Để tăng cường vũ khí cho chiến trường miền Nam, để đánh thắng kẻ thù xâm lược, hàng trăm chuyến tàu “không số” đã qua đường biển đưa vũ khí vào chiến trường Nam Bộ. Gấp rút xây dựng các bếnXuất phát từ thực tiễn cách mạng miền Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 15 chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Từ đó, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định tổ chức tuyến vận tải bộ trên đường Trường Sơn và tuyến vận tải trên biển để chi viện lực lượng, vũ khí trang bị cho miền Nam đánh Mỹ - ngụy.
Để giữ được bến và nơi cất giữ vũ khí an toàn, ông Khưu Ngọc Bảy cùng với các chiến sỹ của Đoàn 962 đã phải chiến đấu rất gian nan. |
“Vào tháng 7/1959 đã có quyết định mở đường trên biển nhưng do chưa có bến để cho tàu cập vào nên quá trình triển khai đường biển bị dừng lại. Khi đó, Trung ương chỉ thị cho Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo cho các tỉnh ở Nam Bộ chủ động chuẩn bị bến bãi và tổ chức các thuyền vượt biển ra Bắc, vừa thăm dò, nắm tình hình địch và nghiên cứu tuyến vận chuyển trên biển, vừa nhận vũ khí chở về phục vụ cho chiến trường Nam Bộ”, ông Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 962, kể lại.
Sau khi có chủ trương mở đường vận chuyển vũ khí trên biển, nhiều chuyến tàu của miền Nam đã vượt biển ra Bắc. Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, khu vực Nam Bộ có 5 tàu vượt biển ra Bắc thành công gồm Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh và Bà Rịa. Qua báo cáo của các thuyền Nam Bộ, Trung ương thấy chưa đủ điều kiện vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Bộ Quốc phòng quyết định cử thuyền của Cà Mau trở về trinh sát, nắm tình hình trên biển, báo cáo phương án mở bến của Trung ương cho Khu ủy Khu 9 và chuẩn bị bến.
Vào tháng 4/1962, sau khi nghe báo cáo lại chỉ thị của Trung ương về chuẩn bị mở bến và tổ chức lực lượng chuyển vũ khí từ miền Bắc vào bằng đường biển, Khu ủy Khu 9 đã giao cho đồng chí Bông Văn Dĩa đi nghiên cứu các đảo trong vịnh Thái Lan và các sông, rạch ven biển huyện Duyên Hải (tỉnh Cà Mau) để xem nơi nào tổ chức tiếp nhận được.
“Lúc đó, ta có ba phương án mở bến: Thứ nhất, hàng sẽ được chở vô các đảo giấu tại đó rồi sau đó chuyển vào bờ; thứ 2 là thả hàng xuống biển cho ghe ra mò lên; thứ 3 xây dựng các bến cảng trong nội địa. Sau khi khảo sát thấy phương án một và phương án 2 khó thực hiện, chỉ có phương án 3 là thuận lợi nhất. Vào tháng 6/1962 các đồng chí thống nhất báo cáo với Khu ủy tình hình khảo sát đảo, khảo sát Vàm Lũng và đề nghị chọn Vàm Lũng làm bến đón tàu vào. Vàm Lũng là nơi thuận tiện nhất cho việc tổ chức bến vì đây là vùng đất bồi không có cồn cát chắn ở ngoài, tàu từ 30 -50 tấn có thể vào được, lại có rừng che phủ và nhiều kênh rạch dễ đưa hàng cất giấu. Hơn nữa, đây còn là nơi nhân dân một lòng trung thành với cách mạng , cái nôi của khởi nghĩa Hòn Khoai", ông Khưu Ngọc Bảy cho biết thêm.
Ngày 11/10/1962, Trung ương đã quyết định cho tàu Phương Đông 1 xuất phát từ Đồ Sơn - Hải phòng đưa 30 tấn vũ khí vào miền Nam. Chỉ sau 6 ngày, tàu Phương Đông 1 đã vào bến Vàm Lũng - Cà Mau an toàn. Theo tính toán, nếu thồ theo đường bộ với 30 tấn vũ khí đó thì phải sử dụng lực lượng lên đến 1.500 người hoạt động liên tục trong 6 tháng, chưa tính đến những khó khăn thiệt hại trên đường.
Thắng lợi của tàu Phương Đông 1 đã chính thức mở thông tuyến vận chuyển chiến lược trên Biển Đông, chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Từ thắng lợi này, Trung ương Cục đã chỉ đạo cho các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh và Bà Rịa gấp rút xây dựng các bến, đồng thời quyết định thành lập đơn vị mới lấy phiên hiệu là Đoàn 962. Đoàn 962 có nhiệm vụ xây dựng các bến đón nhận hàng quân sự do tàu từ miền Bắc chuyển vào, lập kho tàng cất giữ và vận chuyển đến chiến trường Nam Bộ. Từ đó hàng loạt các chuyến tàu của “đoàn tàu không số” đã vào được các bến của Đoàn 962 mà kẻ địch vẫn chưa phát hiện được manh mối nào.
Phân phối cho chiến trường miền Nam Từ đầu tháng 3/1963, mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón tiếp các tàu của các bến Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh và Bà Rịa đã được báo cáo lên trên. Nhưng tại Cà Mau, tàu Đông Phương 1 còn nằm lại chưa ra được vì địch chưa kết thúc chiến dịch "Sóng tình thương". Mặt khác, sau trận thắng Ấp Bắc, lực lượng vũ trang Khu 8 lại rất cần vũ khí, trang bị, vì thế theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Đoàn 759 được lệnh cho tàu vào Bến Tre. Tuy nhiên, khi tàu vào Bến Tre thì phát hiện có tàu tuần tiễu của địch đang hoạt động bên trong. Để tránh sự kiểm soát của chúng, thuyền trưởng cho tàu vòng xuống phía Nam vào bến Trà Vinh. Tuy không phải là bến đón chính nhưng do chuẩn bị tốt, nên bến Trà Vinh đã tổ chức đón tàu vào bến đầu tiên an toàn. Ngay sau khi địch kết thúc chiến dịch "Sóng tình thương" lần lượt các con tàu Phương Đông 1, 2, 3 cũng rời bến Cà Mau ra Bắc lấy vũ khí vận chuyển về bến an toàn.
Tại Bến Tre, sau nhiều tháng trông chờ, chưa nhận được chuyến tàu nào vào chi viện trực tiếp thì đến giữa tháng 6/1963 nhận được chỉ thị của Trung ương chuẩn bị đón tàu từ Bắc vào, thời gian dự định từ ngày 12 -15/6 tàu sẽ vào đất liền nếu thuận lợi. Thế nhưng vì gặp bão nên con tàu này không vào theo đúng dự định. Đến 10 giờ ngày 17/6 con tàu cập bến. Buổi chiều trong ngày, tàu được đưa vào bến Mương Lộ rạch Khâu Băng (bến A101), ẩn mình kín đáo sau 2 ngày đêm giao nhận xong 100 tấn hàng an toàn.
“Bến A101 tại Bến Tre được Ban chỉ huy Đoàn 962 trực tiếp giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận tàu miền Bắc chuyển vũ khí, vật chất phục vụ chiến đấu gồm tiền, vàng, thuốc trị bệnh, tài liệu mật; đồng thời nhận hàng từ Trà Vinh đưa sang, khi có yêu cầu cho phương tiện đến Trà Vinh nhận hàng từ Cà Mau chuyển về; trường hợp cần thiết, trực tiếp đến nhận tại Cà Mau. Đặc biệt, bến còn làm nhiệm vụ đón đưa cán bộ cao cấp và những đồng chí được phân công từ Trung ương về miền Nam theo con đường biển trong các chuyến tàu. Bến A101 có trách nhiệm đưa hàng tại kho và hàng trung chuyển ra cung cấp nhanh chóng, kịp thời cho ba quân khu và 10 tỉnh, thành. Đây là công tác trọng tâm của đơn vị”, Đại tá Lê Thành Lâm kể.
Theo ông Khưu Ngọc Bảy, kể từ ngày thành lập đến cuối năm 1971, Đoàn 962 đã tiếp nhận 124 chuyến tàu với 6.545 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam. Trong đó nhiều nhất là Cà Mau (58 chuyến), kế đến là Bến Tre (27 chuyến) với hơn 2.000 tấn. Trực tiếp chuyển từ miền Bắc về Khu 9 với 750 tấn hàng, vũ khí được đưa đến đúng nơi, đúng lúc làm cho địch bất ngờ vì phá vỡ ý đồ chiến lược của chúng.
Không chỉ có nhiệm vụ đón các con tàu “không số”, tiếp nhận vũ khí, các bến này còn thực hiện một nhiệm vụ hết sức khó khăn đó là bảo quản và vận chuyển vũ khí đến các chiến trường miền Nam. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Đoàn 962 phải tổ chức một lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ bến bãi căn cứ vận chuyện.
“Việc bốc dỡ, vận chuyển từ tàu đưa nhanh đi phân tán về kho chính là trách nhiệm của đội thuyền và kho. Đội thuyền bảo vệ và hỗ trợ bằng cách dùng phương tiện gắn máy chuyên chở, đồng thời kéo giúp các ghe của kho khi đến phạm vi giới hạn bí mật, phần còn lại như chuyển hàng vào vị trí và bảo quản, kiểm kê, phân loại do đội kho làm, tuyệt đối không ai được đến. Từ đây, phân phối theo lệnh cấp trên chỉ có cán bộ chiến sỹ đội kho thực hiện. Việc tiếp đón đưa tàu vào bến là khó khăn nguy hiểm, song chuyển súng đạn vào kho bảo quản, bảo vệ giữ bí mật, tổ chức đưa nhanh ra chiến trường phục vụ chiến đấu càng vất vả, nặng nhọc và có tính chất quyết định đến nhiệm vụ của đơn vị", Đại tá Võ Văn Lục, Đại đội bảo vệ cụm bến Bến Tre nói.
Đánh giá về tầm quan trọng của các bến trong việc giữ vũ khí và vận chuyển vũ khí về chi viện cho các chiến trường miền Nam, Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) nói: “Sự chi viện kịp thời của miền Bắc thông qua mọi con đường, đặc biệt là đường biển đã tạo ra những chiến thắng vang dội trên khắp chiến trường Nam Bộ. Chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, đánh hạm đội nhỏ trên sông Hàm Luông, làm chìm tàu địch trên sông Lòng Tàu và những trận đánh lớn nhỏ khác đã tạo những chuyển biến thuận lợi, từng bước phát triển của lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Bài và ảnh: Đan Phương