Chỉ một tuần trước, chính phủ Syria vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Vậy điều gì khiến mọi thứ sụp đổ nhanh chóng như vậy?
Cuộc nổi dậy bắt đầu khi nào?
Vào ngày 27/11, một liên minh các tay súng đối lập đã phát động một cuộc tấn công lớn nhằm vào lực lượng chính phủ.
Cuộc tấn công đầu tiên diễn ra tại tiền tuyến giữa Idlib do phe đối lập kiểm soát và tỉnh lân cận Aleppo.
Ba ngày sau, lực lượng đối lập chiếm được thành phố Aleppo lớn thứ hai Syria.
Ngày 8/12, phe đối lập Syria đã tiến vào thủ đô Damascus vào rạng sáng. Hàng trăm binh sĩ chính phủ đã được yêu cầu rút khỏi Sân bay quốc tế Damascus, thay quân phục bằng quần áo thông thường.
Phe này đã chiếm các kênh truyền hình nhà nước và kiểm soát thủ đô Damascus. Trên sóng truyền hình, một người đàn ông mặc quân phục, được các tay súng vũ trang bảo vệ, đã đọc tuyên bố, gọi là “Tuyên bố số 1”, trong đó khẳng định các nhóm đối lập đã chiếm được thủ đô Damascus. Các nhóm đối lập cũng tuyên bố đã phóng thích toàn bộ tù nhân.
Truyền hình nhà nước Syria cùng ngày đã phát tuyên bố chiến thắng của phe đối lập Syria và chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad đã sụp đổ.
Cùng lúc, một thông báo của phe đối lập Syria cho biết lực lượng này đã mở cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng của người Kurd ở thị trấn Manbil, phía Bắc Syria.
Sau khi giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lực lượng đối lập Syria đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô. Theo thông báo, lệnh giới nghiêm sẽ được áp đặt từ 16h hôm trước đến 5h sáng hôm sau (theo giờ địa phương).
Ai đứng sau cuộc tấn công?
Được đặt tên là Chiến dịch Ngăn chặn Xâm lược, cuộc tấn công này được tiến hành bởi nhiều nhóm vũ trang đối lập của Syria do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu, cùng sự hỗ trợ của các phe phái thân Thổ Nhĩ Kỳ.
HTS - do Abu Mohammed al-Julani lãnh đạo - là lực lượng lớn nhất và có tổ chức nhất, đã cai trị tỉnh Idlib trong nhiều năm trước khi diễn ra chiến dịch này.
Các nhóm khác tham gia bao gồm Mặt trận Giải phóng Quốc gia, Ahrar al-Sham, Jaish al-Izza, Phong trào Nour al-Din al-Zenki và các phe phái thân Thổ Nhĩ Kỳ thuộc nhóm Quân đội Quốc gia Syria.
Syria đã hoàn toàn thất thủ?
Có thể coi chính phủ Syria hoàn toàn thất thủ dù lực lượng đối lập chưa tiến vào Lattakia và Tartous - hai tỉnh ven biển được coi là thành trì của ông al-Assad.
Phe nổi dậy tiến quân nhanh chóng và chỉ trong vài ngày, họ chiếm được Hama và Homs, thành phố từng được gọi là “Thủ đô cách mạng” vào những năm đầu của cuộc chiến.
Vào ngày 7/12, Deraa - nơi khởi nguồn phong trào nổi dậy năm 2011 - cũng trượt khỏi quyền kiểm soát của chính phủ.
Quân đội Syria thông báo đang tái bố trí tại tỉnh này và khu vực lân cận Sweida, nhưng mọi nỗ lực dường như không mang lại kết quả.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, binh sĩ Syria đã rút khỏi các vị trí ở Quneitra, gần cao nguyên Golan.
Tại sao chính của Syria lại sụp đổ nhanh như vậy?
Syria gặp khó khăn khi nền kinh tế sụp đổ. Ông al-Assad không được lòng dân khi người dân, kể cả binh lính, ngày càng khó khăn trong cuộc sống.
Binh lính và cảnh sát đã bỏ trốn khỏi vị trí, giao nộp vũ khí và tháo chạy khi phe đối lập tấn công.
Về mặt quân sự, chính phủ Syria đã suy yếu trong nhiều năm, phụ thuộc vào hỗ trợ quân sự của Nga và Iran. Tuy nhiên, Nga đang tập trung vào cuộc chiến Ukraine, còn Iran và đồng minh Hezbollah bị thiệt hại sau các cuộc tấn công của Israel. Do đó, họ không thể cứu vãn quân đội Syria đang lung lay.
Ông al-Assad hiện ở đâu?
Hiện không ai biết ông al-Assad ở đâu.
Bộ Ngoại giao Nga chỉ xác nhận ông al-Assad đã từ chức và rời khỏi đất nước sau khi chỉ thị chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Theo lời Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali, ông al-Assad và Bộ trưởng Quốc phòng Ali Abbas đều đang ở những địa điểm không được tiết lộ. Ông al-Jalali đã mất liên lạc với họ vào tối 7/12.
Theo Rami Abdel Rahman, Giám đốc SOHR, ông al-Assad rời Syria qua sân bay quốc tế Damascus khi nơi này còn được quân đội bảo vệ. Ngay sau đó, binh lính rời đi và lực lượng đối lập đã chiếm được sân bay.
Trong khi đó, Thủ tướng al-Jalali vẫn ở lại, phát biểu với báo chí vào sáng 8/12 rằng ông vẫn ở đây để đảm bảo mọi thứ tiếp tục vận hành.
Xem video các lực lượng nổi dậy chiếm giữ sân bay quân sự ở thành phố Hama của Syria. Nguồn: Reuters.
Phản ứng của các bên
Bộ Ngoại giao Iran ngày 8/12 ra tuyên bố nêu rõ sẽ tiếp tục tham vấn với tất cả các bên có ảnh hưởng trong vấn đề Syria, đặc biệt là các nước trong khu vực. Tuyên bố của Bộ trên khẳng định Tehran tôn trọng sự thống nhất và chủ quyền của Syria, và người dân Syria là chủ thể quyết định tương lai của đất nước cũng như các quyết sách ảnh hưởng đến định mệnh của quốc gia này. Iran sẽ tiếp tục ủng hộ các cơ chế quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về theo đuổi tiến trình chính trị tại Syria.
Bộ Ngoại giao Qatar ngày 8/12 cảnh báo Syria không được để tình hình xấu đi và trở thành hỗn loạn. Qatar cho biết đang theo dõi sát tình hình tại Syria và nhấn mạnh cần thiết phải duy trì các thể chế quốc gia và thống nhất của nhà nước.
Về phần mình, Quốc vương Jordan Abdullah II ngày 8/12 khẳng định chính phủ Jordan “sát cánh cùng người anh em Syria, tôn trọng ý chí và lựa chọn của họ”. Tuyên bố của Hoàng gia Jordan cho biết, phát biểu trước Hội đồng An ninh Quốc gia, Quốc vương Abdullah II nói rằng cần bảo vệ an ninh và người dân của Syria, đồng thời cần nỗ lực hướng tới ổn định, tránh không để bất cứ xung đột nào có thể khiến tình hình lâm vào hỗn loạn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt giao tranh và yêu cầu các bên tại Syria đảm bảo một tiến trình chuyển giao hòa bình, tập trung vào đoàn kết. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định Paris duy trì cam kết với an ninh Trung Đông.
Về phần mình, Đặc phái viên về Syria của Liên hợp quốc, ông Geir Pedersen nhấn mạnh nguyện vọng của hàng triệu người dân Syria là một cuộc chuyển giao ổn định. Ông cũng đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Doha để thảo luận về các phương án ổn định tình hình tại Syria.
Trước tình hình trên, Nhà Trắng đã ra tuyên bố cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến bất ngờ ở Syria và đang giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác trong khu vực.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng cuộc tấn công của các nhóm vũ trang đối lập ở Syria đã được lên kế hoạch cẩn thận từ lâu “nhằm thay đổi tình hình trên thực địa, để thay đổi cán cân quyền lực”. Ông nhấn mạnh Moskva sẽ ủng hộ chính quyền hợp pháp Syria.
Tiếp theo sẽ ra sao?
Điều đó vẫn chưa rõ. Các nhà phân tích chỉ ra rằng Syria có nhiều tiềm năng, nhưng cũng đối mặt với nguy cơ lớn nếu các bên không hợp tác.
Thủ tướng al-Jalali nói trong một tuyên bố qua video rằng nội các của ông sẵn sàng đối thoại với phe đối lập và bàn giao các chức năng của chính phủ cho một chính phủ chuyển tiếp.
Ông al-Jalali phát biểu trên tài khoản Facebook của mình: “Đất nước này có thể trở lại bình thường, xây dựng mối quan hệ tốt với các nước láng giềng và thế giới … nhưng điều này phụ thuộc vào bất kỳ lãnh đạo nào được người dân Syria lựa chọn”.
Về phần mình, lãnh đạo HTS tuyên bố trên mạng xã hội: “Các cơ quan công quyền sẽ tiếp tục được Thủ tướng giám sát cho đến khi chính thức bàn giao”.