Kỷ niệm 68 năm cách mạng tháng Tám và quốc khánh 2/9:

Nhà sử học Trần Huy Liệu -Người soạn thảo Quân lệnh số 1 cho Tổng khởi nghĩa

Trong những tháng năm bị tù đày ở Côn Đảo, Trần Huy Liệu(ảnh) đã tiếp thu chủ nghĩa cộng sản, tuyên bố li khai Quốc dân đảng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người cộng sản. Từ đây, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng cũng như nền sử học nước nhà.



Trong hồi ký của mình, Trần Huy Liệu (1901-1969) đã khẳng định rằng, trong cuộc đời tham gia cách mạng, ông đã hai lần được sống trong những giây phút sung sướng nhất, đó là khi thảo Quân lệnh số 1 phát lệnh tổng khởi nghĩa toàn quốc của Ủy ban Kháng chiến trong Cách mạng tháng Tám và nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn khi cách mạng thành công. Được sống trong khoảnh khắc lịch sử trọng đại của cách mạng, của dân tộc cũng là vinh dự lớn lao mà ông có được trong cả cuộc đời mình.


Về việc thảo Quân lệnh số 1 phát lệnh tổng khởi nghĩa, trong hồi ký ông viết: “Đêm 13/8, trong một căn nhà lợp lá, tôi được đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) ủy quyền cho thảo bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa. Mặc dù ngồi dưới ngọn đèn tù mù, những con tầm xuân, con thiêu thân bay quanh tới tấp, muỗi và dĩn thi nhau đốt làm tôi nhiều lúc nẩy người lên hay đập chân bành bạch, tôi vẫn say sưa nghĩ đến cảnh nước mất, dân nhục từ hơn tám mươi năm, nghĩ đến sự nghiệp cách mạng của mấy thế kỷ qua; những cuộc khởi nghĩa của Văn thân, của Việt Nam Quốc dân Đảng cho đến ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì vậy “Bản Quân lệnh số 1 lúc ấy tôi thảo một mạch, đọc đi đọc lại vẫn không sửa chữa một chữ nào. Viết xong tôi trao cho anh Văn… Thế là cuộc tổng khởi nghĩa đã phát động”.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN


Sau Đại hội quốc dân ở Tân Trào, ông trở về Hà Nội, khi ấy Hà Nội đã giành được chính quyền. “Xe chúng tôi vào Hà Nội dưới một rừng cờ và biểu ngữ. Ký ức của tôi hôm nay cũng không còn nhớ được hôm ấy vào ngày nào, chỉ áng chừng là ngoài 20/8. Còn cảm tưởng của tôi ra sao? Chỉ nhớ là sung sướng quá đến nỗi ngây ngất cả người. Trước khi về Bắc Bộ phủ, xe chúng tôi còn vòng qua một lượt phố xá để thấy quang cảnh Thủ đô ngày Tổng khởi nghĩa”.


Những ngày đầu khi cách mạng mới thành công, theo chỉ định của Trung ương Đảng và Chính phủ Lâm thời, phái đoàn do ông làm trưởng đoàn cùng với đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận được cử vào Huế để nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Ông thay mặt cho Chính phủ Lâm thời còn đồng chí Nguyễn Lương Bằng thay mặt cho Mặt trận Việt Minh.


Ngày 25/8/1945, phái đoàn lên đường. Trên suốt chặng đường, nhất là từ Thanh Hóa trở vào, tới Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, nhân dân biết có phái đoàn đi qua đều ra đứng ở hai bên đường chào đón rất đông. “Tôi tưởng tượng những ngày ấy, nhân dân không còn ai ở nhà mà ra cả đường để đón phái đoàn Chính phủ Lâm thời… Những vật từ trước vẫn được coi là thiêng liêng như kiệu ngũ hành, kiệu long bình, kiệu bát cống, hương án, đầu ngũ sự, cờ đại, cờ vía, cờ đuôi nheo tại các dinh, phủ, đền, miếu đều được khuân hết cả ra ngoài đường, ngoài đồng để đón rước phái đoàn Chính phủ”. Đáp lại sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân, phái đoàn liên tiếp phải dừng lại nói chuyện. Việc nói chuyện với nhân dân do mình ông đảm trách. Vì nói chuyện ở ngoài đường, không có loa hỗ trợ nên ông phải đứng trên một cái bàn kê tạm để có thể nói to nhất. Câu chuyện vắn tắt đại loại là: nhân dân ta khổ vì thực dân và phong kiến thống trị đã lâu, nay bọn thực dân đã đổ rồi, vua quan phong kiến cũng đã hết thời rồi. Chính phủ Lâm thời là chính phủ của nhân dân ta dựng lên, nay vào Huế để bắt Bảo Đại thoái vị. Có nơi khi nghe xong thì đánh lên một chập trống, kèn, thanh la, chũm chọe; có nơi một cụ già còn trao cho ông bài thơ bằng chữ nho viết trên giấy hồng điều chúc mừng chính phủ mới,…


Khi đoàn cách thành phố Huế 12km đã gặp ông Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền văn phòng của Bảo Đại ra đón, Bảo Đại khi ấy đang ở hoàng thành. Phái đoàn đã đề ra các điều kiện cho việc nhận lễ thoái vị của Bảo Đại với ông Phạm Khắc Hòe: “1-Sau khi đến điện Kiến Trung gặp Bảo Đại, chúng tôi sẽ nói cho biết ngày làm lễ thoái vị và nghi thức thủ tục của buổi lễ này. 2-Sau khi làm lễ thoái vị, Bảo Đại sẽ phải ra khỏi hoàng cung, chỉ được đem theo những đồ dùng riêng, còn những tài sản, vật liệu trong hoàng cung sẽ do Ủy ban Hành chính Trung Bộ làm biên bản và bảo quản. 3-Những lăng tẩm của hoàng tộc nhà Nguyễn là công trình của nhân dân xây dựng nên phải là tài sản của nhà nước. Họ nhà Nguyễn được đến đây cúng bái tổ tiên, nhưng không được nhận làm của riêng”. Đoàn cũng thống nhất cách xưng hô với vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là “ông”. Mọi việc đã được sắp xếp đâu vào đấy cho ngày thoái vị của vua Bảo Đại.


Ngày 30/8/1945, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị trước 5 vạn dân trước cửa Ngọ Môn. “Đọc xong Bảo Đại giơ hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng cho chế độ”. Sau khi nhận ấn, kiếm, Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ đọc diễn văn tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ, chấm dứt ngôi vua cuối cùng của triều Nguyễn. 


Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Ông cũng báo cáo về việc phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch, hoàn thành nhiệm quan trọng và cũng đầy vinh dự của mình.
Sau đó, Trần Huy Liệu còn giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền cổ động, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Ủy viên thường trực Quốc hội,… Đặc biệt, ông có những cống hiến xuất sắc cho nền sử học nước nhà, trong đó cuốn“Lịch sử 80 năm chống Pháp” đã đưa tên tuổi ông đứng vào đội ngũ những nhà sử học hàng đầu của Việt Nam. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Sử học, ông cũng được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam


Xuân Phong


(Dựa trên Hồi ký Trần Huy Liệu-Nxb Khoa học Xã hội, 1991 và tư liệu do gia đình cung cấp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN