York và Boston và thậm chí cũng có những hành vi trộm cắp vặt. Sau khi bị bắt vì mang theo vũ khí, cậu bị kết án tù. Trong thời gian hơn 6 năm chấp hành án tù, Malcolm đã tự xác định con đường đi cho mình, theo đó sẽ chuyển sang đức tin của đạo Hồi và trở thành một thành viên của tổ chức Quốc gia Hồi giáo (NOI).

Sau khi ra tù vào năm 1952, Malcolm Little, lúc này cũng được biết đến là Malcolm X, đi tới

Ảnh căn cước của Malcolm Little, cũng được biết dến là Malcolm X, 18 tuổi.

Detroit và bắt đầu tích cực rao giảng cho người Mỹ gốc Phi về lợi ích của đạo Hồi. Malcolm truyền bá giáo lý và quan điểm của mình cho bất kỳ ai muốn nghe, dù trên đường phố hay trong thánh đường. Malcolm nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và yêu quý của Elijah Muhammad, người đứng đầu NOI. Anh được cử đến các thành phố và rao giảng về đạo Hồi, thành lập những thánh đường mới và thuyết phục hàng nghìn người theo Hồi giáo. Hai năm sau, Malcolm X trở thành mục sư của Thánh đường số 7 ở Harlem, New York.

Sau mối bất hòa với Elijah Muhammad và NOI, Malcolm X hiểu rằng mình đang trong tình thế nguy hiểm. Anh đã thành lập tổ chức nhà thờ Hồi giáo hợp nhất (MMI) và tuyên bố cho rằng lãnh đạo của NOI có thể sẽ giết anh: “Họ không thể để tôi sống được… Tôi biết nơi các thi thể bị chôn giấu. Và nếu họ gây sức ép, tôi sẽ cho khai quật một vài chỗ”.

Malcolm X sau đó thành lập tổ chức thống nhất người Mỹ gốc Phi (OAAU) và bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại hệ thống chủ nghĩa tư bản. Anh dự định xây dựng một đảng dân tộc của người da đen cùng với hành trình khắp châu Âu, Trung Đông, Cộng hòa Ảrập thống nhất và châu Phi, những nơi anh muốn bóc trần sự áp bức đối với người Mỹ gốc Phi để thế giới hay biết thông qua phong trào dân tộc Phi thống nhất.

Vào tháng 4/1964, Malcolm X hành hương đến thánh địa Mecca và điều này đã dẫn đến sự chuyển biến thứ hai trong suy nghĩ của anh. Malcolm X gặp gỡ những người có cùng chí hướng đến từ nhiều quốc gia và nhiều chủng tộc, da đen, da nâu, da trắng và tất cả những người con của thánh Allah (theo đạo Hồi). Sự kiện này đã khiến anh chợt nhận ra rằng, ủng hộ sự hợp tác về chủng tộc và tôn giáo sẽ giúp giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc ở Mỹ, xa hơn sẽ dẫn tới một thế giới hòa bình. Ý tưởng và giấc mơ chuyển biến của Malcolm X đã thu được kết quả và sẵn sàng để thực hiện ở cả quy mô quốc gia và quốc tế. Một lần nữa, Malcolm X đổi tên, lần này là El-Hajj Malik El-Shabazz. Và một lần nữa, anh thấy mình đi ngược lại với chế độ. Tuy nhiên, lần này anh sẽ không đơn độc trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng và công lý.

Giống như nhiều người da đen khác, Malcolm X lớn lên ở xã hội Mỹ thời kỳ xã hội Mỹ bị phân hóa sâu sắc bởi hiện tượng phân biệt chủng tộc. Thời đó, nhiều người Mỹ không thích những thay đổi đang diễn ra trong những năm 1920 này, đặc biệt là làn sóng nhập cư nhiều sắc tộc ồ ạt vào Mỹ.

Những người nhập cư này cạnh tranh việc làm, lương lậu với người da trắng ở Mỹ trong khi người da trắng tìm cách kháng cự lại cái mà họ coi là sự đồng hóa này. Từ tâm lý đó đã làm xuất hiện tư tưởng phân biệt với người nhập cư da màu.

Một số muốn thanh lọc nước Mỹ và đòi ngăn người nhập cư da màu vào Mỹ bằng luật. Phản lại, nhiều phong trào đòi dân quyền rầm rộ đã nổ ra, trong đó hàng triệu người da màu giận dữ đòi thay đổi. Để đập tan sự phân biệt chủng tộc, thanh niên da màu đã chiếm lĩnh các quán bar, tổ chức phong trào Freedom Rides buộc hệ thống giao thông công cộng phải chấm dứt tình trạng phân biệt người da đen, da trắng.



Nguyễn Bình(còn tiếp)




Những điều chưa biết về Malcolm X -Kỳ cuối
Những điều chưa biết về Malcolm X -Kỳ cuối

Nhiều thập kỷ trôi qua kể từ buổi chiều tháng 2 định mệnh năm 1965 và câu chuyện xung quanh cái chết của Malcolm X vẫn là điều bí ẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN